Đề nghị bổ sung quy định về công nghiệp an ninh

Thứ năm, 07/06/2018 19:10
(ĐCSVN) – “Trong khi Quốc hội chưa xây dựng luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh, thì việc bổ sung nội dung quy định về công nghiệp an ninh trong dự thảo Luật là cần thiết để có cơ sở pháp lý đầu tư, xây dựng một số lĩnh vực về công nghiệp an ninh” - đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) phát biểu.

Đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam), phát biểu tại tổ, chiều 7/6. (Ảnh: Bích Liên)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, chiều 7/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Dự thảo Luật Công an nhân dân (CAND) trình Quốc hội xem xét, thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 5 gồm 7 chương, 48 điều. So với Luật Công an nhân dân năm 2014, dự thảo Luật đã bổ sung 4 điều; sửa đổi, bổ sung 31 điều; bỏ 1 điều.

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật CAND nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Tuy nhiên, trong quá trình sửa đổi, bổ sung nội dung dự thảo Luật cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, có lộ trình phù hợp, bảo đảm tính khả thi, tính ổn định và phát triển, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; đồng thời, bảo đảm sự đồng thuận cao trong xã hội, hạn chế tối đa những tác động bất lợi đối với cán bộ, chiến sĩ CAND và Công an xã hiện nay.

Do đó, một số đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi của Luật khi được ban hành như: Quy định về thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức trong CAND; quy định cục đặc biệt; công nghiệp an ninh…

Một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung nội dung quy định về công nghiệp an ninh trong dự thảo Luật để tạo cơ sở pháp lý trong đầu tư, xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh, đáp ứng yêu cầu xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Cũng có ý kiến cho rằng, theo quy định của Hiến pháp, “công nghiệp quốc phòng, an ninh” là thống nhất, không tách riêng công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh. Vì vậy, quy định về công nghiệp an ninh cần đặt trong mối quan hệ với xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, phù hợp với định hướng xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh là một bộ phận của công nghiệp quốc gia, theo hướng lưỡng dụng. Nhất là trong điều kiện ngân sách hiện nay cần xác định công nghiệp quốc phòng, an ninh là một thể thống nhất không tách rời, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa công nghiệp quốc phòng với công nghiệp an ninh nhằm tập trung nguồn lực đầu tư, tránh phân tán, dàn trải, chồng chéo trong hoạt động đầu tư, sản xuất, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, trước mắt không nên quy định về công nghiệp an ninh trong dự thảo Luật này mà đề nghị Quốc hội cho xây dựng luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh để có quy định phù hợp.

Đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) cho rằng: Trong khi Quốc hội chưa xây dựng luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh, thì việc bổ sung nội dung quy định về công nghiệp an ninh trong dự thảo Luật là cần thiết để có cơ sở pháp lý đầu tư, xây dựng một số lĩnh vực về công nghiệp an ninh, nhưng đề nghị chỉnh lý bảo đảm thống nhất với quy định của dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề xuất, phải xây dựng công nghiệp an ninh. Vì đây là cơ hội để ngành công an phát triển công nghiệp an ninh. Tuy nhiên đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu thêm về cách thức tổ chức...

Về thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ CAND, theo dự thảo Luật, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an; Cục trưởng cục  đặc biệt; nâng lương cấp bậc hàm Đại tướng, Thượng tướng. Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền về nâng lương cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Về vấn đề này, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm đối với chức vụ Cục trưởng cục đặc biệt trong dự thảo Luật cho phù hợp. Vì theo khoản 3, Điều 98 của Hiến pháp và khoản 6, Điều 28 của Luật Tổ chức Chính phủ thì Thủ tướng Chính phủ chỉ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chức vụ Thứ trưởng và tương đương. Bên cạnh đó, một số ý kiến tán thành với quy định như dự thảo Luật vì cho rằng, theo quy định của Luật CAND hiện hành thì Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền bổ nhiệm đến chức vụ Tổng Cục trưởng, Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh. Tuy nhiên, do Bộ Công an sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, không có cấp tổng cục, theo đó hình thành một số cục có tính chất quan trọng, đặc biệt nên việc giao Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục đặc biệt là phù hợp.

Đại biểu Trần Văn Tiến cho biết, cần quy định rõ cấp phó của các đơn vị trong ngành, điều này sẽ thuận lợi hơn cho việc kiểm tra, phong quân hàm sẽ dễ. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị về việc miễn nhiệm, bổ nhiệm Cục trưởng cục đặc biệt nên trao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Công an.

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Trần Xuân Hùng đề nghị cần quy định cụ thể về số lượng cục đặc biệt và quy định về cấp phó của cục đặc biệt. Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Văn Man (Quảng Bình) cũng đề nghị, để đảm bảo quy tắc quản lý  quy định trong Luật, cần xác định cụ thể thế nào là cục đặc biệt, đồng thời quy định cụ thể về số lượng, việc giao thẩm quyền bổ nhiệm cục này./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực