Bảo đảm tính khả thi, thống nhất trong thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình

Thứ ba, 30/07/2019 23:23
(ĐCSVN) - Cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan điều chỉnh các quan hệ hôn nhân gia đinh trong từng lĩnh vực cụ thể, bảo đảm sự phù hợp với các đặc thù của từng quan hệ pháp luật chuyên ngành, tính linh hoạt, khả năng thích nghi với sự thay đổi, phát triển của kinh tế - xã hội, đặc biệt là những phong tục tập quán tốt đẹp của các địa phương.

Ngày 30/7, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) 2014. Luật HNGĐ được Quốc hội thông qua năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. 

Báo cáo sơ kết thi hành Luật, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Hải cho biết, sau hơn 3 năm triển khai, các quy định của Luật HNGĐ đã dần đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới đời sống hôn nhân và gia đình của người dân; ổn định nền tảng quan hệ xã hội, các quan hệ khác có liên quan, củng cố, hoàn thiện hơn chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam; góp phần đáng kể vào việc bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Về cơ bản, những chính sách lớn của Luật về các quyền nhân thân, tài sản trong quan hệ HNGĐ đã được thể chế hóa tương đối đầy đủ. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công nhận, bảo vệ quyền về HNGĐ của người dân đã hiệu quả hơn, đồng bộ, thống nhất với pháp luật về hộ tịch, tố tụng và pháp luật khác có liên quan.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: TH.

Tuy nhiên, một số nội dung của Luật vẫn còn thiếu tính khả thi như trong áp dụng tập quán, trong hoàn thiện cơ chế đồng bộ, thống nhất, minh bạch trong đăng ký tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng và giao dịch liên quan; chưa có sự hướng dẫn chưa thống nhất về trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng … Một số quy định có tính tiến bộ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhưng do còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố tập quán, văn hóa truyền thống nên còn có nhận thức khác nhau trong triển khai thi hành như mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, chế độ tài sản theo thỏa thuận, thanh toán tài sản dựa trên cơ sở lỗi khi ly hôn...

Thảo luận tại Hội nghị, trên cơ sở phân tích các kết quả đạt được, chỉ rõ các tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi Luật, các ý kiến cho rằng, hệ thống pháp luật liên quan đến HNGĐ rất đa dạng, phức tạp, sửa đổi, bổ sung thường xuyên. Ngoài ra, một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được đưa vào Luật dẫn tới có những khoảng trống pháp lý nhất định. Việc áp dụng pháp luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Trẻ em… hoặc lồng ghép sửa đổi, bổ sung quy định trong các văn bản pháp luật liên quan điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình trong lĩnh vực cụ thể cần được chú trọng để không chỉ góp phần khắc phục sự khuyết thiếu của Luật HNGĐ mà còn phù hợp với đặc thù của từng quan hệ pháp luật chuyên ngành và vừa bảo đảm tính linh hoạt, thích nghi với sự thay đổi, phát triển của kinh tế, xã hội. 

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá kết quả hơn 3 năm triển khai thi hành Luật đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, qua báo cáo, tham luận của các bộ, ngành, địa phương, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thi hành Luật, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục quán triệt, phổ biến, nâng cao nhận thức về Luật HNGĐ, đảm bảo các cơ quan từ Trung ương đến địa phương thống nhất cách hiểu, từ đó áp dụng thống nhất trong thực hiện; cần tiếp tục xem xét nội dung các chính sách, quy định đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật HNGĐ với các văn bản pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực kinh tế - xã hội cụ thể, góp phần đảm bảo tính khả thi của các quy định trong đời sống kinh tế - xã hội; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan điều chỉnh các quan hệ HNGĐ trong từng lĩnh vực cụ thể, bảo đảm sự phù hợp với các đặc thù của từng quan hệ pháp luật chuyên ngành, tính linh hoạt, khả năng thích nghi với sự thay đổi, phát triển của kinh tế - xã hội, đặc biệt là những phong tục tập quán tốt đẹp của các địa phương.

Thứ trưởng cũng đề nghị Toà án nhân dân tối cao nghiên cứu, kịp thời ban hành những văn bản hướng dẫn áp dụng hoặc công bố án lệ đã được thống nhất xem xét áp dụng trong ngành Toà án.../.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực