Làm rõ vai trò của Kiểm toán nhà nước trong công tác quản lý thuế

Thứ năm, 09/05/2019 16:04
(ĐCSVN) - Kết quả kiểm toán cho thấy mức độ vi phạm pháp luật thuế còn cao, diễn ra ở hầu hết các địa phương và các loại hình doanh nghiệp, các sắc thuế; áp dụng không đúng thuế suất thuế giá trị gia tăng, kê khai ưu đãi và miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp...

Ngày 9/5, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước và Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) phối hợp tổ chức Hội thảo “Quản lý thuế và vai trò của Kiểm toán nhà nước”.

Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ vai trò của Kiểm toán nhà nước trong công tác quản lý thuế, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Hội thảo “Quản lý thuế và vai trò của Kiểm toán nhà nước”.
Ảnh: Đỗ Thoa

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên khẳng định: thuế được coi là nguồn thu quan trọng, chủ yếu của ngân sách vì nguồn thu này mang tính chất ổn định, đảm bảo tự chủ và độc lập quốc gia. Ở Việt Nam, thuế đã thực sự trở thành nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Điều này được thể hiện qua tỷ trọng số thu thuế trong tổng thu ngân sách ngày càng tăng trong những năm vừa qua.

Tuy nhiên theo ông Đoàn Xuân Tiên, những hành vi trốn thuế, gian lận thuế ngày càng diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, sự lành mạnh của thị trường và an ninh tài chính quốc gia, việc phòng chống gian lận về thuế là ưu tiên hàng đầu hiện nay của Chính phủ. Ngoài ra chống gian lận thuế, trốn thuế còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng niềm tin của công chúng và cần phải được thực hiện một cách triệt để.

Kết quả kiểm toán cho thấy mức độ vi phạm pháp luật thuế còn cao, diễn ra ở hầu hết các địa phương và các loại hình doanh nghiệp, các sắc thuế; áp dụng không đúng thuế suất thuế giá trị gia tăng, kê khai ưu đãi và miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thực hiện miễn, giảm, hoàn, xóa nợ thuế sai quy định, áp đơn giá đất để tính tiền sử dụng đất chưa đúng; chưa kê khai hoặc kê khai không đầy đủ các khoản thuế từ hoạt động kinh doanh.

Phó Tổng Kiểm toán cũng nêu rõ những bất cập ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán thuế như chưa chú trọng phân tích, đánh giá hiệu quả công tác thu thuế; phạm vi kiểm toán tuân thủ nghĩa vụ thuế còn hạn chế; mẫu chọn kiểm toán thuế nhỏ so với tổng số người nộp thuế và thời gian kiểm toán ngắn; kinh nghiệm của kiểm toán viên còn hạn chế đối với loại hình kinh doanh đa dạng và có xu hướng phát triển công nghệ cao.

Chia sẻ về giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán thuế của Kiểm toán nhà nước, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, kiểm toán thuế là loại hình kiểm toán đặc biệt không chỉ thuần túy là kiểm tra, đánh giá, xác nhận độ tin cậy của thông tin về thuế phải nộp, số thuế đã nộp, số còn phải nộp. Điều quan trọng hơn là đánh giá và xác nhận sự tuân thủ luật pháp của các đối tượng nộp thuế, của người quản lý thuế và đánh giá tác động của các chính sách thuế đến kinh tế vĩ mô, đến các nhóm lợi ích, các quan hệ đa chiều trong đời sống kinh tế xã hội.

Theo đó, PGS.TS Đặng Văn Thanh cho rằng, kiểm toán về thuế cần chú trọng nhiều hơn kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động. Kiểm toán cần đánh giá sự tuân thủ luật pháp trên tất cả các khía cạnh của thuế như đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế và quản lý thuế. Đồng thời, cần triển khai và đi sâu kiểm toán hoạt động, kiểm toán hiệu quả, đánh giá tác động của các sắc thuế đến đời sống kinh tế xã hội, ảnh hưởng và tác động của từng sắc thuế đến tăng trưởng và phát triển bền vững của nền kinh tế.

Còn theo bà Belinda Young, Thành viên Diễn đàn Thuế toàn cầu ACCA, Chủ tịch Nhóm công tác thuế ACCA Singapore, Tổng giám đốc Tập đoàn Centrecourt Singapore: Trong môi trường kinh doanh toàn cầu và thay đổi không ngừng của công nghệ như sự phát triển của công nghệ đồng tiền ảo và mã hóa, các mô hình kinh doanh mới đã xóa mờ sự khác biệt giữa các hình thức truyền thống và thách thức những đặc điểm cơ bản của việc xác định nghĩa vụ thuế.

“ Các quốc gia cần cân nhắc kỹ lưỡng những hàm ý quốc tế và công nghệ khi xây dựng và hoàn thiện chính sách quản lý thuế, từ đó đáp ứng các điều kiện kinh tế xã hội của từng quốc gia. Việc học hỏi kinh nghiệm và phối hợp trong nước (giữa cơ quan quản lý thuế, kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước, các hiệp hội nghề nghiệp, đối tượng liên quan) cũng như ngoài nước để đảm bảo hệ thống thuế dần đáp ứng được những thay đổi của hình thái kinh doanh, xác định được bản chất thực của hoạt động kinh tế khi xác định nghĩa vụ thuế là vô cùng quan trọng”- bà Belinda Young chia sẻ.

Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Nguyễn Thị Cúc cho biết, theo đánh giá về chỉ số nộp thuế trong Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới, chỉ số nộp thuế của Việt Nam (bao gồm nộp thuế và bảo hiểm xã hội) đã tăng 5 bậc trong năm 2016 và tăng 11 bậc trong năm 2017, là chỉ số có mức độ cải thiện thứ hạng tốt nhất trong các chỉ số được Ngân hàng thế giới đánh giá, qua đó góp phần cải thiện thứ hạng chung về chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Theo kết quả khảo khát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng với cải cách thủ tục hành chính thuế, với cán bộ thuế cũng được tăng hàng năm.

Nhằm phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý thuế hiện hành, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế cho rằng, cần hoàn thiện thể chế về hệ thống chính sách pháp luật thuế hướng đến mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ, minh bạch, bình đẳng, đồng thời phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và thông lệ quốc tế; khắc phục tình trạng có cách hiểu văn bản pháp quy khác nhau giữa cơ quan quản lý và đối tượng quản lý, giữa cơ quan Thuế và người nộp thuế, tạo ưu thế, thu lợi cho cơ quan quản lý hơn người nộp thuế.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, cắt giảm thủ tục không cần thiết, công khai, lượng hóa các hồ sơ thủ tục ở tất cả các khâu từ đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế. Đặc biệt chú trọng các khâu có tính nhạy cảm trong thực thi: Ấn định thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế, cưỡng chế, xóa nợ....

Hội thảo đã tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề về thực trạng quản lý thuế hiện nay và những ảnh hưởng của tình trạng gian lận thuế, trốn thuế đến ngân sách quốc gia và kỷ luật, kỷ cương của nền tài chính quốc gia; làm rõ vai trò của Kiểm toán nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách, góp phần vào việc làm minh bạch, bền vững nền tài chính quốc gia; chia sẻ các bài học, kinh nghiệm quốc tế về quản lý thuế và vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao trong lĩnh vực kiểm toán công tác quản lý thuế.../.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực