Nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế

Thứ năm, 03/10/2019 20:20
Chiều 3/10, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân năm 2017 - 2018.

Báo cáo tình hình thực hiện chỉ tiêu kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước trong 9 tháng năm 2019, ước thực hiện năm 2019 và dự toán năm 2020 thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Đến nay, toàn quốc có trên 85,2 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, bao phủ 89,8% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao. 53/63 tỉnh thành phố đã sắp xếp lại cơ sở y tế dự phòng từ tuyến tỉnh thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật. 555/713 huyện đã hợp nhất Trung tâm y tế và bệnh viện thành Trung tâm y tế đa chức năng, trực tiếp quản lý trạm y tế xã, thực hiện tinh gọn đầu mối, giảm số lượng người làm việc ở các bộ phận quản lý.

Bệnh nhân được hướng dẫn thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La. (Ảnh: Diệp Anh/TTXVN)

Thời gian qua, Bộ Y tế đã đẩy mạnh thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới; xây dựng, thực hiện mô hình 26 trạm y tế xã điểm theo nguyên lý y học gia đình, triển khai nhân rộng trên toàn quốc, phát triển mô hình phòng khám gia đình ở các nơi có điều kiện.

Về việc đổi mới cơ chế tài chính và thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện đúng lộ trình, góp phần giảm ngân sách cấp cho các bệnh viện và giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng lạm dụng Quỹ bảo hiểm y tế, phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết một số vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bộ Y tế đang xây dựng thông tư hướng dẫn giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu để đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công tư...

Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá, bên cạnh nỗ lực của đội ngũ cán bộ, y bác sỹ, ngành Y tế cũng đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Mạng lưới y tế cơ sở tuy rộng khắp nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân, mới chỉ tập trung vào chữa bệnh nhưng chưa chăm sóc toàn diện cho người bệnh. Chất lượng khám chữa bệnh chưa đồng đều giữa các vùng, tuyến.

Phân tích về thực trạng chậm phát triển của hệ thống y tế cơ sở, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho rằng: Nhiều nơi người dân đi khám tại các cơ sở y tế tuyến xã không hài lòng về chất lượng khám chữa bệnh nên muốn chuyển lên tuyến trên, dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn. Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, hệ thống y tế cơ sở được xây dựng theo chuẩn của Bộ Y tế với đầy đủ thiết bị cơ bản cùng đội ngũ y, bác sỹ được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên nhưng đến nay không phát huy được hiệu quả là vấn đề cần phải được xem xét nghiêm túc, cụ thể để có phương pháp khắc phục. Y tế cơ sở rất quan trọng đối với sức khỏe nhân dân, nhất là ở các địa phương, vùng sâu, vùng xa. Nếu phát huy được hiệu quả của tuyến y tế cơ sở sẽ giúp ích nhiều cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân là rất khó vì liên quan đến nhiều tầng lớp của xã hội. Theo đại biểu, người dân bao giờ cũng tính toán lợi ích trước mắt nên ngại bỏ tiền mua bảo hiểm trong khi còn khỏe mạnh. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do công tác truyền thông còn hạn chế, vì vậy cần nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế, xác định đây là sự đầu tư đảm bảo sức khỏe dài lâu; hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước...

Bên cạnh đó, đại biểu Phương cho rằng, ngành Y tế cần xây dựng những mức đóng bảo hiể y tế khác nhau, không thu đồng đều như hiện nay nhằm đáp ứng mọi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Theo đại biểu, nhiều người có điều kiện về kinh tế không muốn tham gia đóng bảo hiểm y tế mà khi có bệnh sẽ lựa chọn bệnh viện hoặc dịch vụ y tế phù hợp, như vậy rất khó để tiến tới bảo hiểm toàn dân và hạn chế sự chia sẻ với những bệnh nhân là đối tượng nghèo. "Nếu có những mức đóng cao hơn để được lựa chọn cơ sở và dịch vụ khám chữa bệnh, tôi nghĩ nhiều cán bộ, công chức sẵn sàng ủng hộ", ông Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh.

Để phổ cập bảo hiểm y tế toàn dân, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Giáo sư Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho rằng: Cần phát triển mạnh dịch vụ y tế tư nhân, các cơ sở y tế công lập chỉ cần tập trung cung cấp các dịch vụ y tế công cộng, y tế dự phòng... Bên cạnh vai trò của hệ thống bệnh viện tư nhân, việc tự chủ trong các bệnh viện công lập là rất quan trọng, cần được nhân rộng trong tương lai để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như thu hút sự tham gia của bảo hiểm y tế.

Để thu hút toàn dân tham gia bảo hiểm y tế, các đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng cần có những giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho người dân cũng như cán bộ y tế để có cái nhìn đúng đắn hơn với những bệnh nhân dùng thẻ bảo hiểm y tế khi đi chữa bệnh; đồng thời đẩy mạnh chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh theo hướng người có thẻ phải được phục vụ nhanh hơn người không có thẻ, như vậy mới nâng cao hiệu quả chất lượng và thu hút nhiều người tham gia bảo hiểm y tế.../.

Đỗ Bình/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực