Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần đảm bảo “tầm nhìn, tính dự báo”

Thứ sáu, 23/08/2019 18:43
(ĐCSVN) - Với sự hội nhập quốc tế và sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, Luật Điện ảnh hiện hành đang có nhiều bất cập cần phải sửa đổi để đảm bảo “tầm nhìn, tính dự báo” và không bị tụt hậu so với thực tế.

 

(Ảnh: K.T)

 

Ngày 23/8/2019,  tại Hà Nội đã diễn ra Hội  nghị - Hội thảo lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại khu vực phía Bắc.

Luật Điện ảnh hiện hành hạn chế việc hợp tác quốc tế…

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đánh giá, qua 12 năm thi hành Luật Điện ảnh, điện ảnh Việt Nam đã có nhiều bước tiến bộ như thu hút, khuyến khích được sự tham gia của tổ chức, cá nhân từ mọi thành phần kinh tế vào các hoạt động lĩnh vực điện ảnh; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thông qua chương trình mục tiêu phát triển điện ảnh; chính sách tài trợ cho việc phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nông thôn, thiếu nhi, lực lượng vũ trang nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại… Các quy định về việc thành lập các cơ sở sản xuất phim, hội chợ phim… đã đưa điện ảnh Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy điện ảnh quốc tế. Với sự hội nhập quốc tế và sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, Luật Điện ảnh hiện hành cần có điều chỉnh phù hợp, hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh phát huy được vai trò và ý nghĩa chiến lược của mình.

Theo NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà - Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh, doanh thu ngành điện ảnh hiện tăng trung bình từ 25-30%/năm. Năm 2000, doanh thu ngành điện ảnh khoảng 2 triệu USD, đến năm 2015 con số này tăng lên hơn 100 triệu USD và năm 2018 là 150 triệu USD. Số lượng phim Việt được sản xuất ngày càng tăng và đa số được sản xuất bằng nguồn vốn xã hội hóa. Điều này phù hợp với chủ trương xã hội hóa các hoạt động điện ảnh nhưng vẫn theo định hướng của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, kỹ thuật số, với việc khai thác, phổ biến phim trên internet, xem phim trên các thiết bị di động cá nhân thì Luật Điện ảnh bộc lộ bất cập, hạn chế bởi chưa đề cập đến các nội dung mới này. Hơn nữa vấn đề vi phạm bản quyền, cạnh tranh không lành mạnh diễn biến tiêu cực, phức tạp mà luật chưa quy định, chưa có chế tài xử lý.

Ngoài ra, sau 12 năm với sự thay đổi phương thức thương mại cùng nhiều cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, các chính sách quản lý đang hạn chế việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh. Các dịch vụ và sản xuất phim có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chưa đồng bộ với nhiều quy định khác, làm phát sinh thêm nhiều giấy phép, gây mất thời gian cho doanh nghiệp, nhà sản xuất. Đó là những điều cần được sửa đổi, cập nhật trong Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Cần đáp ứng yêu cầu mới trong kỷ nguyên số

Tại hội nghị - hội thảo, nhiều  chuyên gia, nhà quản lý lĩnh vực điện ảnh đã phát biểu tham luận đóng góp ý kiến về những vấn đề cần sửa đổi trong Luật Điện ảnh; khẳng định sự cần thiết phải xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi);v.v.

Đánh giá về Đề cương Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), TS Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam nêu rõ: Nội dung Đề cương Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) chưa vượt được tầm nhìn của Luật Điện ảnh 2006, nên chưa đáp ứng được yêu cầu của Luật Điện ảnh mới trong kỷ nguyên số. Chỉ có Điều 29 và 30 quy định về việc cấp phép phổ biến phim trên không gian mạng và thẩm quyền cấp phép cho loại phim này thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông có lẽ chưa đầy đủ, chưa hợp lý. Để phù hợp với sự phát triển của xã hội và sự thay đổi đột biến của công nghệ trong kỷ nguyên số, thì Luật Điện ảnh (sửa đổi) có thể điều chỉnh được các hoạt động điện ảnh trong một thời kỳ nhất định mà không bị lạc hậu.

TS Ngô Phương Lan đề nghị nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng tất cả các điều trong đề cương, kể từ Điều 3 về giải thích từ ngữ. Đặc biệt lưu ý các điều còn nhiều bất cập, cần chỉnh sửa và bổ sung như Điều 4 về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh; Điều 6 về tổ chức xã hội - nghề nghiệp về điện ảnh; Điều 10 về những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh; Điều 14 về sản xuất phim đặt hàng sử dụng ngân sách Nhà nước; Điều 21 về xuất - nhập khẩu phim; Điều 28 về phổ biến phim trên internet; Điều 29 về giấy phép phổ biến phim; Điều 30 về Hội đồng thẩm định phim; Điều 32 về tổ chức LHP quốc gia, LHP chuyên ngành, chuyên đề; Điều 33 về tổ chức LHP quốc tế cùng các Điều 36,37,38, 39 trong mục về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh…

NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng đề nghị: Nên cân nhắc không đưa phim “giải trí” vào đối tượng được hưởng sự hỗ trợ từ Quỹ  hỗ trợ phát triển điện ảnh vì loại phim này hoàn toàn gắn với thị trường, nên tập trung vào những dự án làm phim có triển vọng đạt tới giá trị nội dung và nghệ thuật cao về đề tài lịch sử, cách mạng, kháng chiến, bảo vệ phát huy những giá trị dân tộc truyền thống, nhân văn và những dự án có sự tìm tòi làm phong phú ngôn ngữ điện ảnh.

Riêng về trách nhiệm quản lý ở mục 1 và 2 Điều 44, ông đề nghị sửa lại: Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về hoạt động điện ảnh; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về điện ảnh nhắm tới mục tiêu cốt lõi xây dựng nền Điện ảnh Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...

NSND Đặng Xuân Hải cũng khẳng định: Thời gian dự kiến trình thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) là năm 2021 là quá chậm. Thị trường điện ảnh vốn diễn biến sôi động từng ngày, bởi vậy Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này cần đảm bảo cả “tầm nhìn, tính dự báo” để khi luật thông qua sẽ không tụt hậu với thực tế.

 

 

 

K.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực