Đèn phố!

Thứ ba, 02/01/2018 16:50
(ĐCSVN) - Bây giờ chuyện các đô thị trang trí để đón xuân trở thành vấn đề lớn, cả xã hội quan tâm vì nhiều lẽ. Lẽ đầu tiên là trang trí để làm đẹp, nhưng không ít trường hợp lại khiến cảnh quan bị xấu xí đi, gây bực bội, phản cảm đối với người dân.
Ảnh minh họa. (Nguồn: laodong.vn)

Chăng đèn kết hoa, trang trí để đón chào năm mới là một phong tục đẹp có từ lâu đời, từ mỗi ngôi nhà, từ mỗi làng quê đến các đô thị, không chỗ nào không được làm đẹp hơn trong dịp Tết đến, Xuân về. Phong tục là thế, nhưng trang trí thế nào cho đẹp về hình thức lẫn nội dung và phù hợp với điều kiện kinh tế là những yêu cầu luôn luôn đặt ra.

Bây giờ chuyện các đô thị trang trí để đón Xuân trở thành vấn đề lớn, cả xã hội quan tâm vì nhiều lẽ. Lẽ đầu tiên là trang trí để làm đẹp, nhưng không ít  trường hợp lại khiến cảnh quan bị xấu xí đi, gây bực bội, phản cảm đối với người dân.

Trong những năm qua, hầu như không có năm nào không có “sự cố truyền thông” về trang trí đường phố; không ít vụ người dân phản ứng mạnh về những kiểu trang trí đèn đóm lập lòe, thiếu thẩm mỹ, thậm chí lố bịch, gây rối loạn thị giác cho người đi đường; không ít tác phẩm phải tháo dỡ trước khi bước sang năm mới để trả lại không gian thông thoáng, thanh lịch vốn có cho đường phố. Trang trí bằng tiền tỷ nhưng sản phẩm lại thành rác văn hóa, cần phải tháo dỡ ngay.

Lẽ thứ hai là sự lãng phí về kinh tế. Ở một số đô thị thì tiền chi cho trang trí lên đến nhiều tỷ đồng. Dẫu với danh nghĩa xã hội hóa thì đó cũng là nguồn lực xã hội, doanh nghiệp bỏ ra số tiền lớn không thể không được bù đắp bằng nguồn lợi khác, cuối cùng lãng phí vẫn là lãng phí.

Vấn đề đặt ra là tại sao nhiều sự cố như vậy nhưng kiểu trang trí tiền tỷ đó vẫn tiếp tục, và chất lượng cũng chưa nâng cao được bao nhiêu do vẫn gu thẩm mỹ cũ, do cách làm cũ?!

Có lẽ do tác động của “mặt trái nền kinh tế thị trường” hay do nhận thức và khả năng giám sát của người dân cao hơn mà không ít ý kiến nghi ngờ về sự minh bạch trong các khoản chi cho trang trí đường phố nói chung và dịp năm mới nói riêng. Có thể suy luận rằng, muốn có gói kinh phí lớn nên người làm dự án mới thiết kế hệ thống đèn dày đặc như vậy; vì muốn kinh phí lớn nên họ phải vẽ ra nhiều điểm nhấn, nhiều trung tâm trang trí, nhiều cổng chào ánh sáng…Và vì muốn lợi nhuận cao nên người ta không cần tìm những thiết kế mới, phù hợp, mà chỉ xào đi xào lại kiểu trang trí cũ.

Có người nghĩ đơn giản hơn đó là do năng lực thẩm mỹ của người thiết kế và phê duyệt hạn chế, dẫn đến những sản phẩm thiếu tính thẩm mỹ, thậm chí xấu xí ...

Trang trí đường phố là một hoạt động văn hóa, nên người thiết kế, phê duyệt phải làm sao để đường phố được trang trí mang tính văn hóa cao, thẩm mỹ tinh tế, tôn vinh được vẻ đẹp của đô thị, nét đẹp văn hóa cũng như tâm hồn người dân địa phương. Trang trí đẹp yêu cầu không dễ, nhưng đẹp về hình thức mà không có nội dung đẹp thì đó cũng chỉ là sự hào nhoáng kệch cỡm mà thôi.

Nói thế để thấy rằng, cái đẹp phải đặt trong ngữ cảnh nhất định. Giả sử trong bối cảnh địa phương vừa qua trận thiên tai lớn, nhiều gia đình mất nhà cửa, mất người thân, mất kế sinh nhai, ngày Tết còn được cứu đói…thì đường phố lộng lẫy chỉ gây thêm cảm giác phản cảm, xa lạ, không thân thiện với con người, chưa xứng tầm văn hóa!

Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực