Nâng cao kỹ năng cho hòa giải viên, đối thoại viên

Thứ hai, 22/10/2018 17:00
(ĐCSVN) - Kết quả thu được từ đợt tập huấn sẽ là nền tảng cho các tòa án triển khai thực hiện tốt quy trình kỹ năng hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu nại hành chính tại Tòa án.

Ngày 22/10, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tổ chức Hội nghị tập huấn về quy trình, kỹ năng hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: TH).


Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, TANDTC đã triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án TP. Hải Phòng và 9 Tòa án nhân dân cấp huyện của thành phố Hải Phòng từ tháng 3 đến hết tháng 8/2018. Việc thí điểm đã đạt được những kết quả tích cực với tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành là 76,2%.

Trên cơ sở thành công bước đầu của thí điểm tại Hải Phòng, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương giao cho TANDTC tiếp tục triển khai thí điểm tại Hải Phòng và mở rộng thí điểm tại một số tỉnh, thành phố bảo đảm tính đại diện vùng miền, nông thôn, đô thị. Thực hiện Kết luận nêu trên, TANDTC đã lựa chọn được 16 địa phương để mở rộng và kéo dài thí điểm là: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Thời gian thực hiện thí điểm dự kiến là 6 tháng, tạo cơ sở cho việc báo cáo Quốc hội về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và có thể được kéo dài cho đến khi Quốc hội thông qua Luật này.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được xem một số video phóng sự và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về hòa giải, đối thoại tại Hải Phòng. Trên cơ sở đó, chỉ ra một số bài học kinh nghiệm để các Tòa án khác triển khai.

Theo Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào, ngoài trình độ hiểu biết về pháp luật, hoà giải viên cũng cần có kiến thức sâu rộng về xã hội, sự tinh tế, nhạy bén trong xử lý vấn đề thực tế trong cuộc sống, trên cơ sở đó sẽ giúp cho các bên tìm ra được những giải pháp tốt nhất để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp. Đồng thời, khi người hòa giải viên có trình độ và năng lực tốt sẽ xây dựng được niềm tin và ấn tượng tốt đối với những người được hòa giải.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Trong bối cảnh công việc hiện nay tăng mạnh, song biên chế phải giảm, tạo áp lực rất nhiều cho các Tòa án. Vì vậy, hòa giải, đối thoại có thể coi là giải pháp căn cơ tháo gỡ vướng mắc hiện nay của ngành Tòa án; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội; hạn chế kháng cáo, kháng nghị, tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài, giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án.

Chánh án TANDTC yêu cầu các Tòa án, Chánh án thành phố, địa phương bám sát kế hoạch để thực hiện, xem đây là trách nhiệm chính trị, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng; trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo kịp thời với Ban Chỉ đạo để tìm hướng giải quyết, trên tinh thần “10 vụ thì hòa giải được 8 vụ, chỉ xét xử 2 vụ, như tỷ lệ ở Hải Phòng là hơn 76%”.

Theo kế hoạch Hội nghị sẽ diễn ra trong thời gian 3 ngày, từ 22/10/2018 đến 24/10/2018.Trong khoảng thời gian này, các Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán Mỹ Gordon Low sẽ giới thiệu về các quy định của pháp luật về hòa giải, đối thoại, quy trình, kỹ năng hòa giải, đối thoại; đồng thời trao đổi, thảo luận về các tình huống thực tế nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho các hòa giải viên, đối thoại viên để áp dụng vào thực tiễn thí điểm…/.

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực