Đoàn công tác Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm việc tại Bình Dương

Thứ hai, 25/02/2019 18:11
Sáng 25/2, Đoàn công tác Ủy ban Pháp luật của Quốc hội do ông Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương về việc thực hiện một số quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức tại địa phương.​

 

             
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hải Âu-TTXVN

Báo cáo với Đoàn công tác, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, khẳng định, việc thực hiện một số quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, chủ trương, định hướng của Đảng về chính quyền, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho tổ chức hoạt động của HĐND, UBND các cấp. Sau một thời gian được triển khai thi hành thì các Luật cũng đã cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương theo quy định. Tuy nhiên, việc triển khai thi hành các Luật này trong thực tiễn đang gặp một số trở ngại.
 
Theo ông Mai Hùng Dũng, trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, mô hình tổ chức chính quyền địa phương các cấp, các địa phương gần giống nhau, trong khi lại được áp dụng cho các đơn vị hành chính với địa hình quá khác nhau nên rất khó hoạt động, chưa phát huy được thế mạnh, hạn chế sự đa dạng trong phát triển của từng địa phương. Không phải địa phương nào cũng được phân cấp, phân quyền giống nhau, bởi điều này còn phụ thuộc vào điều kiện, khả năng thực hiện cụ thể. Các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của UBND ở từng loại hình đơn vị hành chính vẫn chưa làm rõ đặc thù của từng chính quyền đô thị, nông thôn, chưa phân định rõ mô hình chính quyền đô thị, nông thôn.
 
Đối với việc thực hiện pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức, ông Mai Hùng Dũng cho rằng khi mô tả công việc để làm cơ sở xác định biên chế thì các cơ quan đều có xu hướng xác định số biên chế cần thiết cao hơn số biên chế được giao. Nguyên nhân là do việc thống kê còn mang tính khái quát, định tính, thiếu thông tin về thời gian hoàn thành từng công việc. Việc phân bổ chỉ tiêu cán bộ, công chức, viên chức, chỉ tiêu từng ngạch công chức và đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho từng cấp, ngành, địa phương vẫn chưa hợp lý, dẫn đến phân bổ không đồng đều. Bên cạnh đó, việc đánh giá công chức hiện nay chưa phản ánh sát thực về phẩm chất, năng lực công chức. Các tiêu chí đánh giá còn chung chung, áp dụng đối với nhiều đối tượng, nhóm công chức, chưa cụ thể hóa cho từng loại hoạt động công vụ. Đặc biệt, hiện nay lĩnh vực giáo dục không xếp lương theo trình độ đào tạo mà xếp theo chức danh nghề nghiệp thấp nhất của từng cấp học đã gây khó khăn cho việc tuyển dụng giáo viên, tình trạng thu nhập quá thấp khiến giáo viên xin ra khỏi ngành hoặc không đến nhận công tác ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của học sinh.
 
Từ những trở ngại trên, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị, đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Trung ương cần ban hành cơ chế đặc thù về quản lý biên chế đối với các địa phương có tốc độ dân số tăng nhanh, dân nhập cư đông, gây áp lực quy mô trường lớp, tỷ lệ bác sĩ trên số dân và quy mô giường bệnh để địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
 
Đối với Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Bình Dương đề nghị Trung ương tăng cường phân cấp thẩm quyền quản lý, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức cho địa phương. Ngoài ra, chính sách tiền lương cần phân cấp cho địa phương chủ động mở rộng quỹ tiền lương theo trình độ phát triển của từng tỉnh, thành phố. Cần tạo điều kiện cho các địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao, GDP bình quân cao, có cơ chế hình thành bổ sung quỹ tiền lương để nâng cao thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
 
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao kết quả thực hiện một số Luật liên quan đến cán bộ công chức, viên chức và tổ chức chính quyền đô thị của tỉnh Bình Dương. Theo ông, những vấn đề kiến nghị của UBND tỉnh Bình Dương tại buổi làm việc rất thiết thực. Do đó, đối với các vấn đề còn hạn chế trong việc triển khai, thực hiện của Luật thì Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội để có sự chỉnh sửa phù hợp, với tinh thần phân cấp cho các địa phương nhưng không cào bằng và chú trọng tính chất đặc thù của từng địa phương./.

Hải Âu/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực