319 Hiệp định đã được ký kết từ nguồn vốn vay nước ngoài

Thứ năm, 09/08/2018 20:21
(ĐCSVN) – Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Nguyễn Đức Hải, giai đoạn 2011-2016, đã có 319 Hiệp định được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng 33,643 tỷ USD, cao hơn 59% so với mức của thời kỳ 2006 – 2010.
Toàn cảnh phiên họp thứ 26 của UBTVQH. (Ảnh: quochoi.vn)

 Tiếp tục Phiên họp thứ 26 của UBTVQH, chiều 9/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH Nguyễn Đức Hải báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Nguyễn Đức Hải cho biết, các dự án, công trình đầu tư từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2011-2016 cơ bản phù hợp với nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trong giai đoạn này, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế, xã hội quan trọng: tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng, các mặt của đời sống xã hội, kinh tế nông nghiệp nông thôn có những bước khởi sắc.

Nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, năng lượng, môi trường... đã hoàn thành, được đưa vào khai thác, góp phần hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Một phần quan trọng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, nhất là vốn viện trợ không hoàn lại đã được sử dụng để hỗ trợ giảm nghèo bền vững thông qua Chương trình 135 giai đoạn II, dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn quy mô nhỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh Tây Nguyên; một số dự án tạo lập sinh kế cho người nghèo nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương như dự án phát triển nông nghiệp miền Tây Nghệ An; các dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ...

Nguồn vốn ODA đã góp phần quan trọng để thúc tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống người dân, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế; đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, tiếp thu khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước phát triển.

Nói về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết: Giai đoạn 2011-2016, đã có 319 Hiệp định được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng đạt 33,643 tỷ USD, cao hơn 59% so với mức của thời kỳ 2006 – 2010 trong đó ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi đạt 32,296 tỷ USD, chiếm khoảng 96% và ODA viện trợ không hoàn lại đạt 1,346 tỷ USD chiếm khoảng 4% so với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết cho thời kỳ này.

Trong số vốn vay đã đàm phán, ký kết, phần sử dụng để cấp phát cho các chương trình, dự án đầu tư không có khả năng hoàn vốn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước khoảng 21,5 tỷ USD, chiếm 65% tổng trị giá ký kết; cho vay lại khoảng 11,8 tỷ USD, chiếm 35% giá trị ký kết. Bình quân trong giai đoạn 2011-2016, vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài chiếm 37,6% tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước.

Việc bố trí vốn kế hoạch đầu tư trong từng ngành, lĩnh vực của Bộ, ngành trung ương và địa phương đã ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Trong đó, nguồn lực đối ứng chủ yếu dành cho các công trình giao thông (31.146 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đối ứng); đối với các địa phương, vốn đối ứng từ nguồn ngân sách Trung ương (NSTW) hỗ trợ có mục tiêu cho các dự án ODA của địa phương đã tập trung ưu tiên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Miền núi phía Bắc,Tây Nguyên.

Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: việc đàm phán, ký kết các hiệp định vay nợ chưa thống nhất đầu mối theo quy định của Luật quản lý nợ công năm 2009 dẫn đến trong triển khai thực hiện chưa thống nhất, gắn kết giữa đàm phán, ký kết với phân bổ, sử dụng vốn và cân đối nguồn lực trả nợ; chất lượng chuẩn bị một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, gây lãng phí, hiệu quả thấp, có những dự án chuẩn bị và thực hiện trong nước kéo dài dẫn đến không còn tính cấp thiết và làm cho thiết kế ban đầu không còn phù hợp…

Tiếp tục triển khai hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Nguyễn Đức Hải nhấn manh: Giai đoạn 2021-2025 Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, theo đó, nguồn vốn ODA giảm dần, xu hướng phải tiếp cận với các nguồn vốn vay với chi phí cao hơn, trong khi nợ công, nợ Chính phủ tăng cao, sức ép trả nợ các khoản vay cũ tăng dần.

Đối với nguồn ODA viện trợ không hoàn lại, vẫn ưu tiên hỗ trợ giảm nghèo bền vững, các lĩnh vực xã hội (y tế, giáo dục,…), phát triển thể chế và nguồn nhân lực, khoa học, kỹ thuật, chuyển giao kiến thức và công nghệ…

Đối với vốn vay ODA, cần tập trung cho những dự án có quy mô lớn, mang tính lan tỏa cao, có tính chất liên vùng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng, miền, bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp quy hoạch, phát huy tối đa hiệu quả dự án để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết định.

Đối với vốn vay ưu đãi tập trung lựa chọn các dự án có khả năng thu hồi vốn đã trả nợ trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Cần thực hiện nghiêm quy định không vay để chi thường xuyên. Các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài cần tính toán, cân nhắc, so sánh hiệu quả, chi phí so với vay trong nước, tránh lệ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời, phải được đánh giá kỹ về hiệu quả kinh tế - xã hội và tác động đối với nợ công.

Tại phiên họp, UBTVQH cũng nhất trí về mặt nguyên tắc cho phép Chính phủ tiếp nhận, phân bổ, giao vốn và chỉ đạo giải ngân theo tiến độ các dự án và đề nghị Chính phủ chuẩn bị để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 theo đúng quy định pháp luật; yêu cầu Chính phủ khẩn trương hoàn thiện các điều kiện giải ngân theo đúng cam kết, bảo đảm uy tín với nhà tài trợ./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực