Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Tư pháp

Thứ năm, 28/02/2019 22:12
(ĐCSVN) – Việc ký kết Quy chế phối hợp hướng tới việc tăng cường hiệu quả phối hợp giữa hai Bộ Tư pháp và Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về lĩnh vực TN&MT, lĩnh vực tư pháp phát sinh trong quá trình hai Bộ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình…

Chiều ngày 28/2, tại trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp đã diễn ra Lễ ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Bộ TN&MT và Bộ Tư pháp để phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai Bộ.

Tham dự và ký kết Quy chế có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và đại diện lãnh đạo nhiều đơn vị thuộc hai Bộ.

Mục đích của việc ký kết Quy chế nhằm hướng tới việc tăng cường hiệu quả phối hợp giữa hai Bộ trong thực hiện nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai Bộ; củng cố và phát huy vai trò của tổ chức pháp chế, đội ngũ những người làm công tác pháp chế tại Bộ TNMT; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về lĩnh vực TNMT, lĩnh vực tư pháp phát sinh trong quá trình hai Bộ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Lễ ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Bộ TN&MT và Bộ Tư pháp. Ảnh: TH

Theo đó, hai Bộ nhất trí phối hợp trong 9 nội dung, bao gồm: Công tác xây dựng pháp luật và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, pháp điển và hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; Công tác bồi thường nhà nước; Công tác bổ trợ tư pháp; Công tác đăng ký giao dịch bảo đảm; Công tác thi hành án dân sự và các nhiệm vụ khác. Riêng trong chỉ đạo, điều hành liên quan đến công tác thi hành án dân sự và liên quan đến lĩnh vực đất đai, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, giao Tổng cục Thi hành án dân sự và Tổng cục Quản lý đất đai chủ động trao đổi hoặc tổ chức họp liên ngành để thống nhất, hướng dẫn, báo cáo Lãnh đạo hai Bộ xem xét, giải quyết.

Hai Bộ sẽ phối hợp qua 3 phương thức là tổ chức các đoàn công tác liên ngành và cử cán bộ phối hợp; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan và tổ chức các cuộc họp. 

Định kỳ hằng năm, căn cứ vào nhiệm vụ do mỗi cơ quan chủ trì, hai Bộ cùng xây dựng Kế hoạch chung triển khai thực hiện, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ phối hợp. Trên cơ sở chấp thuận về chủ trương của Lãnh đạo hai bên, giao Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) ký ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy chế hằng năm.

Trên cơ sở Quy chế này, căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, giao cơ quan thi hành án dân sự báo cáo, tham mưu Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc xây dựng quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự liên quan đến lĩnh vực TNMT phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc hoặc xét trường hợp cần thiết, hai Bộ thảo luận, thống nhất bổ sung, sửa đổi Quy chế cho phù hợp.

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, thỏa thuận được ký kết lần này là một thành công và việc thực hiện tốt sẽ hỗ trợ cả hai Bộ hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, bày tỏ mong muốn những nội dung đã thỏa thuận sẽ được thực hiện nghiêm và đề nghị Bộ trưởng Bộ TN&MT tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác pháp chế.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đánh giá cao Quy chế phối hợp với nhiều nội dung hợp tác được ghi nhận từ thực tiễn sẽ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ, tình cảm, trách nhiệm giữa hai Bộ và việc thực hiện Quy chế sẽ giúp mối quan hệ ngày càng thực chất, mang lại lợi ích quan trọng. Bộ trưởng cam kết sẽ chỉ đạo triển khai Quy chế một cách có ý nghĩa, đi vào công việc chung của hai Bộ. Đồng thời, đề nghị hai Bộ gắn kết thực chất hơn nữa, tạo lan tỏa, chuyển biến trong mối quan hệ giữa các Sở Tư pháp và Sở TNMT.../.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực