Bộ Tư pháp đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng

Thứ năm, 21/06/2018 20:58
(ĐCSVN) - Theo Bộ Tư pháp, việc thí điểm thi tuyển nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của đơn vị có vị trí thi tuyển, góp phần hoàn thành ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1297/QĐ-BTP phê duyệt Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp năm 2018”.

Bộ Tư pháp cho biết, căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; Thông báo Kết luận số 202-TB/TW ngày 26/5/2015 của Bộ Chính trị về Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng”; Công văn số 2424/BNV-CCVC ngày 09/5/2017 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng và các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn đối với các vị trí thi tuyển, Bộ Tư pháp xây dựng Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Phòng tại một số đơn vị thuộc Bộ năm 2018.

Theo đó, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức thi tuyển Phó Giám đốc Học viện Tư pháp (phụ trách công tác bồi dưỡng cán bộ, thông tin, thư viện, tư vấn pháp luật và quản trị); Phó Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Phó Chánh Văn phòng thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự; Trưởng Bộ môn ngoại ngữ và Phó trưởng phòng Phòng Tài chính - Kế toán thuộc Trường Đại học Luật Hà Nội.

Đối tượng đăng ký tham gia dự tuyển là cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn và đang công tác tại đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn.

Tại phần thi viết, người dự tuyển sẽ thi kiến thức chung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; hiểu biết về nghiệp vụ quản lý của chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh dự tuyển và các nội dung khác do Hội đồng thi tuyển quy định trong thời gian 180 phút.

Tại phần thi trình bày Đề án, người dự tuyển có kết quả bài thi viết đạt từ 50 điểm trở lên (thang điểm 100) được tham gia phần thi trình bày đề án.

Nội dung thi tập trung vào việc đánh giá thực trạng, phân tích những mặt mạnh, hạn chế của đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn và chỉ ra nguyên nhân; dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, giải pháp phát triển cơ quan, đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn; chương trình hành động thực hiện các kế hoạch, giải pháp của người dự tuyển nếu được bổ nhiệm vào chức danh tuyển chọn; kỹ năng trình bày, giao tiếp, ứng xử, giải quyết tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo, trả lời các câu hỏi chất vấn của Hội đồng thi tuyển và những người tham dự.

Thời gian trình bày đề án tối đa 45 phút. Thời gian trả lời các câu hỏi chất vấn đề án từ 60 - 90 phút; thời gian trả lời mỗi câu hỏi chất vấn không quá 5 phút.

Bộ Tư pháp khẳng định, việc thí điểm thi tuyển nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của đơn vị có vị trí thi tuyển, góp phần hoàn thành ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp. Đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực