Đại biểu Quốc hội hỏi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chuyện độc quyền sách giáo khoa

Thứ tư, 19/09/2018 20:03
(ĐCSVN) – Cầm trên tay Sách giáo khoa Toán lớp 1, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chuyển câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ: “Vì sao để phí mỗi năm khoảng 100 triệu bản sách giáo khoa, xã hội mất khoảng 1.000 tỷ đồng?”.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Kim Thanh

Tiếp tục chương trình Phiên họp 27, sáng 19/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo tổng hợp của Chính phủ, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cá nhân có liên quan về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn tại phiên họp.

Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tính đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao 03 chuyên đề và tổ chức hoạt động chất vấn tại 3 kỳ họp, ban hành 3 nghị quyết về giám sát chuyên đề và 3 nghị quyết về chất vấn.

Báo cáo đề cập đến việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn (Nghị quyết số 33/2016/QH14,  Nghị quyết số 44/2017/QH14; Nghị quyết số 55/2017/QH14) trong 12 lĩnh vực gồm: công thương; tài nguyên và môi trường; giáo dục và đào tạo; nội vụ; nông nghiệp và phát triển nông thôn; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng; thông tin và truyền thông; lĩnh vực thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân.

Trong các lĩnh vực trên, giáo dục và đào tạo là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Về nội dung này, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin: 14 đề án để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 29- NQ/TW đã được xây dựng, triển khai; đến nay 10 đề án đã được ban hành, 02 đề án đã trình và 02 đề án đang hoàn thiện. Việc đổi mới tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hai trong một đã mang lại những kết quả nhất định. Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cơ bản được thực hiện theo lộ trình. Công tác chỉ đạo triển khai mô hình mô hình trường học mới (VNEN) đã mang lại những kết quả khả quan. Việc quản lý dạy thêm, học thêm đã có những chuyển biến. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học được tiếp tục rà soát, hoàn thiện.

Tuy nhiên, kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia còn để xảy ra sai phạm ở một số địa phương, gây bức xúc trong nhân dân. Việc phân luồng học sinh phổ thông, nhất là phân luồng sau trung học cơ sở chuyển biến chậm. Việc dạy và học ngoại ngữ còn những khó khăn nhất định. Nhiều địa phương thực hiện mô hình VNEN không hiệu quả. Tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn chưa được khắc phục, công tác sửa đổi, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập. Dự thảo Đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2035 không được công khai để lấy ý kiến của người dân. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết 29- NQ/TW.

Phát biểu tại phiên họp, các ý kiến phát biểu đều ghi nhận những kết quả, chuyển biến trong lĩnh giáo dục và đào tạo.

Tuy vậy, các ý kiến cũng thẳng thắn phản ánh lại nhiều băn khoăn của dự luận, cử tri xung quanh lĩnh vực này.

Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại quy trình tổ chức kỳ thi THPT để ngăn chặn các tiêu cực phát sinh.

Bà cũng thẳng thắn phản ánh lại những nghi ngại trong dư luận, cử tri về độc quyền trong in ấn và phát hành sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục.

Mang theo sách giáo khoa Toán lớp 1 đến phiên họp, Chủ nhiệm Nga đặt câu hỏi: Tại sao giờ khác với các thế hệ trước, 1 bộ sách không dùng được 2,3 thế hệ?. Ngay sau khi đặt câu hỏi, mở sách Toán lớp 1 mang theo, Chủ nhiệm Nga cho biết: “Trước đây chúng ta học thì Sách giáo khoa riêng, vở bài tập riêng nhưng quyển này ghi luôn là luyện tập chung vào sách giáo khoa, như thế này đương nhiên lớp sau không dùng được”.

Qua đó, Chủ nhiệm Lê Thị Nga đặt câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Lí do vì sao mà chúng ta để phí mỗi năm khoảng 100 triệu bản sách giáo khoa, xã hội mất khoảng 1.000 tỷ đồng?”.

Đồng tình với Chủ nhiệm Lê Thị Nga, dành nhiều thời gian phát biểu về lĩnh vực này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chia sẻ đã có 15 năm công tác trong ngành giáo dục nên hết sức chia sẻ với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Tuy vậy, bà thẳng thắn đề nghị Bộ trưởng quan tâm đến thực trạng phát hành sách giáo khoa dùng một lần. “Mỗi quyển sách có giá trị nhỏ, chỉ 10.000 đến 12.000 đồng nhưng ảnh hưởng tới muôn nhà vì vậy đề nghị Bộ trưởng quan tâm, tổ chức thanh tra vấn đề này, liệu có biểu hiện thể hiện lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành sách hay không?” – bà Hải phát biểu.

Ngoài sách giáo khoa, bà đề nghị làm rõ có hay không việc ép mua sách tham khảo không?. Đồng thời cần tổng kết đánh giá các vấn đề liên quan đến thí điểm, thí nghiệm để thông tin rõ ràng. Đặc biệt, bà Hải đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có phát ngôn đầy đủ, thể hiện chính kiến trước những vấn đề nóng của ngành./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực