Vai trò của truyền thông với nghề công tác xã hội

Thứ năm, 25/09/2014 14:58

(ĐCSVN) - Được chính phủ phê duyệt vào năm 2010, Đề án 32 với mục tiêu phát triển Nghề công tác xã hội (CTXH) trong cộng đồng (giai đoạn 2010 – 2020 triển khai đến nay đã được gần 4 năm. Một trong những mục tiêu của Đề án là nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH. Vì vậy, công tác tuyên truyền thông tin qua báo chí được đánh giá rất quan trọng trong việc triển khai Đề án.

Đề cập tới vai trò của truyền thông báo chí trong nhiệm vụ triển khai Đề án, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Nguyễn Văn Hồi khẳng định “Công tác truyền thông là bộ phận không thể thiếu khi triển khai bất cứ Đề án nào, chứ không riêng gì hai Đề án 32. Báo chí đã trở thành một kênh thông tin không chỉ tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công đồng xã hội về vai trò, tầm quan trọng của nghề CTXH với sự phát triển xã hội hiện nay, mà còn là kênh phản hồi những đề xuất, kiến nghị, nêu ra những bất cập của đề án để các ban ngành chức năng kịp thời điều chỉnh cho phù hợp”.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, ngay sau khi Đề án được triển khai, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông phát triển nghề CTXH giai đoạn 2011 - 2015; phối hợp với Bộ Y tế ban hành Đề án phát triền nghề công tác xã hội trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2011 - 2020; xây dựng và vận hành website phát triển nghề công tác xã hội địa chỉ http://congtacxahoi.molisa.gov.vn và ký kết hợp đồng với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng, phát hành các tin, bài, ảnh, phóng sự, ấn phẩm truyền thông phát triển nghề công tác xã hội.

Đến nay, rất nhiều đài, báo tuyên truyền về nghề CTXH một cách thường xuyên, liên tục, thậm chí nhiều báo, đài thành lập chuyên mục riêng về lĩnh vực này, trong đó, đặc biệt chú trọng đến tuyên truyền nhằm làm rõ các nguyên tắc của công tác xã hội, góp phần thúc đẩy hình thành, phát triển nguồn vốn xã hội để phát triển lĩnh vực CTXH và góp phần thực hiện vai trò quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực CTXH. Rất nhiều tỉnh, thành đã thành lập và vận hành mô hình trung tâm công tác xã hội (432 cơ sở), xây dựng website nghề công tác xã hội nhằm chuyển tải trực tiếp các thông điệp cũng như tiếp cận trực tiếp với các đối tượng cần trợ giúp. Nhiều cơ quan, cơ sở y tế, trung tâm bảo trợ xã hội xây dựng tổng đài tư vấn để trực tiếp với các đối tượng này. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, nghề CTXH đã được nhiều người biết tới, nhiều đối tượng yếu thế có thể trực tiếp tiếp cận với các chuyên gia để được tư vấn, giúp đỡ; nhiều cơ sở đào tạo đại học chiêu sinh, có hàng ngàn người theo học. Lớn hơn nữa, công tác xã hội thực sự trở thành nghề, có người cung cấp dịch vụ và người thụ hưởng dịch vụ.

 

 Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình. Ảnh minh hoạ: quangbinh.gov.vn

Khẳng định vai trò của truyền thông với Đề án 32, ông Hồi nhấn mạnh, thông qua báo chí, không chỉ các cấp, ngành, địa phương, mà bản thân người dân và những người thụ hưởng hiểu hơn về nghề CTXH, cũng như việc trợ giúp người yếu thế dựa vào cộng đồng.

Tuy nhiên, sau 4 năm được phê duyệt, nghề CTXH vẫn còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Còn rất nhiều người chưa hiểu về nghề CTXH. Thậm chí, rất nhiều lãnh đạo, phóng viên ở các cơ quan báo chí còn chưa hiểu rõ về nghề CTXH, nên việc tuyên truyền Đề án 32 còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, mặc dù được tuyên truyền khá nhiều, nhưng việc tuyên truyền Đề án 32 còn dàn trải, mới chủ yếu dừng lại ở việc đưa tin, phản ánh sự kiện, giới thiệu các quan điểm, chính sách, chưa có những bài tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng cái hay, thiếu những bài bình luận, chuyên luận mang tính khái quát cao, chưa đi sâu, đi trúng vào các vấn đề cần tuyên truyền phù hợp với từng giai đoạn cụ thể, do đó, việc tuyên truyền không sâu sắc và không nêu bật được những yếu tố cần thiết của từng giai đoạn.

Nguyên nhân của thực trạng trên có thể kể đến một số lý do: nhiều cơ quan thông tin đại chúng chưa quan tâm đúng mức đến nghề CTXH, chưa biết tận dụng các sự kiện để thu hút sự quan tâm của xã hội để nhấn mạnh đến vai trò và ý nghĩa của CTXH chuyên nghiệp; nhiều nhà báo, phóng viên chưa được tập huấn đầy đủ về nghề CTXH. Bên cạnh đó, việc phối hợp cung cấp, tiếp nhận thông tin, định hướng tuyên truyền giữa cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông còn chưa đồng bộ, nhịp nhàng.

Do công tác truyền thông đối với phát triển nghề CTXH là hết sức quan trọng, có tác động to lớn đến nhận thức, hành động của cá nhân, tổ chức, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong việc tiếp nhận, hiểu và thực hiện. Vì vậy, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác truyền thông, trong thời gian tới, ngoài việc tự trang bị hoặc được đào tạo, bồi dưỡng các nhóm kiến thức về nghề CTXH để khai thác đề tài cho phong phú và hấp dẫn, các phóng viên cần đồng thời tận dụng tối đa ưu thế của internet và các mạng xã hội để lôi kéo các nhà hoạch định chính sách, bạn bè, các nhóm CTXH… vào cuộc để khai thác đề tài, nắm bắt thông tin thực tế từ CTXH trong suốt những năm qua.

Giữa cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông cần có sự phối hợp đồng bộ để tuyên truyền có hiệu quả Đề án. Đề án được chia thành nhiều giai đoạn với các mục tiêu cụ thể khác, nên việc tuyên truyền cũng cần theo từng giai đoạn rõ ràng, song hành với bước phát triển của đề án, nhằm đảm bảo thông tin luôn chính xác, đúng mục tiêu và đối tượng. Giữa các cơ quan báo chí cần có sự trao đổi thông tin trong quá trình tuyên truyền. Ví dụ, việc triển khai đề án hiện vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu, vì vậy, công tác xây dựng nguồn nhân lực, vật lực cần được tập trung tuyên truyền cụ thể, nêu bật vai trò và tâm quan trọng của nghề CTXH trong sự phát triển chung của xã hội...

Việc thông tin tuyên truyền luôn đóng vai trò quan trọng trong sự vận động của xã hội. Đặc biệt với nghề CTXH, nó không chỉ góp phần tôn vinh nghề CTXH, mà còn góp phần giúp xã hội hiểu đúng về nghề CTXH và các đối tượng… Thực hiện thành công các mục tiêu của Đề án 32 là chúng ta đã giữ gìn truyền thống nhân văn tốt đẹp của dân tộc cũng như thực hiện chủ trương an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực