Cân nhắc thận trọng điều kiện xét đề nghị đặc xá

Thứ hai, 21/05/2018 20:27
(ĐCSVN) – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cân nhắc thận trọng điều kiện “đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác” khi đề nghị đặc xá.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật Đặc xá (sửa đổi)
Ảnh: quochoi.vn

Chiều 21/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Mở rộng diện đối tượng có thể được đề nghị đặc xá

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã 07 lần ban hành quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước.

Việc Chủ tịch nước quyết định đặc xá có tác động xã hội to lớn, là động lực để người bị kết án phạt tù nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt hơn; đồng thời, tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ gia đình người bị kết án cũng như mọi tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, tổng kết thực tiễn trên 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007 cho thấy, nhiều quy định của luật không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung.

Theo đó, trong tình hình hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 được đặt ra rất cần thiết.

Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) bao gồm 6 chương, 39 điều. So với Luật Đặc xá năm 2007 thì dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) giữ nguyên số chương, tăng 03 điều quy định về trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao trong thực hiện công tác đặc xá.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), có ý kiến khác nhau về thời điểm đặc xá (giữ nguyên như Luật hiện hành hay chỉ đặc xá vào hai thời điểm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt). Sau khi nghiên cứu, cân nhắc, Chính phủ đề nghị giữ nguyên quy định về thời điểm đặc xá như quy định tại Điều 5 Luật Đặc xá năm 2007; theo đó, việc đặc xá được tiến hành vào ba thời điểm: nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.

Cũng có ý kiến đề nghị quy định rõ vào Luật theo hướng việc đặc xá được tiến hành định kỳ hằng năm, 3 năm hay 5 năm; nếu quy định hằng năm thì trùng với tha tù trước thời hạn có điều kiện (không còn đối tượng để đặc xá). Sau khi cân nhắc, Chính phủ thấy rằng nên để Chủ tịch nước quyết định vào thời điểm thích hợp.

Liên quan đến điều kiện được đề nghị đặc xá, Điều 10 của dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng hơn diện đối tượng người có thể được đề nghị đặc xá so với quy định của Luật Đặc xá năm 2007 và diện người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Cụ thể, trong dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) không quy định điều kiện để tha tù trước thời hạn là “phạm tội lần đầu”.

Dự luật bổ sung quy định Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá đối với một số trường hợp tuy chưa thực hiện xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí; chưa thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác nhưng có thỏa thuận không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá...

Cân nhắc điều kiện được đề nghị đặc xá

Thẩm tra dự luật, Ủy ban Tư pháp tán thành quan điểm việc sửa đổi phải khắc phục được những hạn chế, bất cập sau hơn 10 năm thi hành Luật Đặc xá trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành.

Liên quan đến điều kiện “đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác”, nhiều ý kiến Uỷ ban tư pháp cho rằng, Luật Đặc xá hiện hành quy định chỉ áp dụng điều kiện này với đối tượng phạm tội tham nhũng và một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định; dự thảo Luật sửa đổi theo hướng đây là điều kiện bắt buộc đối với mọi tội phạm. Quy định như vậy dẫn đến có những người mặc dù quá trình cải tạo rất tốt, lập công lớn… nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có khả năng thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự thì sẽ không bao giờ được đặc xá, ảnh hưởng đến công bằng xã hội.

Mặt khác, về bản chất, đặc xá là một trong những chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người chấp hành án phạt tù, bên cạnh ý nghĩa là đặc ân của người đứng đầu Nhà nước thì chế định đặc xá còn có mục tiêu khuyến khích người chấp hành án phạt tù cải tạo tốt để sớm được tái hòa nhập cộng đồng. Việc đặc xá cũng tạo cơ hội cho họ sau khi được trả tự do có điều kiện lao động để thi hành nghĩa vụ dân sự.

Mặt khác, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, việc ràng buộc trách nhiệm thi hành án dân sự đối với người bị kết án, coi đó là một điều kiện xét đặc xá sẽ làm giảm ý nghĩa của chính sách đặc xá, đồng thời làm mất đi động lực của những người bị kết án là người nghèo phấn đấu cải tạo tốt. Do vậy, đề nghị cân nhắc hết sức thận trọng quy định này.

Về điều kiện: Người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII (các tội xâm phạm an ninh quốc gia), Chương XXVI (các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh), Điều 299 (tội khủng bố); người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương XIV do cố ý (các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người) hoặc người bị kết án 07 năm tù trở lên đối với một trong các tội quy định tại các Điều 168 (tội cướp tài sản), Điều 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy), Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy), Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật Hình sự đã chấp hành được ít nhất 2/3 thời gian chấp hành án phạt tù, Uỷ ban Tư pháp cho rằng việc quy định đặc xá với các trường hợp này cần được cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là đối với người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, chống hòa bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh, khủng bố, bởi đây là các tội phạm đặc biệt nguy hiểm, được thực hiện do lỗi cố ý, Bộ luật Hình sự cũng không cho phép tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với những đối tượng này./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực