Nghề công tác xã hội: rất cần những tấm lòng

Thứ năm, 25/09/2014 14:37

(ĐCSVN)  Trong những năm qua, công tác xã hội (CTXH) đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc giúp đỡ các đối tượng xã hội cả về vật chất và tinh thần, cũng như đưa họ trở về cuộc sống cộng đồng. Đảng và Nhà nước ta đã công nhận CTXH là một nghề, quy định rõ ngạch, bậc lương, ngạch viên chức. Tuy nhiên, trên thực tế, người làm CTXH vẫn chưa thực sự yên tâm với nghề.

 

 Sinh viên tình nguyện tham gia Ngày hội Hoa hướng dương 
"Vì những bệnh nhi ung thư". Ảnh: Bùi Thuỷ

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có hơn 9 triệu người nghèo, 7,5 triệu người cao tuổi, 5,4 triệu người khuyết tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 180.000 người nhiễm HIV, gần 170.000 người nghiện ma túy và hơn 15.000 người hoạt động mại dâm… Đây là những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, cần chăm sóc sức khỏe, được bảo vệ, che chở…

Trái ngược với các con số trên, lực lượng làm CTXH của ta còn quá nhỏ bé với khoảng 35 nghìn người, hiện làm việc tại các trung tâm dịch vụ tư vấn, các cơ sở chăm sóc người già, người tàn tật, các trung tâm bảo trợ xã hội… trong đó có tới hơn 90% chưa qua đào tạo và chưa được xếp ngạch bậc lương, cũng như chưa có chế độ phụ cấp nghề nghiệp để lực lượng lao động này yên tâm gắn bó với công việc.

Chúng ta cũng biết, nghề CTXH mới xuất hiện trên thế giới được 16 năm, và ở nước ta, đây được coi là nghề mới xuất hiện khoảng 3 năm trở lại đây, hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực này cũng chưa hoàn thiện. Nghề CTXH ở nước ta phát triển hầu như tự phát, người làm công tác này chủ yếu với lòng nhiệt tình, tự nguyện tham gia. Đội ngũ chủ yếu là người của các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, cán bộ phường, xã, đôi khi là những người dân tự nguyện. 

Về thực chất, người làm CTXH đòi hỏi phải có rất nhiều kỹ năng bởi những đối tượng của lĩnh vực này rất phức tạp, thường là  nhạy cảm, dễ bị tổn thương, có hành vi “lệch chuẩn” (trẻ em đường phố, người bệnh, các đối tượng nghiện hút, gái mại dâm…). Chính vì vậy, ngoài kiến thức, nhân viên CTXH cần phải được đào tạo nhiều về kỹ năng mềm bởi môi trường, giờ giấc làm việc, phong cách ăn mặc hay thậm chí là cách nói chuyện của mỗi đối tượng là khác nhau, và cũng khá đặc biệt, do vậy, nhân viên CTXH cũng phải theo “gu” của từng đối tượng mà họ tiếp xúc.

Mặt khác, do đối tượng được chăm sóc, phục vụ là những người đặc biệt nên cũng rất cần các nhân viên làm CTXH có đạo đức nghề nghiệp, có sự cảm thông, chia sẻ, nếu không, họ sẽ rất khó có thể tiếp xúc, gần gũi được với những đối tượng này. Do đó, chúng ta rất cần những cán bộ CTXH có trình độ chuyên môn, bản thân những người làm nghề phải có sự hiểu biết sâu sắc về tâm lý, phải có kỹ năng ứng xử, hiểu biết xã hội và đặc biệt phải có chuyên môn nghiệp vụ.

Như vậy, tự thân xã hội hiện đại đang có nhu cầu rất lớn về nghề này, đòi hỏi nó phải phát triển một cách chuyên nghiệp, có bài bản. Để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của xã hội cũng như đảm bảo công tác an sinh xã hội. 

Trước năm 2010, CTXH chưa được coi là một nghề, vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng chưa được quan tâm, chú trọng. Đa phần nhân viên làm CTXH chưa được đào tạo cơ bản và đào tạo kỹ năng khoa học xã hội, kỹ năng nghề cần thiết về CTXH. Họ làm việc chủ yếu theo chủ quan và kinh nghiệm của bản thân. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư chưa cao, thiếu tính bền vững. Nhưng từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020 (Đề án 32). Một trong những mục tiêu của Đề án là trong giai đoạn 2010 - 2015, xây dựng và ban hành mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội; tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội, tiêu chuẩn, quy trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội: áp dụng ngạch, bậc lương đối với các ngạch viên chức công tác xã hội; đồng thời xây dựng, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo môi trường pháp lý đồng bộ, thống nhất để phát triển nghề công tác xã hội.

Cũng theo Đề án 32, từ năm 2010 - 2020, mỗi năm nước ta cần phải đào tạo và đào tạo lại 3.500 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học. Như vậy, nhu cầu nhân lực có trình độ chuyên môn về CTXH ở nước ta là rất lớn. Đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội chuyên nghiệp sẽ hỗ trợ rất lớn cho những người yếu thế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Đề án cũng đề ra các giải pháp cơ bản: rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất nhằm phát triển nghề CTXH; điều tra, rà soát, phân loại cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH; các đối tượng và dịch vụ CTXH để lập kế hoạch đào tạo, đào tạo lại về CTXH; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế về cả 3 lĩnh vực kỹ thuật, kinh nghiệm và tài chính để phát triển nghề CTXH....

Hy vọng, với những quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, của các Bộ, ngành, địa phương, nghề CTXH ngày càng được coi trọng, và những đối tượng xã hội ngày càng có nhiều cơ hội được quan tâm, chăm sóc, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội tốt đẹp và mang tính nhân văn./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực