Cần làm rõ tham nhũng nổi lên ở những lĩnh vực nào, cấp nào?

Thứ tư, 04/09/2019 21:26
(ĐCSVN)– Đại biểu Nguyễn Bá Sơn - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng đặt vấn đề, thông qua các vụ án tham nhũng đã được phát hiện, xử lý chúng ta rút ra được bài học gì qua những sai phạm của các cán bộ ở bộ, ngành, địa phương?.

Chiều ngày 4/9, tiếp tục phiên họp thứ 13, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2019 của Chính phủ.

Đã xử lý 21 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng 

Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2019, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm  cho biết: Trong năm 2019, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của  Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan báo chí, Nhân dân, công tác PCTN tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống” với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn.

Cụ thể, công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán được đẩy mạnh, xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức đảng, đảng viên sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương có nhiều tiến bộ, có nhiều vụ việc phức tạp đã thực hiện vượt tiến độ, kế hoạch, khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; “tham nhũng vặt” được quan tâm chỉ đạo, tạo chuyển biến bước đầu trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh PCTN.

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: TH.

Trong năm 2019, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành và tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội; qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp tại 1.650 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, xử lý 57 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

Số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm: 1.081.235 người; đạt tỷ lệ 99,9% so với số người phải kê khai. Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện 10 trường hợp vi phạm (tăng 04 trường hợp so với cùng kỳ năm trước).

Đáng chú ý, năm 2019, có 21 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và 02 người đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.

“Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi”, Phó Tổng Thanh tra nói.

Xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng trong các cơ quan chống tham nhũng

Thay mặt nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp, ông Đỗ Đức Hồng Hà cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng là “Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm”, tuy nhiên đề nghị Chính phủ, các ngành, các cấp cần bám sát việc đánh giá tình hình tham nhũng trong thời gian qua nổi lên ở những lĩnh vực nào, cấp nào, ngành nào để có giải pháp tập trung xử lý kiên quyết, dứt điểm qua đó tiến tới ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng.

“Việc để xảy ra tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng và các cơ quan bảo vệ pháp luật làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật là vấn đề cần được Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục”, ông Hà đề nghị.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: TH.

Đồng tình tham nhũng từng bước kiềm chế, song đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP. Hồ Chí Minh), Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp cho rằng chỉ có biểu hiện thuyên giảm ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương. Vẫn còn tình trạng cơ quan công quyền “ngâm việc”, dùng sự trì trệ làm nảy sinh tham nhũng.

ĐB Hoàng Văn Hùng, Phó Đoàn ĐBQH Thái Nguyên băn khoăn, vẫn còn một bộ phận cán bộ chống tham nhũng lại vi phạm pháp luật, số lượng tăng so với năm 2018, tình trạng này cho thấy  cần cảnh báo, xử lý nghiêm nếu không sẽ làm dân mất làm tin.

ĐB Hùng chỉ ra: Có cả hành lang pháp lý và nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra nhưng việc kiểm tra nội bộ còn rất yếu, phát hiện rất ít. Vì vậy, cần tăng cường phát hiện tham nhũng qua công tác tự kiểm tra.

ĐB Nguyễn Bá Sơn - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng đặt vấn đề, thông qua các vụ án tham nhũng đã được phát hiện, xử lý chúng ta rút ra được điều gì qua những sai phạm của các cán bộ ở bộ, ngành, địa phương để chỉ ra khâu yếu trong quản lý của Nhà nước. Mối liên hệ giữa 2 cấp trung ương và địa phương có mối liên hệ gì với nhau không? Và để xảy ra một thời gian dài có dấu hiệu lạm quyền hay không?

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng: Qua giám sát ở một số địa phương con số kê khai tài sản hầu như đều đạt 99,9%, nhưng không phải địa phương nào cũng xác minh xác suất. Thực tế công tác xác minh còn hạn chế, đặc biệt là các trường hợp phát hiện vi phạm còn khiêm tốn. Vậy, trong thời gian tới liệu có đưa việc xác minh tài sản, thu nhập  thành phương hướng hành động không?.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2019, qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 19 vụ, 22 đối tượng; qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 48 vụ, 37 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng; Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 13 vụ, 30 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (giảm 61,7% số vụ).

Cơ quan điều tra đã khởi tố 214 vụ với 487 bị can (giảm 18 vụ, tăng 56 bị can so với cùng kỳ năm 2018).

Viện kiểm sát nhân dân đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 367 tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố tội phạm về tham nhũng, qua đó, đã khởi tố 147 vụ án; thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 313 vụ với 663 bị can, thực hành quyền công tố, kiểm sát trong giai đoạn truy tố 273 vụ với 610 bị can.

Tòa án nhân dân đã xét xử sơ thẩm 240 vụ với 517 bị cáo (tăng 96 vụ/253 bị cáo so với cùng kỳ năm 2018).

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực