Đa dạng hóa hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Thứ sáu, 29/12/2017 21:07
(ĐCSVN) – Trong năm 2017, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ngày càng phát huy hiệu quả, đưa mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước đến gần hơn đối với doanh nghiệp, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức pháp lý, thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp…

Chiều ngày 29/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2015 - 2020 (Chương trình 585).

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết, năm 2017, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc, trong đó, tập trung tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Quảng Bình, Đắk Lắk, Cần Thơ… và một số tỉnh được lựa chọn theo đặc thù vùng, miền trên cơ sở kết quả khảo sát về nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp. Hoạt động của Chương trình đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức pháp lý, thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: TH)

Đề cập đến nhiệm vụ trong năm 2018, ông Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, sẽ tiếp tục phát huy vai trò của Bộ, ngành trong việc phối hợp triển khai hoạt động của Chương trình; nâng cao năng lực, đào tạo nguồn nhân lực thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các sở, ban, ngành, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tại địa phương; tăng cường đối thoại pháp lý, phổ biến pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp trên phát thanh, truyền hình…

Khẳng định Chương trình 585 của Bộ Tư pháp ngày càng phát huy vai trò của mình trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thông qua Chương trình, cơ chế “xin - cho” đã đã dần được xóa bỏ, thay vào đó là cơ quan nhà nước đã chủ động, tích cực đến gần và hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, ông Phan Đức Hiếu kiến nghị, Bộ Tư pháp cần xây dựng bộ tiêu chí cụ thể, rõ ràng để đánh giá kết quả của việc thực hiện Chương trình 585; Xây dựng chi tiết của Chương trình hoạt động năm 2018, trong đó làm rõ mục tiêu, tác động dự kiến của chương trình, đối tượng, ngân sách, đầu ra của Chương trình…Tuy nhiên, ông Hiếu cũng lưu ý Chương trình cần phân loại doanh nghiệp và mời đúng đối tượng để thực hiện hỗ trợ.

Đồng quan điểm, ông Lê Anh Văn, đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, bên cạnh việc xác định đúng đối tượng, cần phải xác định phạm vi, hình thức hỗ trợ để tập trung nguồn lực bảo đảm thực hiện.

Luật sư Nguyễn Duy Lãm cũng đề nghị, năm 2018 cần tập trung vào hình thức hội nghị đối thoại pháp lý nhiều hơn, đồng thời, tiếp tục quảng bá để các doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng Chương trình.  Đồng thời, đề xuất phải có cơ chế để khuyến khích luật sư, luật gia và các Hiệp hội tham gia vào Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…/. 

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực