Quán triệt triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Thứ tư, 20/09/2017 16:39
(ĐCSVN) – Ngày 20/9, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội nghị quán triệt triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (khu vực phía Nam).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, ngày 20/6/2017, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 10/2017/QH14, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2018. Nhằm triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được kịp thời, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai trong đó có giao Bộ Tư pháp chủ trì, tổ chức Hội nghị quán triệt triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.

Hội nghị nhằm giới thiệu, quán triệt những nội dung cơ bản và điểm mới quan trọng của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 nhằm nâng cao và thống nhất nhận thức của các ngành, các cấp trong quá trình triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng mong muốn các đại biểu tại hội nghị này cùng nhau thẳng thắn trao đổi, bàn bạc về những giải pháp triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu quả trong thực tiễn. 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Ngọc Khánh phát biểu khai mạc Hội nghị (ảnh: VL)

Tại Hội nghị lần này, các đại biểu đã được nghe Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Văn Bốn giới thiệu một số điểm mới quan trọng của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 so với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Bốn, việc Quốc hội thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị và về pháp lý. Việc ban hành Luật này nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng ta trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền trong điều kiện chúng ta đang thực thi Hiến pháp 2013. So với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung và toàn diện các nội dung nhằm bảo đảm hơn tính đồng bộ, thống nhất với các bộ luật, luật mới ban hành; có kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 và khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, qua đó, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013.

Nếu như Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 có 67 điều thì Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 có 9 chương và 78 điều. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 có những điểm mới về đối tượng có quyền yêu cầu bồi thường, thời hiệu yêu cầu bồi thường, căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường, bổ sung quy định về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước. Bên cạnh đó cũng mở rộng phạm vi trách nhiệm bồi thường, bổ sung nhiều loại thiệt hại được bồi thường, tăng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần… Đặc biệt, Luật này có sửa đổi, bổ sung toàn diện quy định về thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường. Đồng chí Nguyễn Văn Bốn cho biết, về thời hạn giải quyết yêu cầu bồi thường đã được rút ngắn từ 95-125 ngày xuống còn 41-71 ngày. “Qua tổng kết cho thấy, hầu hết các vụ việc vừa qua đều vượt quá thời gian quy định, thậm chí có những vụ kéo dài tới 10 năm. Hiện nay, với việc sửa đổi, quy định rõ thời hạn đối với từng giai đoạn cụ thể, nếu thực hiện nghiêm đối với từng giai đoạn thì đây sẽ là bước đột phá”.

Toàn cảnh Hội nghị (ảnh:VL)

Tại Hội nghị, đại diện UBND, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân một số tỉnh, thành đã có những báo cáo chuyên đề đồng thời các đại biểu đã có trao đổi, thảo luận.

Được biết, trên cơ sở kết quả Hội nghị quán triệt, triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước do Bộ Tư pháp tổ chức, các bộ, UBND cấp tỉnh tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho công chức làm công tác bồi thường nhà nước (đối với cấp Bộ), công chức thuộc các cơ quan chuyên môn, phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; đội ngũ Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và các công chức khác của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (đối với UBND cấp tỉnh)./.

VL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực