Hà Nội: Còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ năm, 06/12/2018 23:20
(ĐCSVN) – Tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai; kết quả giải quyết kiến nghị cử tri, việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn thành phố (TP) là hai nội dung chính được các đại biểu HĐND TP. Hà Nội chất vấn và trả lời chất vấn chiều 6/12.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn. (Ảnh:TH)

Quy trình giải quyết vòng vèo

Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn, đại biểu Hoàng Thị Tú Anh (huyện Đan Phượng) đề cập đến 21 vụ việc phức tạp cần giải quyết trên địa bàn quận Hoàng Mai. Hiện quận đã giải quyết được 10 vụ việc và đề xuất đưa ra khỏi danh sách các vụ việc tồn đọng phức tạp 15 vụ việc. Tuy nhiên, theo Thanh tra mới chỉ giải quyết được 9 vụ việc, còn tồn đọng 12 vụ việc. Vì vậy, đại biểu Tú Anh đề nghị Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai nói rõ tiến độ thời gian giải quyết đối với những dự án còn đang vướng mắc, điển hình như: dự án Đồng Mo (phường Trần Phú); dự án trong và ngoài hàng rào kỹ thuật phục vụ công tác giải phóng mặt bằng công viên Tuổi trẻ; kết quả triển khai dự án giải phóng mặt bằng đường 2,5 Đầm Hồng đến Quốc lộ 1A;…

Trả lời chất vấn về vấn đề này, Chánh Thanh tra TP. Hà Nội Nguyễn An Huy cho biết: Thanh tra TP xác định chỉ có 9 vụ việc đã xong. Tháng 10/2018, Thanh tra TP đã có tổ công tác làm việc với quận Hoàng Mai và thống nhất có 9/21 vụ đã giải quyết.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung (huyện Gia Lâm) chất vấn, qua báo cáo và tiếp xúc cử tri ở huyện Gia Lâm cho thấy, dù huyện triển khai thực hiện rất quyết liệt nhưng còn một số vụ việc tồn tại. Về tố cáo, vẫn tồn tại 3 kết luận chưa được tổ chức thực hiện dứt điểm. Quá trình tổ chức thực hiện việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn vướng mắc, UBND huyện đã có nhiều văn bản báo cáo xin ý kiến hướng dẫn, UBND TP cũng đã có văn bản tháng 4 giao Thanh tra TP chủ trì xử lý dứt điểm, nhưng đến nay chưa được hướng dẫn.

Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, liên quan đến nội dung khiếu nại đều xuất phát từ tố cáo của người dân từ năm 2000 tại xã Lệ Chi. Sau khi huyện giải quyết, người dân không đồng tình và đã khiếu nại lên TP, rồi TP ra kết luận, và UBND TP thực hiện kết luận đã ra quyết định ra thu hồi đất của 2 gia đình này. Nhưng sau đó chính 2 người này lại có khiếu nại về quyết định thu hồi. Sau khi có ý kiến kết luận của TP thì lại hủy quyết định của UBND huyện. UBND huyện từ đó không biết trình tự tổ chức thực hiện thế nào, đã có 2 văn bản từ tháng 5/2017, 1/2018 đề nghị hướng dẫn UBND huyện xác định hành vi của 2 người này, trình tự thực hiện thế nào, để huyện thực hiện cho đúng. Huyện cũng đã phối hợp với Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thời gian tới sẽ có báo cáo, trả lời.

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông trả lời chất vấn. (Ảnh:TH)

Qua hai phần trả lời trên, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận xét: "Qua trả lời của các sở, huyện Gia Lâm cho thấy rõ ràng quy tình giải quyết vẫn vòng vèo, từ huyện lên ngành, từ ngành lại xuống huyện… thì còn kéo dài đến bao giờ?".

Từ đó, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách lĩnh vực khiếu nại tố cáo nói rõ hướng khắc phục, mối quan hệ giữa các ngành trong giải quyết đơn thư thế nào để rõ việc.

Nhiều địa phương không giải quyết dứt điểm các vụ việc ở cơ sở

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (quận Hoàng Mai) nhận định, trong thời gian qua, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tốt, đạt tỷ lệ cao nhưng vẫn còn nhiều vụ việc tuy đã có quyết định nhưng vẫn kéo dài nhiều năm. Đại biểu đặt câu hỏi về sự phối hợp của các sở, ngành trong việc giải quyết các vụ việc này.

Đại biểu Hồ Vân Nga (Quốc Oai) nêu ý kiến về việc còn tình trạng các vụ việc tồn đọng về khiếu nại tố cáo (KNTC) chưa rõ thẩm quyền giải quyết ở cấp nào, còn tình trạng đùn đẩy trong trách nhiệm của các cơ quan.

Phát biểu giải trình tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, về việc giải quyết KNTC và các vụ việc tồn đọng, Sở TN&MT nhận trách nhiệm khi phối hợp cùng các sở ngành khác giải quyết chậm một số vụ việc trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng làm rõ thêm ý kiến các đại biểu. (Ảnh:TH)

Việc giải quyết chậm, theo ông Nguyễn Trọng Đông là do nhiều nguyên nhân, có vụ việc kéo dài lâu đến hơn 10 năm, nguyên nhân do chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ, hồ sơ lưu trữ tại địa phương một số nơi chưa đầy đủ, nên giải quyết vướng mắc khó khăn. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương, việc giải quyết ở cơ sở nhiều vụ việc ngay từ phát sinh không giải quyết dứt điểm. Trong khi đó việc giải quyết các vụ việc liên quan đất đai không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật mà còn liên quan kinh tế xã hội, thực tiễn cuộc sống, nhiều vụ việc đang giải quyết lại nảy sinh thêm vấn đề khác.

Theo ông Nguyễn Trọng Đông, Sở TN&MT và các ngành đã phối hợp giải quyết các vụ việc, tuy nhiên thời gian tới các Tổ công tác của Sở sẽ xuống các ngành và địa phương để xem xét xử lý từng vụ việc.

Làm rõ hơn về các ý kiến đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, giải quyết khiếu nại tố cáo là công việc thường xuyên, liên tục, riêng trong năm 2018, toàn TP đã thụ lý 4.899 vụ khiếu nại tố cáo, bao gồm 3.242 vụ khiếu nại, 1.657 vụ tố cáo; đã giải quyết 4.168 vụ, đạt tỷ lệ 85,7%.

Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu quận, huyện, thị xã tập trung giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân theo thẩm quyền và đôn đốc, giải quyết các khiếu nại tố cáo vượt thẩm quyền đưa lên TP để tránh được các vụ việc khiếu nai tố cáo dứt điểm. Giao Sở TN&MT, Sở Xây dựng chủ động tham mưu, giải quyết hầu hết các vụ việc khiếu nại tố cáo; đặc biệt nội dung liên quan đến cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, đầu tư xây dựng, quản lý trật tự xây dựng; tổ chức tháo gỡ, đôn đốc thực hiện các kết luận; tập trung giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp; phấn đấu xử lý giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo có hiệu lực trên 90%; tăng cường công tác tiếp công dân, bố trí các cán bộ có đầy đủ năng lực, phẩm chất để tiếp dân…

Cũng tại phiên chất vấn, một số vụ việc đang có nhiều vướng mắc, dẫn đến chậm được giải quyết đang được dư luận rất quan tâm như: dự án hóa kênh mương Phan Kế Bính; việc di dời dân ra khỏi khu C8 Giảng Võ,…cũng được các đại biểu lưu ý và đề nghị Chủ tịch UBND quận Ba Đình và Sở Quy hoạch Kiến trúc trong việc xác định trách nhiệm, đưa ra hướng xử lý…/.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực