Quảng Ninh: Nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển nghề CTXH

Thứ hai, 27/10/2014 10:35

(ĐCSVN)Tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam (Đề án 32) vừa qua, Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương đã phát triển thành công mô hình Trung tâm công tác xã hội (CTXH) và hoạt động khá hiệu quả, thiết thực. Nhờ đó, sau một thời gian triển khai Đề án 32, việc phát triển nghề CTXH ở Quảng Ninh đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tỉnh Quảng Ninh đã sớm xây dựng Kế hoạch số 1811/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án 32 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu: Phát triển CTXH trở thành một nghề chuyên nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh; Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH; Xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng, có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức tốt gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH tại các cấp, góp phần tích cực xây dựng, ổn định và phát triển hệ thống an sinh xã hội tiên tiến trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê mới đây, tính đến ngày 31/12/2013, toàn tỉnh Quảng Ninh có 194.655 đối tượng yếu thế cần sự trợ giúp, trong đó có khoảng 25 ngàn đối tượng bảo trợ xã hội, gần 12 ngàn người cao tuổi; trên 5 ngàn người tàn tật; 1.747 người mắc bệnh tâm thần; 4.259 người hưởng trợ cấp chất độc hoá học và con đẻ của họ; 4.882 thương binh; 3.432 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 41.805 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và 78.000 người thuộc hộ nghèo và cận nghèo... Đây là những đối tượng rất cần được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ CTXH, đặc biệt là tư vấn và hỗ trợ giúp xóa bỏ những “rào cản” trong xã hội, đem lại sự cân bằng trong cuộc sống. Với số lượng đối tượng yếu thế đông trên địa bàn rộng, để có thể nắm bắt và hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng, UBND tỉnh đã quyết định bố trí 1 cộng tác viên CTXH ở mỗi thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, Quảng Ninh đã có khoảng 1.950 cộng tác viên CTXH với nhiệm vụ rõ ràng và được hưởng phụ cấp 0,2 mức lương tối thiểu/người/tháng. UBND tỉnh cũng ra quyết định thành lập Trung tâm CTXH tỉnh (năm 2011) đồng thời xây dựng, ban hành chức năng, nhiệm vụ, quy chế phối hợp, quy trình cung cấp dịch vụ CTXH của Trung tâm.

Kể từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận và tư vấn cho 179 gia đình có trẻ em vi phạm pháp luật đang học tập và giáo dưỡng tại Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình; tư vấn trực tiếp tại cộng đồng đối với 1.512 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tư vấn cho trên 1.000 cha, mẹ (người nuôi dưỡng) trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 1.000 đối tượng và gia đình rơi vào hoàn cảnh yếu thế ; tư vấn, quản lý đối với trên 650 trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 1.500 đối tượng yếu thế với tỷ lệ đóng ca khoảng 68%; khám sàng lọc cho 3.000 trẻ và đang hỗ trợ điều trị cho 100 đối tượng trẻ em bị rối nhiễu tâm trí…. Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện được rất nhiều hoạt động ý nghĩa trong các lĩnh vực phát triển cộng đồng, nghiên cứu khoa học, thí điểm các mô hình dịch vụ CTXH…

Ông Đặng Hữu Bình, Giám đốc Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh cho biết, CTXH là một nghề còn khá mới mẻ nên nhìn chung nhận thức và tiếp nhận của cộng đồng còn chưa đầy đủ. Để nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về nghề này, Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông thông qua nhiều hình thức như: Pano, áp phích, tờ rơi, sách tuyên truyền… Riêng trong năm 2013, Trung tâm đã tổ chức 60 hội nghị truyền thông về nghề CTXH cho 4.800 đối tượng yếu thế tại các địa bàn trong tỉnh; 30 hội nghị truyền thông với nội dung tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội, trong đó chú trọng công tác phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em; tái xuất bản 19.000 quyển sách “Xanh lại ước mơ” với nội dung là các câu chuyện có thật về trẻ em vi phạm pháp luật có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Ninh đang học tập, tu dưỡng tại trường Giáo dưỡng số 2 (tỉnh Ninh Bình);… Do người dân chưa có thói quen sử dụng dịch vụ CTXH nên Trung tâm cũng đã cử nhân viên CTXH chủ động đến với cộng đồng để cung cấp các dịch vụ, lồng ghép với công tác tuyên truyền, tư vấn, kết nối, can thiệp và hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng tại cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng yếu thế.

   

Cán bộ Trung tâm CTXH tỉnh thu thập thông tin đối tượng yếu thế tại xã Lục Hồn,
huyện Bình Liêu. Ảnh: Xuân Huy (Trung tâm CTXH tỉnh)
 


Đặc biệt, với việc xây dựng tổng đài tư vấn miễn phí 18001769 đã góp phần quan trọng và mang lại hiệu quả tích cực trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin kịp thời cho các đối tượng có nhu cầu. 9 tháng đầu năm nay, hệ thống tổng đài tư vấn của Trung tâm đã tư vấn 81 cuộc gọi trong nhiều lĩnh vực xã hội. Cùng với đó, Trung tâm còn thực hiện hoạt động can thiệp hỗ trợ cho 150 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại 3 địa bàn là Đông Triều, Quảng Yên, Móng Cái; tổ chức hội chẩn thực hiện các hoạt động trợ giúp, sàng lọc 24 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tiếp tục duy trì các hoạt động tư vấn, can thiệp, hỗ trợ và kết nối đối với 500 đối tượng yếu thế…

Để hoạt động CTXH đạt hiệu quả, Trung tâm còn tập trung xây dựng và phát triển lực lượng cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực. Trong quá trình thực hiện, nhận thấy việc triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ CTXH chỉ thực hiện tập trung ở tuyến tỉnh là chưa đủ bởi các đối tượng yếu thế và các vấn đề xã hội cần được can thiệp chủ yếu xảy ra ở tuyến cơ sở. Vì vậy, năm 2012, Trung tâm đã triển khai thực hiện xây dựng thí điểm mô hình Hệ thống CTXH tại huyện Tiên Yên, thị xã Quảng Yên, TP.Hạ Long và TP.Móng Cái (mỗi địa phương xây dựng 1 văn phòng CTXH cấp huyện, 2 văn phòng cấp xã, 1 văn phòng CTXH trong trường học) với tổng số cán bộ, nhân viên chuyên trách và kiêm nhiệm là 75 người. Việc triển khai thí điểm hệ thống Văn phòng CTXH các cấp đã góp phần xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ CTXH đến gần với cộng đồng, thân thiện và thiết thực hơn đối với người dân. Đây được coi là tiền đề, cơ sở cho việc phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ CTXH trên phạm vi toàn tỉnh theo chương trình Đề án phát triển CTXH giai đoạn 2010 - 2020.

Đến nay, nhận thức của cộng đồng về nghề CTXH trên địa bàn tỉnh đã được nâng cao hơn, một số dịch vụ CTXH đã được thực hiện tại cộng đồng để cung cấp và giải quyết các nhu cầu, đáp ứng được mong muốn và nguyện vọng của các đối tượng. Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh dần trở thành một mô hình điểm, giúp hình thành và từng bước chuyên nghiệp hóa nghề CTXH tại địa phương, góp phần tích cực vào giải quyết các vấn đề và nhu cầu của xã hội ngay tại địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Đề án 32 đã bộc lộ không ít những khó khăn. Cũng theo ông Đặng Hữu Bình, Giám đốc Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh, mặc dù đã có văn bản quy định, hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội, nhưng lại chưa có các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý để thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm CTXH; đặc biệt là chức năng can thiệp - hỗ trợ. Chính vì vậy, khi thực hiện nhiệm vụ can thiệp trong trường hợp khẩn cấp, người làm CTXH chỉ có thể thực hiện chức năng tư vấn và kết nối với các cơ quan chức năng có liên quan. Riêng đối với hoạt động hỗ trợ, cán bộ CTXH cũng chưa có cơ sở để có thể đưa ra quyết định cụ thể việc cung cấp dịch vụ nào phù hợp và có hiệu quả cho đối tượng. Ví dụ như: Trong trường hợp cha mẹ có hành vi bạo hành với con cái. Vì lợi ích của đứa trẻ, cán bộ CTXH có thẩm quyền tạm thời tước quyền chăm sóc đứa trẻ đó của cha mẹ nó hay không? Có được quyền tạm thời giao đứa trẻ cho gia đình mở rộng hoặc cá nhân, gia đình khác đủ điều kiện chăm sóc hay không?... Tóm lại, từ thực tiễn khi thực hiện can thiệp hỗ trợ, rất cần có những quy định cụ thể như nội dung can thiệp - hỗ trợ, phạm vi, mức độ can thiệp - hỗ trợ đến đâu, lấy gì để can thiệp - hỗ trợ, nội dung phối hợp là gì và như thế nào… Có giải quyết triệt để được những vấn đề này thì nghề CTXH mới thực hiện được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình.

Cùng với đó, nhằm khắc phục những khó khăn và hoàn thành mục tiêu đề ra, vừa qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh cũng đã đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đầu mối là Cục Bảo trợ Xã hội quan tâm chỉ đạo trong các hoạt động để thúc đẩy nghề CTXH, thông qua đề xuất với Chính phủ ban hành các văn bản tạo hành lang pháp lý đầy đủ trong quá trình triển khai nghề CTXH, tạo điều kiện thuận lợi và chế độ đãi ngộ phù hợp, cũng như quyền năng cho nhân viên CTXH; có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai hệ thống nhân viên CTXH tại cấp xã theo Đề án 32; thành lập Chi hội Nghề CTXH tại tuyến tỉnh. Đồng thời, quan tâm, hỗ trợ để mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ CTXH, gắn hoạt động của CTXH với việc thực hiện Đề án 1215 (trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng), nhất là vấn đề rối nhiễu tâm trí, trong đó đặc biệt là vấn đề trẻ em tự kỷ. Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý nghiệp vụ CTXH cho các cán bộ quản lý và nhân viên CTXH...

Những kết quả thu được trong thực hiện Đề án 32 của Quảng Ninh đã góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, có thể khẳng định, phát triển nghề CTXH là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện quan điểm phát triển kinh tế gắn với tiến bộ công bằng xã hội trong từng giai đoạn, giúp cho những người yếu thế trong xã hội có cuộc sống ổn định, tự vươn lên trong cuộc sống./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực