Nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Thứ sáu, 08/12/2017 16:49
(ĐCSVN) - Ngày 8/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo đánh giá tình hình thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) 2015. Nhiều ý kiến cho rằng thời gian có hiệu lực pháp luật của Luật còn ngắn để pháp luật đi vào cuộc sống, do vậy cần có thời gian để các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai Luật.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, qua quá trình theo dõi, gần 1,5 năm thi hành Luật Ban hành VBQPPL (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016) và Nghị định 34 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật,  nhìn chung công tác xây dựng ban hành VBQPPL của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương có nhiều cải thiện. Quy trình lập pháp mới cùng với yêu cầu cao hơn của Luật năm 2015 đã được các cấp, các ngành, các địa phương nghiêm túc quán triệt, đạt được nhiều kết quả. Chất lượng hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản, chất lượng hồ sơ dự án, dự thảo VBQPPL trong thời gian qua từng bước được nâng cao. Điều đó cho thấy các quy định mới của Luật đã bắt đầu đi vào cuộc sống

 

Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: TH).


Tuy nhiên, qua theo dõi và những phản hồi từ các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cho thấy quá trình áp dụng Luật có một số tồn tại, hạn chế cần được phát hiện kịp thời, bàn giải pháp tháo gỡ. Chẳng hạn như đề nghị xây dựng văn bản còn chậm; hồ sơ đề nghị chưa đầy đủ, đặc biệt một số hồ sơ bỏ qua đánh giá tác động chính sách; việc đăng tải lấy ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản, dự thảo văn bản chưa đảm bảo thời gian đăng tải theo yêu cầu; việc xây dựng văn bản quy định chi tiết còn chậm, chưa chú trọng đúng mức chất lượng; công tác rà soát, bố trí cán bộ đủ năng lực làm công tác xây dựng VBQPPL nói chung và công tác pháp chế nói riêng chưa được chú trọng…

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn bộ, ngành, địa phương trong việc áp dụng đúng, thống nhất quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã giải đáp trực tiếp và trả lời bằng văn bản đối với những câu hỏi có nội dung mang tính kỹ thuật hoặc liên quan đến việc hiểu chưa đúng tinh thần, nội dung của Luật năm 2015.

Theo Phó Vụ trưởng, Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp Võ Văn Tuyển, Luật Ban hành VBQPPL có nhiều điểm mới, đưa ra những yêu cầu cao hơn đối với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL nên không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng. Hơn nữa, thời gian có hiệu lực pháp luật của Luật quá ngắn để pháp luật đi vào cuộc sống, để người làm công tác xây dựng pháp luật thay đổi thói quen và tư duy lập pháp. Do vậy, cần có thời gian để các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai Luật. “Việc sửa đổi, bổ sung Luật này cần được cân nhắc kỹ càng, dựa trên kết quả sơ kết, tổng kết tình hình thi hành Luật và những nghiên cứu thấu đáo về lý luận, thực tiễn”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Nhấn mạnh Luật chứa đựng tư tưởng mới nhằm nâng cao chất lượng VBQPPL ở mọi lĩnh vực để phục vụ người dân được tốt hơn, tuy nhiên Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Nguyễn Thị Thu Hòe cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả thực hiện Luật còn chưa cao hay còn vướng mắc là do thực thi chưa linh hoạt, áp dụng Luật quá máy móc.

Đồng quan điểm, TS Đoàn Thị Tố Uyên (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng quan trọng là khâu tổ chức thực hiện, năng lực thực thi, Luật mới có hiệu lực hơn 1 năm chưa thể chuyển biến chất lượng bởi “có những chính sách 5 – 10 năm sau mới được kiểm chứng hiệu quả, quy trình chất lượng”.

Một số ý kiến cũng nêu lên chất lượng công tác phổ biến, tập huấn tại một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đặt ra, dẫn đến có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện nhưng địa phương chưa hiểu, áp dụng lúng túng, một số công việc làm đối phó nên không phát huy hiệu quả của Luật…/.

 

            

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực