Hành vi vẽ bậy lên đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông có thể khởi tố hình sự

Thứ sáu, 29/12/2017 17:20
(ĐCSVN) - Những ngày qua, nhiều người dân tỏ ra bức xúc trước việc các toa tàu và đầu tàu thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bị vẽ loang lổ bằng sơn, mô phỏng theo phong cách Graffiti... Vậy hành vi trên sẽ bị xử lý thế nào?
Một toa tàu bị vẽ bẩn theo phong cách Graffiti. (Ảnh: Báo Người lao động)

Ngày 26/12, đại diện Ban quản lý dự án đường sắt thuộc Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị quản lý dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cho biết, toa tàu và đầu tàu của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang đặt tại ga Cát Linh (quận Đống Đa, TP Hà Nội) bị  bôi vẽ một số hình ảnh, chữ viết bằng sơn lên thành tàu.

Về sự việc này, Luật sư Phạm Thanh Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Phạm Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích: Hiện trường ga Cát Linh cho thấy, nét vẽ chằng chịt trên đầu tàu và thân tàu Cát Linh - Hà Đông là những bức vẽ Graffiti (kiểu vẽ tranh tường trên đường phố, thường là dùng bình sơn để phun).

Hình ảnh vẽ lên đoàn tàu này gồm các ký tự và con số, một số từ ngữ viết tắt được in bên ngoài với nhiều màu sắc sặc sỡ. Trên thân tàu có 2 dòng chữ nền trắng được viết đầy đủ bằng tiếng Anh là “Hello Viet Nam” kèm theo chữ S và dòng chữ “Paris 17”… Các hành vi nêu trên có dấu hiệu của “tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự năm 1999. Cụ thể, Điều 143 quy định tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau:

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Để che giấu tội phạm khác;

đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;

e) Tái phạm nguy hiểm;

g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Đối với hành vi nêu trên đã thỏa mãn tất cả các dấu hiệu sau của tội hủy hoại hoặc làm cố ý hư hỏng tài sản. Hành vi vẽ lên đoàn tàu là hành vi cố ý và sẽ làm cho tài sản bị mất đi giá trị sử dụng, mất đi giá trị thẩm mỹ.

Cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định để xác định thiệt hại do hành vi vẽ gây ra để xác định việc phục hồi như hiện trạng ban đầu mất bao nhiêu tiền để làm căn cứ xác định tội danh và khung hình phạt. Mức để xử lý hình sự là từ 2 triệu đồng trở lên; nếu trường hợp giá trị tài sản dưới 2 triệu đồng thì hành vi nêu trên vẫn phạm tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản vì hành vi vẽ bậy nêu trên đã gây hậu quả.

Việc cơ quan tiến hành tố tụng quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, Bộ Công an sớm tiến hành xác minh, khởi tố vụ án đối với hành vi nêu trên là cần thiết.

Đồng tình với quan điểm của Luật sư Phạm Thanh Tùng, Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng văn phòng luật sư Thuận Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) bổ sung thêm: Theo tôi, hành vi vẽ lên tàu sắt Cát Linh - Hà Đông rõ ràng có dấu hiệu cấu thành của tội "hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự 1999. Với quy định của tội này thì khung hình phạt cao nhất được áp dụng là tù chung thân theo khoản 4, Điều 143 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi 2009.

Tuy nhiên, để xử lý hành vi trên phải căn cứ vào vào kết quả giám định tài sản hư hỏng để làm căn cứ khởi tố vụ án đối với người vi phạm về tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định tại Điều 143, Bộ luật Hình sự 1999. Nếu kết quả giám định tài sản hư hỏng cho thấy hành vi phạm tội của người vi phạm gây thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì đã đủ cấu thành của tội trên. Với vụ việc này, kết quả giám định thiệt hại sẽ là căn cứ để áp dụng khung hình phạt tương ứng đối với người vi phạm khi bị khởi tố về tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản"./.

Trần Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực