"Không sân bay nào đạt hiệu quả tốt như sân bay Long Thành"

Thứ ba, 12/11/2019 15:17
(ĐCSVN) – Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khi giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vào sáng 12/11.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cần hết sức thận trọng

Vì sao Chính phủ đề xuất chọn ACV làm sân bay Long Thành? 🎥

Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Báo cáo này đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày trước Quốc hội chiều 24/10. Quốc hội cũng đã tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình tại phiên họp (Ảnh: quochoi.vn)

Băn khoăn việc chỉ định ACV làm sân bay Long Thành

Thảo luận tại hội trường sáng nay, đã có 20 đại biểu phát biểu và 2 ý kiến tranh luận. Cũng như thảo luận tại tổ trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục bày tỏ băn khoăn xoay quanh việc Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện 3/4 hạng mục công trình tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) nhắc lại đề xuất của Chính phủ giao ACV làm chủ đầu tư 3 trong 4 hạng mục đầu tư chính với lý do ACV là đơn vị có lợi thế kinh nghiệm đầu tư và quản lý hàng không và chủ động nguồn vốn đầu tư; việc vay vốn tổ chức tài chính quốc tế không cần bảo lãnh của Nhà nước, nếu như giao trực tiếp cho ACV không qua đấu thầu, tiết kiệm 1,5 năm để triển khai sớm dự án.

Song theo đại biểu, “chưa chắc chúng ta đã rút ngắn được thời gian, bởi lẽ, ACV là doanh nghiệp cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối nên về mặt nguyên tắc, bất kể hạng mục nào trong triển khai đều phải đấu thầu. “Với tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 330.000 tỷ, giai đoạn 1 là hơn 111.000 tỷ đồng thì sẽ có rất nhiều thầu phải triển khai đấu thầu trong giai đoạn thực hiện”, đại biểu nêu. 

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đưa ra con số ACV là công ty cổ phần có 95% vốn nhà nước. Đại biểu nêu hàng loạt câu hỏi: Vậy trong quá trình triển khai nếu có vấn đề thì có ảnh hưởng đến 95% phần vốn của Nhà nước không? Có làm tăng nợ công không? Trách nhiệm của Nhà nước về vốn đi vay của công ty này như thế nào?.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) khẳng định, ACV là doanh nghiệp do nhà nước chi phối, chiếm hơn 95% vốn chủ sở hữu nên dù doanh nghiệp này huy động dưới hình thức nào trên thị trường vốn quốc tế thì mặc nhiên Chính phủ Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư quốc tế dù không cấp bảo lãnh đối với khoản vay, vẫn phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tài chính chủ yếu trong trường hợp ACV không trả được nợ.

Tuy nhiên, đại biểu đưa ra nhiều cơ sở để nhận định, “do tầm quan trọng quốc gia của dự án, do vị thế và tiềm lực của ACV thì thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình dự kiến khoảng 5-5,5%/năm là có tính khả thi”.

Đã thuê tư vấn độc lập thẩm tra

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể làm rõ thêm một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận.

Theo đó, về hiệu quả đầu tư, Bộ trưởng khẳng định “không có một sân bay nào đạt hiệu quả tốt như sân bay Long Thành, nhất là giai đoạn 1 và giai đoạn 2”, bởi ngay sau khi vừa hoàn thành thì có thể tăng lưu lượng hành khách từ 20-25 triệu lượt khách/năm.

Về tổng mức đầu tư, Bộ trưởng cho biết hiện đã thuê tư vấn độc lập để thẩm tra rà soát nhằm đảm bảo tổng mức đầu tư phù hợp tình hình thực tế.

Liên quan đến những ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về năng lực ACV, Bộ trưởng khẳng định, hiện nay, tình hình tài chính của ACV tương đối tốt. “Dù quản lý 21 sân bay, chỉ 8 sân bay có lãi nhưng sau khi trừ chi phí, thuế thì ACV có khoản lợi nhuận khoảng 10 nghìn tỷ đồng mỗi năm” - Bộ trưởng nói.

Vẫn theo Bộ trưởng, hiện ACV có khoảng 25 nghìn tỷ đồng không đầu tư bất cứ việc gì khác chỉ để tập trung cho sân bay quốc tế Long Thành.

Bộ trưởng cho biết, Bộ cùng Ủy ban quản lý vốn đã báo cáo Chính phủ kế hoạch từ nay đến năm 2025 ACV sẽ bỏ ra gần 30 nghìn tỷ đồng để nâng cấp các sân bay khác và dành khoảng 12 nghìn tỷ đồng cùng 25 nghìn tỷ đồng để có nguồn vốn chiếm khoảng 37%. Phần còn lại ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức sẵn sàng cho ACV vay khoảng 5 tỷ đô la và không thế chấp.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng cho biết sẽ báo cáo Chính phủ “cố gắng huy động các nguồn lực trong nước, khi nào không đảm bảo mới tiếp cận các tổ chức nước ngoài để đảm bảo hiệu quả xã hội cao nhất”./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực