Đề xuất chính sách phù hợp trong áp dụng quốc tịch tại Việt Nam

Thứ năm, 21/12/2017 21:34
(ĐCSVN) - Ngày 21/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo "Xu hướng quốc tịch: Nguyên tắc và thực trạng áp dụng tại Việt Nam".

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Cương cho biết: Theo Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. Do đó, trên thực tế có tình trạng công dân Việt Nam định cư ở một số nước mà ở đó khi nhập quốc tịch nước sở tại không bắt buộc phải thôi quốc tịch Việt Nam, dẫn đến số lượng khá đông người Việt Nam định cư ở nước ngoài có 2 quốc tịch. Với đặc thù của Việt Nam có cộng đồng người Việt lớn, sinh sống tại nhiều quốc gia khác nhau, quốc tịch đã nảy sinh nhiều tình huống "thú vị". Nhìn ra thế giới thì ngày nay, xu hướng 2 và đa quốc tịch đang được nhiều nước thực hiện.

Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý  Nguyễn Văn Cương phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: TH).

Trên cơ sở đó, Viện trưởng Nguyễn Văn Cương mong muốn các chuyên gia đề xuất chính sách nào phù hợp với nước ta, là tiếp tục nguyên tắc "mềm dẻo" hay nới rộng hơn nữa?.

Thạc sĩ Cao Xuân Phong (Viện Khoa học pháp lý) nhận xét, với quy định hiện hành của Luật 2008 thì nước ta tuân theo nguyên tắc 1 quốc tịch "mềm dẻo". Ông Phong cho rằng, nếu tiếp tục duy trì tình trạng này, pháp luật sẽ còn lúng túng khi xử lý. Cụ thể, khi nào thì cho phép áp dụng 1 quốc tịch "mềm dẻo", các quy định về trình tự, thủ tục liên quan còn chưa hợp lý, chưa có quy định về thời hạn, về hạn chế quyền/nghĩa vụ. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần khẳng định lại nguyên tắc quốc tịch của mình để nghiên cứu xử lý các vấn đề liên quan và hoàn thiện pháp luật theo định hướng đã lựa chọn.

Nguyên Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) Vũ Đức Long cũng kỳ vọng nguyên tắc quốc tịch tới đây sẽ được sửa đổi thành đa quốc tịch, vừa bảo đảm xu thế  hội nhập, đồng thời không tạo ra "khoảng mờ" do việc giải quyết các vấn đề quốc tịch không có đủ trình tự, thủ tục.

Tuy nhiên, nguyên Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Lê Mai Anh lại đề xuất giữ nguyên tắc hiện nay, song cần có quy định hướng dẫn cụ thể để tăng cường hiệu quả thực hiện.

"Những vướng mắc vừa qua không phải từ quy định của Luật, nguyên tắc 2 hay đa quốc tịch không phải là phép màu làm thay đổi thực trạng hiện nay" - bà Mai Anh cho hay.

Chỉ ra thời gian qua còn có tình trạng quản lý lỏng lẻo trong lĩnh vực này, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh đề nghị phải tăng cường quản lý. Trong thời gian tới, nếu tiếp tục ghi nhận nguyên tắc "mềm dẻo", theo ông Khanh, cần quy định rõ quyền, nghĩa vụ của người đồng thời có 2 quốc tịch. "Nên chăng có thể quy định ngành nghề được hay không được 2 quốc tịch, như đã là công chức, công an, quân đội... thì dứt khoát chỉ 1 quốc tịch" - ông Khanh nêu vấn đề.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực