Tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết vụ án dân sự, hành chính

Thứ ba, 26/02/2019 22:49
(ĐCSVN) - Việc xây dựng Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án có ý nghĩa quan trọng, góp phần đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, tạo ra bước đột phá về cải cách tư pháp.

Ngày 26/2, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã tổ chức Phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao.

Những năm qua, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn không ngừng tăng lên tỷ lệ thuận với quy mô tăng dân số và tăng trưởng của nền kinh tế. Cùng với những sửa đổi, bổ sung của các đạo luật mới, thẩm quyền của Tòa án được mở rộng, làm cho số lượng các vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng nhiều so với các năm trước, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp; số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng nhiều.

 

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TH.


Tòa án luôn trong tình trạng quá tải; nhiều vụ án dân sự, hành chính phải xét xử qua nhiều cấp trong nhiều năm; bản án, quyết định của Tòa có hiệu lực pháp luật nhưng chậm được thi hành đã ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Tòa án.

Với thực trạng pháp luật và tình hình giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua hòa giải, đối thoại như trên đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nghiên cứu, xây dựng một cơ chế pháp lý mới đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của người dân và xã hội.

Phát biểu tại phiên họp, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, việc nghiên cứu, xây dựng Luật hoà giải, đối thoại tại Toà án là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Dự án Luật góp phần đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, tạo ra bước đột phá về cải cách tư pháp. Đồng thời,  góp phần hàn gắn những mẫu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.

“Với Tòa án, việc đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề của Tòa án trong bối cảnh các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp”, Chánh án nhấn mạnh.

Để triển khai xây dựng Luật này đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, Ban soạn thảo cần có kế hoạch cụ thể, khoa học. Trong đó, việc phân công trách nhiệm và sự phối hợp giữa các thành viên Ban soạn thảo phải hết sức cụ thể, chặt chẽ; các công việc phải làm theo quy định của Luật Ban hành văn bản, quy phạm pháp luật cần phải được thực hiện nghiêm túc, đúng trình tự, thủ tục và đáp ứng yêu cầu về thời hạn.

Thực hiện Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, TAND tối cao đã ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và chuẩn bị dự thảo một số tài liệu của Dự án Luật.

Để xây dựng Luật này, TAND tối cao đã tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của pháp luật nước ngoài về hòa giải, đối thoại; phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, góp phần đáp ứng việc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Dự thảo Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án gồm 6 chương, 45 điều. Tại phiên họp, Ban soạn thảo thông qua Kế hoạch xây dựng dự án Luật, Quy chế hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Đồng thời, thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung quan trọng của dự thảo Luật và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, như: Về phạm vi hoà giải, đối thoại tại Toà án; về tổ chức, bộ máy của Trung tâm Hoà giải, đối thoại tại Toà án; về quyền, nghĩa vụ của Hoà giải viên, Đối thoại viên; về xử lý kết quả hoà giải, đối thoại thành; về kinh phí bảo đảm thực hiện hoạt động hoà giải, đối thoại tại Tòa án.../.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực