Ngoại ngữ đã phổ cập?

Thứ ba, 03/04/2018 15:00
(ĐCSVN) - Ngoại ngữ không còn xa lạ với người Việt. Ngoại ngữ trở thành phương tiện, kỹ năng quan trọng để mưu sinh. Nhưng Ngoại ngữ đã phổ cập đến tất cả mọi người?

Tôi có dịp được nghe một câu chuyện của hai người phụ nữ ở góc một quán cà phê vào một buổi sáng. Sau một hồi, tôi mới té ngửa hóa ra câu chuyện xoay quanh việc một hãng thời trang giảm giá chứ không phải chủ đề đồ ăn mà tôi tưởng tượng. Nghĩ lại cách đây vài tháng, VTV có phóng sự về các biển hiệu cửa hàng, cửa hiệu toàn bằng tiếng nước ngoài. Họ quay cảnh con phố Kim Mã với hàng loạt biển toàn tiếng nước ngoài: Anh, Pháp, Nhật, Hàn…, đủ cả. Họ cũng nói về quy định của cơ quan quản lý rằng: Việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định tại Điều 18 của Luật Quảng cáo; biển hiệu phải bảo đảm mỹ quan; biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam.

Đường Kim Mã (Hà Nội) hiện vẫn đang tràn ngập những tấm biển quảng cáo
bằng tiếng nước ngoài. (Ảnh: KS)

Không chỉ có vấn đề biển hiệu, câu chuyện giới trẻ ngày nay hay nói chuyện chút chút lại thêm vào những từ tiếng nước ngoài, làm cho nhiều người không thể hiểu. Sự trong sáng của Tiếng Việt, tâm lý sùng ngoại, mối quan hệ giữa hội nhập và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc… là vấn đề của bao đề tài nghiên cứu, bao hội nghị, hội thảo bàn luận... nay vẫn chưa ngỏ.

Thiết nghĩ, ngoại ngữ được đưa vào giảng dạy từ bậc tiểu học, học sinh Việt Nam được học 10 năm ngoại ngữ, những từ ngữ đơn giản các em đều hiểu. Không những thế, thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, chỉ cần ngồi nhà cũng học được ngoại ngữ nên trình độ ngoại ngữ của người dân, nhất là giới trẻ được nâng cao. Nhưng liệu ngoại ngữ đã phổ cập? Có phải ai cũng có khả năng đọc, hiểu được ngoại ngữ, dù là những từ đơn giản? Có phải cứ đề biển hiệu bằng ngoại ngữ, nói chuyện chêm xen ngoại ngữ là trình độ ngoại ngữ của nhân dân cao?

Đành rằng, việc thể chế hóa thành các quy định với việc sử dụng ngôn ngữ là rất khó. Nhưng ngôn ngữ có mặt hữu hình, là chữ viết, chúng ta đã quy định, đã có chế tài thì cần tổ chức thực hiện nghiêm minh. Những biển hiệu, biển quảng cáo… ngày ngày vẫn ở đó, thu hút mọi ánh nhìn, có thu hút những người làm công tác quản lý ngành văn hóa? Có lẽ, cần lắm sự chỉn chu trong quản lý ngay từ những thứ rất nhỏ!

Huyền Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực