“UBND cấp tỉnh quy định bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc là không phù hợp”

Thứ ba, 21/05/2019 19:05
(ĐCSVN) – Thảo luận về dự án Luật Kiến trúc, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc là không phù hợp.

Sửa Luật để đáp ứng cam kết thực hiện CPTPP


Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) phát biểu tại hội trường Quốc hội chiều 21/5.
(Ảnh: Bích Liên)

Chiều ngày 21/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và thảo luận về dự án Luật này.

Nên giao Chính phủ quy định bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc

Trình bày tóm tắt báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Phan Xuân Dũng cho biết, UBTVQH thống nhất với phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc, như vậy bao quát được các chế định cần thiết đối với hoạt động kiến trúc, phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng mục tiêu quản lý và hành nghề kiến trúc như yêu cầu của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã đặt ra khi xây dựng Luật này.

Để tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định mang nội hàm phát triển thể hiện trong chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc, hợp tác quốc tế về kiến trúc, thi tuyển phương án kiến trúc, quản lý đối với công trình kiến trúc có giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc và hành nghề kiến trúc...

Về việc bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội cho biết, nhiều ĐBQH cho rằng, cần bổ sung quy định có liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Nam cho phù hợp.

UBTVQH cho rằng, việc bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc, giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo Luật không thể mô tả cụ thể các nội dung bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung cũng như bản sắc văn hóa của từng dân tộc nói riêng trong kiến trúc, bởi vì đây là những yếu tố hết sức đa dạng và phong phú.

“Để bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc của loại công trình này, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về lập Danh mục, xin ý kiến về Danh mục công trình kiến trúc có giá trị và giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí đánh giá, phân cấp, phân loại công trình kiến trúc có giá trị; trình tự, thủ tục tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt Danh mục công trình kiến trúc có giá trị, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu quản lý, không chồng chéo với quy định của pháp luật về di sản văn hóa và quy định khác của pháp luật có liên quan”, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT cho biết.

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) bày tỏ băn khoăn với nội dung giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định bản sắc văn hóa trong kiến trúc phù hợp với địa phương mình quản lý. Theo đại biểu, thực tế hiện nay có rất nhiều dân tộc sinh sống ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. "Vậy tỉnh, thành phố nào có thể quy định được bản sắc dân tộc theo tính chất tiêu biểu và đặc trưng của kiến trúc Việt Nam? Nếu tỉnh nào cũng quy định thì liệu có sự không thống nhất hay không”, đại biểu nêu vấn đề và đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát lại điều khoản này.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nghiêm Vũ Khải (đoàn Hà Giang) cho rằng, việc giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc là không phù hợp. Đại biểu đề nghị nên quy định Thủ tướng Chính phủ là hợp lý. Vì UBND cấp tỉnh chỉ nên quản lý về hoạt động chuyên môn.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) cho biết, việc quy định bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc là hết sức cần thiết. Để tránh tình trạng thực hiện không chặt chẽ, dễ bị lạm dụng, dẫn đến tình trạng sao chép kiến trúc ngoại lai, tùy tiện, phá vỡ kiến trúc của bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, không nên giao cho từng địa phương mà nên giao thống nhất cho Chính phủ để đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc.

Đại biểu cũng cho rằng, việc giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc sẽ không khả thi, dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất trong toàn quốc. Bởi, quy định về bản sắc văn hóa dân tộc đòi hỏi chuyên môn rất sâu; nhất là nước ta có nhiều dân tộc và bản sắc văn hóa các dân tộc rất phong phú, đa dạng.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) việc xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc đối với các công trình kiến trúc là hết sức quan trọng. Tuy nhiên do quy định bản sắc văn hóa dân tộc đòi hỏi phải có sự am hiểu sâu sắc, chuyên về văn hóa dân tộc, phù hợp với các vùng miền, vì vậy đề nghị ban soạn thảo chỉnh lý theo hướng giao cho Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp xây dựng và quy định văn hóa bản sắc dân tộc để đảm bảo tính thống nhất.

Quy định cụ thể về cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc

Liên quan đến chứng chỉ hành nghề (CCHN) kiến trúc, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã quy định rõ 03 đối tượng bắt buộc có chứng chỉ hành nghề, bao gồm: Kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân; cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc và cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc.

Dự thảo Luật cũng quy định về bổ sung quy định cá nhân có bề dày thời gian tham gia quản lý nhà nước, đào tạo về kiến trúc hoặc hành nghề kiến trúc liên tục thì được miễn điều kiện về sát hạch cá nhân, đoạt giải thưởng kiến trúc quốc gia hoặc giải thưởng quốc tế về kiến trúc thì được miễn điều kiện về thời gian, kinh nghiệm tham gia thiết kế kiến trúc.

Nhiều đại biểu cho rằng một trong những điều kiện để cấp CCHN kiến trúc của cá nhân là phải có kinh nghiệm tham gia thiết kế kiến trúc tối thiểu 03 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc theo dự án Luật là không hợp lý. Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định những trường hợp được miễn sát hạch, tập sự hành nghề kiến trúc.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng nên quy định tối thiểu là 2 năm theo đúng quy định của Bộ Xây dựng để đảm bảo tính đồng bộ của văn bản. Bởi các hoạt động kiến trúc thường gắn liền với các công trình xây dựng, hoạt động xây dựng. Dự thảo Luật kiến trúc ít nhiều liên quan đến Luật Xây dựng, bởi vậy quy định thời hạn 2 năm theo quy định của Bộ Xây dựng là hợp lý.

Về Văn phòng kiến trúc sư, có ý kiến đề nghị không nhất thiết quy định Văn phòng kiến trúc sư trong dự thảo Luật vì cho rằng đây chỉ là tên gọi của tổ chức hành nghề cung cấp dịch vụ kiến trúc. Theo pháp luật hiện hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ kiến trúc hoàn toàn có thể được thành lập, đặt tên gọi và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan. Ngoài ra, để quy định về mô hình dịch vụ kinh doanh mới cần có sự đánh giá toàn diện, đầy đủ tình hình thực tiễn về hoạt động và tác động chính sách khi quy định về mô hình này.

Theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (tỉnh Long An), mô hình Văn phòng kiến trúc sư đang tồn tại phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, khuyến khích sự sáng tạo của kiến trúc sư. Giới kiến trúc sư Việt Nam đề nghị có quy định về Văn phòng kiến trúc sư trong dự thảo Luật nhằm cổ vũ tinh thần và động lực sáng tạo cho kiến trúc sư hành nghề. Do đó, để tạo tâm lý bình đẳng trong hợp tác, hội nhập với các nước thì cần quy định về Văn phòng kiến trúc sư trong dự thảo Luật./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực