Địa chỉ tin cậy, gắn bó của kiều bào ở khắp nơi trên thế giới

Thứ hai, 25/11/2019 15:15
(ĐCSVN) – 60 năm kể từ khi thành lập, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) luôn không ngừng nỗ lực, phấn đấu làm tốt công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Luôn đồng hành với kiều bào ở khắp nơi trên thế giới

 

Được thành lập ngày 23/11/1959 theo Nghị định số 416/TTg của Chính phủ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban), tiền thân là Ban Việt kiều Trung ương, là cơ quan quản lý nhà nước về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN).

60 năm qua kể từ khi được thành lập, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và nhân viên Ủy ban luôn thấm nhuần tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đối với NVNONN, không ngừng nỗ lực, phấn đấu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành làm tốt công tác đối với NVNONN trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ hai tặng cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: Khánh Linh)

Như lời Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nói: "Trải qua 6 thập kỷ xây dựng và phát triển, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã có những bước trưởng thành vững chắc, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Từ một Hội đồng liên ngành với vai trò chủ yếu là đón tiếp và ổn định cuộc sống cho kiều bào hồi hương, đến nay, Ủy ban trở thành cơ quan cấp Tổng Cục trực thuộc Bộ Ngoại giao với chức năng cơ bản là tham mưu cho Đảng và Nhà nước và tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách liên quan đến NVNONN". 

Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Quán triệt chủ trương đại đoàn kết dân tộc nêu trong Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45, Ủy ban đã chủ động phối hợp với các cơ quan trong nước và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có cách tiếp cận mới, chủ động mở rộng tiếp xúc với nhiều thành phần khác nhau trong cộng đồng, kể cả những người còn định kiến với chế độ ta hay có quan điểm khác biệt; tạo điều kiện cho những người từng phục vụ trong chế độ cũ, những người hoạt động tôn giáo, văn hóa-nghệ thuật… có tinh thần dân tộc được trở về quê hương, kể cả tham gia một số sự kiện do Ủy ban tổ chức.

Bên cạnh đó, Ủy ban đã tham mưu, phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết một số vấn đề nhân đạo do lịch sử để lại như tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào thăm viếng, tu sửa phần mộ thân nhân ở nghĩa trang Bình An (tỉnh Bình Dương), cải táng hài cốt binh sĩ chế độ cũ, đáp ứng nguyện vọng tâm linh của đông đảo người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Để tăng cường vai trò của kiều bào vào đời sống chính trị ở trong nước, Ủy ban phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức lấy ý kiến bà con đóng góp vào các văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước như dự thảo văn kiện các Đại hội Đảng XI, XII; dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013; giới thiệu đại biểu kiều bào tham gia Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

leftcenterrightdel

Chương trình Xuân Quê hương thu hút sự tham dự ngày càng đông đảo của kiều bào.

(Ảnh: Khánh Linh)

Nhiều hoạt động lớn dành riêng cho kiều bào cũng được tổ chức như: Chương trình họp mặt kiều bào vào dịp Tết Nguyên đán sau này được biết đến với tên gọi Xuân Quê hương, chương trình kiều bào về dự Giỗ Tổ,… thu hút sự tham dự ngày càng đông đảo của kiều bào, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, thu hẹp khác biệt, đóng góp tích cực cho hòa hợp dân tộc.

Hội nghị NVNONN với quy mô toàn thế giới vào các năm 2009, 2012 và 2016, thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào và được dư luận cộng đồng hết sức quan tâm, phản ánh đúng tâm nguyện của kiều bào mong muốn đoàn kết hướng về quê hương để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đặc biệt, liên tục từ năm 2012, nhằm đáp ứng nguyện vọng và quan tâm của kiều bào, Ủy ban đã tổ chức 9 đoàn kiều bào ra thăm Huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 với gần 500 đại biểu kiều bào đến từ các châu lục tham dự. Thông qua hoạt động này, nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực của kiều bào hướng về biển đảo quê hương đã được triển khai, như ủng hộ hơn 8 tỷ tiền mặt cùng 1 xuồng chủ quyền trị giá 3,5 tỷ, tặng hiện vật gần 3 tỷ… Đồng thời, các buổi triển lãm, hội thảo về Biển Đông được các hội đoàn người Việt tổ chức ở nhiều địa bàn trên khắp các châu lục; các sản phẩm khoa học và nguồn tài chính đóng góp của các hội cũng góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong mặt trận đấu tranh giữ vững hòa bình, ổn định, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đối với thế hệ trẻ, kể từ năm 2004, Ủy ban tổ chức Trại hè Việt Nam hằng năm thu hút sự quan tâm đông đảo của thanh niên, sinh viên kiều bào. Trong 10 năm qua, tổng số đại biểu tham gia chương trình này không ngừng tăng với tổng số gần 1.500 em. Chương trình có sự kết hợp hài hòa các yếu tố giáo dục chính trị, lịch sử, truyền thống, văn hóa, du lịch và trau dồi tiếng Việt góp phần khơi gợi lòng tự hào dân tộc và tình cảm gắn bó quê hương của thế hệ kiều bào trẻ.

Việc tập hợp phụ nữ, doanh nhân, trí thức trong các tổ chức hội đoàn tiếp tục được đẩy mạnh. Ngoài ra, tính đến nay có khoảng 500 hội đoàn người Việt trên toàn thế giới với nhiều đổi mới trong các hoạt động hướng về quê hương, đất nước.

Trong 10 năm qua, mỗi năm có khoảng từ 700.000 đến 1 triệu lượt kiều bào về nước du lịch, thăm thân, tìm hiểu và triển khai các cơ hội đầu tư, làm việc... Kiều bào cũng đóng góp thiết thực trong đầu tư, kinh doanh tại nhiều địa phương và có nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo như giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, trẻ em nghèo, nạn nhân chất độc da cam, xây cầu đường dân sinh.

Chia sẻ về công việc của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian qua, ông Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân và đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc, nhấn mạnh Ủy ban luôn đồng hành với kiều bào ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc. “Chúng tôi theo rất sát các hoạt động của Ủy ban trong những năm qua và vui mừng là Ủy ban ngày càng đáp ứng được mạnh mẽ hơn nguyện vọng và mong mỏi của kiều bào đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, những hoạt động vừa qua như kiều bào góp ý vào dự thảo hiến pháp, văn kiện đại hội đảng, và những hoạt động như kiều bào thăm Trường Sa, Trại hè Việt Nam, dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ kiều bào... đã mang đến những tác động tích cực đối với kiều bào, giúp kiều bào ngày càng hiểu biết hơn và có những đóng góp tích cực cho quê hương” – ông Linh nêu rõ.

Phát huy nguồn lực kiều bào góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Công tác phát huy nguồn lực kiều bào được Ủy ban tiến hành thường xuyên, với trọng tâm là hướng kiều bào đầu tư vào các chương trình kinh tế trọng điểm, vận động kiều bào tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao kinh tế và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ủy ban đã chủ trì tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để tạo diễn đàn cho doanh nhân Việt trong và ngoài nước gặp gỡ, giao lưu và tăng cường hợp tác. Sự ra đời của Hiệp hội doanh nhân VNONN (BAOOV) vào tháng 8/2009 là dấu mốc quan trọng trong quá trình tập hợp, liên kết sức mạnh của doanh nghiệp VNONN giúp nhau tìm kiếm cơ hội kinh doanh, làm ăn, cùng phát triển và đóng góp thiết thực cho đất nước.

leftcenterrightdel
 Hội thảo: "Cơ hội hợp tác đầu tư giao thương và xuất khẩu hàng Việt Nam" được Ủy ban tổ chức năm 2011. (Ảnh: Khánh Linh)

Hiện có gần 3.000 doanh nghiệp kiều bào từ Mỹ, Canada, Úc, Nga, Pháp, Séc, Hà Lan… đang hoạt động tại 50/63 tỉnh, thành phố trên cả nước với số vốn góp và vốn đăng ký 4 tỷ USD tập trung vào các lĩnh vực du lịch, thương mại, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, chế biến, xuất khẩu thủy sản… Kiều hối gửi về nước luôn duy trì mức tăng khoảng 10-15% mỗi năm với tổng kiều hối trong 10 năm qua lên gần 112 tỷ USD, đưa Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới, đóng góp quan trọng vào ổn định cán cân thanh toán và phát triển kinh tế của đất nước.

Thêm vào đó, Ủy ban đặc biệt coi trọng việc tham mưu, đề xuất xây dựng các chủ trương, chính sách mới nhằm thu hút nhiều hơn nữa các chuyên gia, trí thức kiều bào về nước làm việc, giảng dạy, hợp tác nghiên cứu khoa học, công nghệ.

Ủy ban cũng tích cực hỗ trợ các hội, nhóm, cá nhân chuyên gia trí thức trong các hoạt động đóng góp cho sự phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế-xã hội của đất nước. Hàng năm, có khoảng 300-500 lượt trí thức, chuyên gia về nước làm việc với các cơ quan giảng dạy và nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học cơ bản và chuyên môn khác.

Nhiều hội nghị, hội thảo nhằm tạo diễn đàn cho trí thức kiều bào đóng góp cho những vấn đề lớn của đất nước cũng đã được Ủy ban tổ chức thành công như Diễn đàn chuyên gia, trí thức NVNONN với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đóng góp ý kiến về những vấn đề kinh tế-xã hội lớn ngay trước thềm Đại hội Đảng XII...

Thông qua sự kết nối và mời gọi của Ủy ban, doanh nhân, trí thức kiều bào đã chung tay hành động và trở thành một bộ phận đóng góp hiệu quả trong hợp tác với trong nước, cùng đồng hành trực tiếp với Chính phủ nhằm mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất. Các nhóm, mạng lưới chuyên gia, trí thức Việt kiều thường xuyên tham vấn cho Chính phủ, cho ý kiến về xây dựng “Chính phủ thông minh”, “tạo lập hệ thống chấm điểm hành chính quốc gia”…

Trong những năm gần đây, trên tinh thần đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển, công tác thu hút nguồn lực NVNONN được hướng mạnh vào những nhu cầu cấp bách của đất nước trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0, điển hình là các sáng kiến của Ủy ban góp phần tạo luồng sinh khí mới cho phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam. Thông qua “Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam” năm 2017 và 2018, Ủy ban tạo cơ hội cho các Start-up Việt trong và ngoài nước, các nhà đầu tư, các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, định hướng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Năm 2018, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam được thành lập, quy tụ 100 chuyên gia, trí thức NVNONN, tạo bước đột phát mới trong đoàn kết, tập hợp chuyên gia, trí thức kiều bào hướng vào những nhiệm vụ phát triển cụ thể của đất nước…

Tháng 6/2019, Diễn đàn kinh tế kiều bào lần thứ nhất với sự bảo trợ của Ủy ban được tổ chức tại Hàn Quốc nhằm kết nối doanh nghiệp Việt Nam cả trong và ngoài nước trên những lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Công nghệ 4.0, thương mại, du lịch, dịch vụ… cùng với các hoạt động triển lãm sản phẩm, xúc tiến thương mại.

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng tăng cường hỗ trợ cho các địa phương thu hút nguồn lực tri thức, tài chính của kiều bào trong giải quyết những vấn đề cụ thể.

Theo ông Võ Thành Đăng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), qua mỗi năm, nhiều hoạt động của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai ngày càng xác thực với nhu cầu của kiều bào. Ông Đăng khẳng định: “Nhiều chính sách mới được vận dụng, và hỗ trợ cho chúng tôi, những người sống xa quê quay trở về Việt Nam. Tôi đã nhìn nhận và thấy rõ sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, nhân viên của Ủy ban và chính sự nỗ lực này đã đóng góp rất nhiều vào việc tạo thuận lợi hơn cho kiều bào cũng như giúp kiều bào quay trở về nước đầu tư, kinh doanh. Một số chương trình kêu gọi trí thức, doanh nhân, những người trẻ trở về để cảm nhận quê hương, thấm đậm tình Tổ quốc”.

Thông tin và hỗ trợ kiều bào gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Bằng nhiều kênh và nhiều hình thức khác nhau, Ủy ban đã giúp kiều bào có cách nhìn sát thực, khách quan về tình hình mọi mặt của đất nước, nhất là những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, tình hình biển đảo, biên giới lãnh thổ, về chính sách tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền, qua đó cơ bản giải tỏa được nhiều băn khoăn, hoài nghi của cộng đồng, giúp kiều bào an tâm, tin tưởng vào sự phát triển của đất nước và ngày càng hướng về quê hương.

Bên cạnh việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho phóng viên các cơ quan truyền thông của NVNONN về nước tác nghiệp, tham gia đưa tin những sự kiện lớn của đất nước, thăm Trường Sa…, Ủy ban cũng tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm giữa các cơ quan báo chí trong nước với các các phóng viên báo chí kiều bào nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của báo chí cộng đồng trong việc phản ánh đúng, khách quan về hiện thực của đất nước; đồng thời, chung tay góp sức giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc và duy trì tiếng Việt.

Ủy ban đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong triển khai chính sách ngoại giao văn hóa để đưa văn hóa Việt đến với cộng đồng NVNONN bằng nhiều cách thức khác nhau: thông qua các sự kiện Tuần Việt Nam, Ngày Việt Nam; các chương trình quảng bá du lịch quy mô lớn; các hoạt động quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng tại nhiều nước có đông người Việt như Nhật Bản, EU, Nga, Trung Quốc, Mỹ... Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ cộng đồng được tổ chức thường xuyên hơn, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán. 

Để giúp thế hệ trẻ kiều bào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, duy trì tình cảm, gắn bó với nguồn cội, việc dạy và học tiếng Việt được đẩy mạnh với nhiều hoạt động phong phú thiết thực: trực tiếp hỗ trợ cơ sở vật chất, sách giáo khoa, tài liệu học tiếng Việt, tổ chức tập huấn dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào…

leftcenterrightdel
 Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN đã trở thành hoạt động được Ủy ban tổ chức thường niên. (Ảnh: Khánh Linh)

Trước nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng gắn với văn hóa dân tộc của cộng đồng ngày một phát triển, Ủy ban dành sự quan tâm thích đáng, chủ động phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử các đoàn đi hoằng pháp, xây chùa và cử các vị chức sắc sang trụ trì, hướng dẫn bà con tu học theo chính pháp, phát huy tinh thần yêu nước, hướng về Tổ quốc.

Nhấn mạnh vai trò của Ủy ban đối với công tác về NVNONN, ông Trịnh Cao Sơn, Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Thái Lan, chia sẻ Ủy ban chính là cầu nối gắn kết cộng đồng kiều bào với quê hương, đất nước, tăng cường đại đoàn kết dân tộc, góp phần vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam với nước sở tại. Ông Trịnh Cao Sơn khẳng định cộng đồng kiều bào luôn hướng về Tổ quốc, là bộ phận không tách rời của Việt Nam. Bà con kiều bào sẽ tiếp tục đóng góp hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, giữ gìn tiếng Việt và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam tại nước sở tại.

Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã khẳng định vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác đối với NVNONN. Phần thưởng cao quý - Huân chương độc lập hạng Nhất - mà Ủy ban vừa được trao tặng đã thể hiện sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những công việc Ủy ban đã đạt được trong 60 năm qua. Trên nền tảng kết quả công tác đạt được, thời gian tới, Ủy ban tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, không ngừng nỗ lực để đưa công tác NVNONN ngày càng hiệu quả hơn, thiết thực hơn, củng cố hình ảnh của Ủy ban, là địa chỉ tin cậy, gắn bó của kiều bào ở khắp nơi trên thế giới./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực