Tết xưa, Tết nay !

Thứ ba, 05/02/2019 10:23
(ĐCSVN)- Đề gìn giữ được nét đẹp của Tết xưa, ngoài các quy định trong luật, các nghị định, rất cần phát động phong trào gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc, khôi phục các phong tục Tết xưa ở cả đô thị và nông thôn để tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ

Ảnh minh họa

 

Cứ mỗi độ đón xuân năm mới, nhất là từ sau tiễn ông công, ông táo là tiệc tất niên rầm rộ đến mức các nhà hàng không còn  chỗ nhận khách. Đủ kiểu gặp mặt tất niên. Nào là bạn cùng lớp cấp 3, rồi cùng lớp đại học, và cả những người bạn đi các chuyến công tác  nước ngoài nước  nọ, nước  kia…Đại loại là đủ cả, có rất nhiều lý do để tề tựu, hàn huyên ngày Tết. Nói chung, cánh công chức, viên chức, rồi cả doanh nhân ai cũng than thở vì sự bội thực của các cuộc gặp mặt. Vì, lịch căng cứng đến mức cứ gọi là ngày hai buổi đến trường, thậm chí còn ca ba, ca bốn…

Những người bạn chúng tôi thân thiết từ những năm học cấp 3 nay công tác  ở Hà Nội cũng không ngoại lệ. Thông thường có hàng chục ông bạn. Cũng trăm hoa đua nở, mỗi người lĩnh vực công tác khác  nhau. Vài nhịp chúc  mừng nhau, cũng đồng nghĩa sẽ nâng cốc hàng chục ly. Rượu vào nhời ra. Rồi đủ thứ chuyện trên đời. Kiểu như: Tết này có gì mới? ước gì thời gian quay lại để có không khí Tết xưa? Sức mua của dân cao hay thấp hơn năm ngoái? Thưởng  Tết năm nay ở cơ quan, doanh nghiệp nào cao nhất? Không khí  đónTết năm nay vui hơn năm Mậu Tuất?...Đó là những câu hỏi đem ra tranh luận khá sôi nổi và chỉ thường diễn  ra ở các cuộc nhậu. Nhưng tựu chung lại, câu chuyện Tết xưa, Tết nay vẫn bao chùm lên tất cả toàn bộ cuộc tranh luận.

Rồi câu chuyện tranh luận cũng đến đỉnh điểm:

- Ông bạn P làm nghề dạy học đã lâu năm, cao giọng nói: Thôi, mặc các ông, nhưng tôi nói thật với các ông, tôi chỉ hoài niệm Tết xưa, chứ Tết nay thì tôi đã không còn cảm nhận từ lâu rồi.

- Ồ! Sao ông lại nói vậy, ông bạn doanh nhân chen vào.

- Ông bạn làm nghề dạy học thủng thẳng nói: Thế này nhé.. Tôi nói là không còn cảm nhận, vì Tết thời @ hiện nay ín còn những vẻ đẹp của Tết xưa. Tôi chẳng đổ lỗi cho nguyên nhân nào. Nhưng có vẻ như, rất nhiều cái đẹp ngày xưa chẳng còn. Ngày xưa cả năm chỉ đón chờ ngày Tết. Tết đối với giới trẻ là thích nhất. Trẻ con đều mong, đếm từng ngày đến Tết. Tết để được mắc áo mới, tết để được đi chợ ngăm tranh đông hồ. Rồi để được ăn  ngon... Con ngày nay, trẻ con chẳng còn hào hứng đón chờ thời khắc của năm mới nữa. Vì cả năm được ăn ngon, mặc đẹp, thì còn gì cái cảm giác lâng lâng được diện áo mới cùng bố mẹ, ông bà đi chúc Tết nữa. Ngày nay, cảm nhận Tết nếu có là trên mạng. Chúng thi nhau online, đón Tết qua mạng. Alo chúc Tết chứ chẳng cần đi chúc Tết nữa!

Tôi nói thế là khách quan. Vì tôi cũng đã gặp những câu chuyện như thế. Vừa rồi, tôi cứ thăm  thẳm nỗi buồn về một cậu học trò học rất giỏi và rất ngoan ngày xưa của tôi, hiện đang sống tại Hà Nội. Chuyện là thế này. Cách đây vài hôm, bỗng nhiên lâu lắm rồi cậu ta mới lại gọi điện cho tôi: Alo, em gọi điện để chúc Tết thày ạ. À, thày thông cảm, nhân tiện em mời thày dự lễ cưới của em vào mùng 10 Tết này ạ?!

- Ôi giời! Rõ khổ! Thời này là thời nào mà “Bố” cứ sống trong hoài niệm mãi thế. Ông nói những chuyện xưa ấy là đúng rồi, nhưng có cái gì khác về bản chất Tết nay và Tết xưa, ông nói thẳng ra xem nào? Ông bạn S, một doanh nhân khá thành đạt bắt đầu “ho”. Mà ông bạn này khi đã “thở” ra thường rất thắng thắn.

- Ông bạn già giáo viên vẫn điềm tĩnh: khác chứ, khác nhau về bản chất mới nói chứ chỉ hiện tượng thì nói nhiều làm gì. Thế này nhé: tôi và chắc chắn nhiều người lứa tuổi xấp xỉ U60 như chúng ta đều cảm nhận cái đẹp và luôn nhớ, rồi nuối tiếc của Tết xưa và tâm lý băn khoăn về những điều không tích cực của Tết nay. Tết ngày xưa chủ yếu thăm hỏi, chúc Tết bằng tinh thần là chính. Nếu kinh tế có khá một chút thì gọi là chiếc bánh chưng, quả bưởi, nải chuối xanh, vài cân gạo nếp…Rồi lì xì gọi là vài đồng, vài hào cho trẻ con. Tết ngày nay mang hơi thở thị trường nên các mối quan hệ thăm hỏi, chúc Tết cũng thị trường, không còn bản sắc đẹp thuần túy trước đây. Tết ngày nay nếu không muốn nói thẳng ra là Tết của những người khá giả, những người ít nhiều có địa vị xã hội. Sự hoang phí tốn kém chi cho dịp Tết đến mức đáng báo động. Chẳng thế mà đài báo cũng đã nói, chi phí của người Việt dịp tết lên tới hàng nghìn tỷ đồng?! Họ đua nhau sĩ diện, sắm những cây cảnh hàng vài chục triệu đồng, thậm chí vài chục ngàn đô. Rồi phong bao, phong bì lên tới tiền tỷ dưới mọi hình thức quan hệ, dù trên  đã cảnh báo, nhắc  nhở.

- Ông nói vậy thì phải có cao kiến gì để gìn giữ nét đẹp của Tết xưa chứ? Ông K, một phó giáo sư, bác sỹ có tiếng ở bệnh viện M từ đầu im tiếng nay mới tham góp.

- Ông bạn T, Vụ trưởng của ngành văn hóa lên tiếng: nói thật với các ông, chúng ta có đầy đủ các quy định trực tiếp hay gián tiếp gìn giữ bản sắc văn hóa, nhất là lế hội truyền thống, phong tục Tết cổ truyền dân tộc. Nhưng rồi đúng là sự mai một truyền thống tốt đẹp của Tết ngày càng nhận diện rõ hơn. Đề gìn giữ được nét đẹp của Tết xưa, theo tôi, ngoài các quy định trong luật, các nghị định, rất cần phát động phong trào gìn giữ truyền thống  văn hóa dân tộc, khôi phục các phong tục Tết xưa ở cả đô thị và nông thôn để tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ.

Còn việc ngăn chặn tệ nạn tặng quà Tết cấp trên ư? Vấn đề thực ra là khó, phải làm quyết liệt mới ngăn chặn được. Bởi vì các quy định thực hành tiết kiệm, nghiêm cấm tặng quà Tết dưới mọi hình thức năm nào cũng nói. Thế nhưng, sự biến tướng nạn phong bao, phong bì vẫn dưới mọi hình thức. Tôi nghĩ, quan trọng nhất là ý thức  và lòng tự trọng thôi. Vì quan hệ tặng quà là quan hệ hai bên. Nếu người nhận kiên  quyết từ chối thì người tặng dù ‘cố” tặng cũng chịu. Tôi nghĩ, phải giải quyết tận gốc vấn đề. Và dặc biệt là phải kiểm soát, minh bạch các nguồn thu thông qua quản lý chi tiêu bằng tài khoản cá nhân đi liền với thực hiện thực sự nghiêm túc việc kê khai tài sản cá nhân. Và điều cuối cùng là phải thực hiệm nghiêm quy định nêu gương thực hành tiết kiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo các  cấp./.

Trần Quyết Thắng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực