Siết chặt việc tổ chức xét tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp

Thứ sáu, 17/05/2019 20:20
(ĐCSVN) – Việc xây dựng Nghị định quy định quản lý tổ chức xét tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp là cần thiết nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này trên thực tiễn, đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (Nguồn: Minh Châu)

Doanh nhân, doanh nghiệp đóng tiền... để đạt giải thưởng

Bộ Nội vụ cho biết, ngày 28/7/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 51/2010/QĐ-TTg ban hành quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp. Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Thông tư số 01/2012/TT-BNV quy định chi tiết thi hành một số điều của Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg.

Các danh hiệu giải thưởng trên không phải là hình thức khen thưởng của nhà nước mà là hình thức biểu dương, tôn vinh của các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, các địa phương theo ngành, lĩnh vực hoặc địa bàn quản lý.

Bộ Nội vụ đánh giá, sau hơn 8 năm thực hiện, có 30 giải thưởng phạm vi toàn quốc và 33 giải thưởng phạm vi tỉnh, thành phố được tổ chức, góp phần khuyến khích, động viên doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tính năng động, sáng tạo, nỗ lực trong sản xuất kinh doanh, tích cực thực hiện công tác xã hội từ thiện, tham gia các phong trào thi đua do trung ương và địa phương phát động.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cho biết, việc tổ chức xét tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp thời gian qua có nhiều bất cập, hạn chế. Đó là, một số cơ quan, đơn vị, hiệp hội tổ chức giải thưởng chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ hoặc lĩnh vực hoạt động. Trong quá trình tổ chức giải thưởng, một số đơn vị đã huy động, thu tiền của các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia giải thưởng dưới các hình thức khác nhau, gây dư luận không tốt trong xã hội.

Đáng chú ý, Bộ Nội vụ cho biết, một số doanh nghiệp, doanh nhân thành tích không tiêu biểu, sản xuất kinh doanh không hiệu quả nhưng vẫn đóng tiền để được tặng giải thưởng, gây hiểu lầm về chất lượng sản phẩm nhằm khuếch trương thương hiệu và thu lợi bất chính. Một số doanh nghiệp, doanh nhân thiếu thông tin, không tìm hiểu kỹ về nội dung, quy mô, tính hợp pháp của các giải thưởng, tưởng lầm các giải thưởng này là hình thức khen thưởng của Nhà nước hoặc muốn quảng bá thương hiệu, doanh nghiệp nên đã tham gia nhiều giải thưởng, dẫn đến thiệt hại về vật chất và tinh thần khi tham dự các giải thưởng không đúng quy định...

Bộ Nội vụ cũng thừa nhận, một số quy định có điểm chưa phù hợp hoặc chưa cụ thể, rõ ràng như: Thẩm quyền tổ chức giải thưởng còn hẹp, chưa phát huy hết vai trò của một số tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong việc khuyến khích, động viên các hội viên là doanh nghiệp, doanh nhân; chưa quy định số lượng tối đa giải thưởng mà một bộ, ngành, địa phương được tổ chức; chưa quy định thời gian để xét thành tích của doanh nghiệp, doanh nhân khi xét tặng giải thưởng; vì vậy, trong thực hiện chưa có sự thống nhất.

Xuất phát từ thực tiễn tổ chức các giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân thời gian qua và căn cứ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ nhấn mạnh: Việc xây dựng Nghị định quy định quản lý tổ chức xét tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp là cần thiết nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này trên thực tiễn, đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.

Mở rộng đối tượng được phép tổ chức xét tặng danh hiệu, giải thưởng

Hiện, dự thảo Nghị định quy định về quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp đã được Bộ Nội vụ xây dựng và đang lấy ý kiến công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ.

Một trong những nội dung mới tại dự thảo Nghị định là về đối tượng được phép tổ chức xét tặng danh hiệu, giải thưởng. Cụ thể, dự thảo Nghị định mở rộng thêm đối tượng áp dụng so với Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg là “tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn quốc có hội viên là doanh nghiệp” và “Liên minh Hợp tác xã Việt Nam”.

Về nguyên tắc xét tặng danh hiệu, giải thưởng, dự thảo Nghị định quy định các đơn vị được phép tổ chức xét tặng không quá 02 giải thưởng, danh hiệu tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp; Tên gọi, nội dung của danh hiệu, giải thưởng phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, hoạt động của cơ quan, đơn vị tổ chức theo quy định của pháp luật. Danh hiệu, giải thưởng được xét tặng theo quy định tại Nghị định không làm căn cứ để tính vào thành tích trong việc xét các hình thức khen thưởng của Nhà nước.

Về điều kiện tham dự của doanh nhân, doanh nghiệp: Dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể các điều kiện tham dự của doanh nhân và điều kiện tham dự của doanh nghiệp (không còn quy định chung như tại Quyết định 51).

Về hồ sơ, thủ tục, dự thảo Nghị định quy định chặt chẽ hơn về hồ sơ, thủ tục đề nghị xin phép tổ chức giải thưởng. Đồng thời thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tránh rườm rà mất nhiều thời gian đối với đơn vị tổ chức giải thưởng. Đối với giải thưởng phạm vi toàn quốc thì đơn vị tổ chức trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức lần đầu, những lần tổ chức tiếp theo, nếu không thay đổi về nội dung, phạm vi tên gọi thì gửi văn bản và đề án về Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương để thống nhất trước khi tổ chức.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định đã quy định rõ kinh phí tổ chức xét tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp được trích từ quỹ thi đua, khen thưởng của cơ quan, đơn vị tổ chức và đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước phù hợp với quy định của pháp luật.

Về thời gian tổ chức, Bộ Nội vụ đề xuất quy định thời gian tổ chức xét tặng danh hiệu, giải thưởng là 03 năm tổ chức một lần đối với giải thưởng phạm vi toàn quốc và 02 năm một lần đối với giải thưởng phạm vi cấp tỉnh./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực