Cần cơ chế giám sát hợp lý với mô hình “đặc khu kinh tế” ở Việt Nam

Thứ hai, 09/04/2018 21:14
(ĐCSVN) - Đặc khu kinh tế (còn gọi là khu kinh tế tự do) là khu kinh tế được thành lập với cơ chế hoạt động đặc thù, nhằm tạo sự phát triển kinh tế của địa phương và quốc gia. Tuy nhiên, làm thế nào để mô hình này thật sự phát huy hiệu quả, góp phần tích cực tạo sức vươn mạnh mẽ cho kinh tế đất nước thì vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.
Ảnh: nguồn quochoi.vn

Ngày 4/4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gửi đến Hội nghị nêu rõ: Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung về quy hoạch, các cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương ở tỉnh… nhằm đáp ứng yêu cầu tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại đặc khu, để tăng cường kiểm soát đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu, đặc biệt là trong việc thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước cấp trên được luật này phân quyền cho chủ tịch UBND đặc khu, dự thảo luật bổ sung quy định thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của Trung ương đặt tại từng đặc khu thông qua Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng Chính phủ thành lập.

Hầu hết trong số 16 ĐBQH chuyên trách phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đều đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo trong việc rà soát, chỉnh lý một dự luật vừa mới, vừa khó. Tuy vậy, không ít đại biểu lo ngại cách tiếp cận nặng về quản lý, giám sát có thể làm chậm bước phát triển của các đặc khu.  Đó là chưa kể Dự thảo nêu nguyên tắc bảo đảm tính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện đặc khu nhưng khi thiết kế chính quyền thì lại rất cồng kềnh so với hiện nay. Liệt kê gần một chục thiết chế giám sát đối với chính quyền đặc khu đã quy định trong dự thảo Luật, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám cho rằng không cần thiết phải thành lập Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu. Lý giải nguyên nhân, ông Tám nhấn mạnh, nếu thêm Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu thì vô hình trung làm mất tính chủ động, thêm sự ràng buộc với UBND và Chủ tịch UBND. Đại biểu Lê Thanh Vân – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách thì cho rằng mô hình tổ chức chức quyền địa phương chưa thể hiện được cơ chế kiểm soát quyền lực trong điều kiện trao thẩm quyền quá lớn cho chính quyền đặc khu. “Cơ chế kiểm soát quyền lực của Chủ tịch UBND đặc khu thế nào? Tư duy mới là ưu đãi vượt trội thì chế tài, trách nhiệm phải vượt trội”. Đại biểu Lê Thanh Vân cũng lưu ý “vừa qua chưa có quyền lực vượt trội mà lợi ích nhóm đã hình thành, lạm dụng quyền lực, bòn rút ngân sách. Giờ cho vượt trội mà không có “lồng nhốt quyền lực” để giám sát chặt chẽ là rất đáng lo ngại”.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cơ chế kiểm soát được thực hiện thông qua việc tư vấn cho UBND, Chủ tịch UBND đặc khu trước khi quyết định những vấn đề quan trọng; cảnh báo các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu về những rủi ro, hạn chế, bất cập trong hoạt động của các cơ quan này; giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đánh giá hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND đặc khu; kiến nghị với Thủ tướng về những vấn đề có liên quan đến phát triển của đặc khu. Chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu không trùng lặp với chức năng tham mưu, giúp việc của các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền đặc khu, chức năng giám sát của HĐND đặc khu cũng như công tác chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị HCKTĐB. Việc bổ sung cơ chế này cũng là tiếp thu kinh nghiệm của các nước, nhằm thử nghiệm phương thức kiểm soát quyền lực mới, đặc thù, tương xứng với thẩm quyền vượt trội của chính quyền địa phương ở đặc khu.

Nói Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là luật khó một phần vì chúng ta chưa có mô hình nào được ứng dụng trong thực tế. Một mặt chúng ta vừa muốn tạo ra cơ chế, chính sách đặc biệt và trao quyền vượt trội để phát triển đột phá nhưng đồng thời lo ngại sự lạm quyền, lo không kiểm soát được quyền lực. Lợi thế đi sau giúp Việt Nam có điều kiện để rút kinh nghiệm, nhưng cũng cần thiết phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn trọng cho việc xây dựng và vận hành các khu kinh tế đặc biệt, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để mô hình này thật sự phát huy hiệu quả. Rõ ràng, các ưu đãi về kinh tế và quản lý hành chính cho các khu kinh tế tự do là cần thiết, tuy nhiên, vấn đề là thiết lập cơ chế kiểm soát để bảo đảm hoạt động của các khu hành chính - kinh tế đặc biệt thống nhất với thể chế chính trị - xã hội quốc gia, đề phòng sự quay trở lại của cơ chế “xin - cho” mới là điều cần được đưa lên “bàn cân” để xem xét và đánh giá thật kỹ càng./.

Hiền Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực