“Bài toán” Sân vận động Hàng Đẫy!

Thứ sáu, 12/10/2018 15:29
(ĐCSVN) - Việc cải tạo Sân vận động Hàng Đẫy là cần thiết, vừa chống xuống cấp và hư hỏng trầm trọng, vừa giữ được giá trị lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, nếu cải tạo thành một Tổ hợp thể thao hoành tráng, thì phải xem xét trên nhiều phương diện, từ luật pháp, tính công khai, minh bạch...đến việc giảm áp lực hạ tầng giao thông khu vực trung tâm Thủ đô.
Sân vận động Hàng Đẫy. (Ảnh: Báo Kinh tế đô thị)

Hà Nội vừa có văn bản đề xuất việc đầu tư xây dựng Tổ hợp thể thao Sân vận động Hàng Đẫy để phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) diễn ra vào năm 2021.

Theo đó, dự án được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, với tổng mức đầu tư 6.309 tỷ đồng. Đổi lại, nhà đầu tư (Tập đoàn T&T) được khai thác và vận hành Tổ hợp thể thao Sân vận động Hàng Đẫy trong 50 năm.

Khu vực Hà Nội đề xuất nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng có tổng diện tích 3,2 ha. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành, sân mới có sức chứa 20.000 chỗ ngồi, cao 35m, 4 tầng hầm liên thông. Công trình cao 8 tầng, 1 tum, còn có chức năng kết hợp thương mại với văn phòng.

Những thông tin mà báo chí đã công bố, dư luận không thể không lo ngại về sự bất cập nhiều mặt cho vùng trung tâm Thủ đô.

Trước hết, đó là áp lực đối với hạ tầng giao thông ở vùng trung tâm của Thủ đô, nằm ngay đầu đường Hùng Vương dẫn vào quảng trường Ba Đình và rất gần với Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Với mật độ xây dựng như hiện nay, nhiều tuyến đường ở khu vực này đã quá tải. Đầu giờ buổi sáng và cuối giờ buổi chiều, khu vực Nguyễn Thái Học, Kim Mã, Tôn Đức Thắng thường xuyên tắc nghẽn, nhiều người đi xe máy phải chạy tràn lên vỉa hè. Nếu thêm Tổ hợp thể thao hoành tráng với nhiều chức năng, dành cho nhiều đối tượng đến vui chơi và làm việc, thì khu vực này sẽ là điểm nghẽn giao thông thường xuyên. Và không ai muốn trung tâm chính trị, lịch sử, văn hóa của Thủ đô tắc nghẽn như vậy.

Thứ hai, Hà Nội đã có Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình gồm cụm sân vận động Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước, Cung thể thao trong nhà ...nhưng chưa khai thác hết công năng. Vì thế, nên tập trung đầu tư để phát huy hết công năng Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình để tránh lãng phí. Nếu thấy Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình không đủ các điều kiện để phục vụ SEA Games 31, Hà Nội tiến hành thu hồi đất tại một số dự án “ treo” ở phía Tây để xây dựng Tổ hợp thể thao hiện đại, vừa kết nối với Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, vừa giảm áp lực về hạ tầng giao thông ở vùng trung tâm Thủ đô...

Một vấn đề nhạy cảm khác là việc Hà Nội đề xuất cho phép chấp thuận cơ chế triển khai dự án Tổ hợp thể thao Sân vận động Hàng Đẫy theo thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Luật Đầu tư mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất. Có thể nói, giao 3,2 ha đất vàng ở trung tâm Thủ đô cho Tập đoàn T&T theo cơ chế đặc thù, không qua đấu giá, đấu thầu, là sự kiện bất ngờ, cần xem xét lại, tính toán kỹ từ phương diện luật pháp, sự công khai, minh bạch...đến bảo đảm lợi ích chung.

Từ những vụ thâu tóm đất vàng ở Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… để lại nhiều bài học cho Hà Nội và nhiều địa phương khác. Nếu không đấu giá quyền sử dụng đất theo giá thị trường, nguy cơ gây thất thu ngân sách nhà nước là không nhỏ. Nếu không đấu thầu dự án thì chưa đúng với nguyên tắc kinh tế thị trường, các doanh nghiệp đều cạnh tranh bình đẳng./.

Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực