Thẩm phán không được nhận quà biếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ

Thứ sáu, 09/03/2018 17:52
(ĐCSVN) – Đây là một trong những quy định tại Dự thảo Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán đang được Tòa án nhân dân tối cao lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị.

Ngày 18/9/2008, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã ban hành Quyết định số 1253/2008/QĐ-TCCB ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức TAND. Theo đó, quy định những điều Thẩm phán phải làm, không được làm khi thực hiện nhiệm vụ và trong cuộc sống; quy định thái độ ứng xử của Thẩm phán với nhân dân, với các cơ quan tổ chức, với báo chí, ứng xử tại gia đình, nơi công cộng...

Tuy nhiên, bản quy tắc ứng xử này chưa đề cập được cụ thể, chi tiết và đầy đủ những chuẩn mực đạo đức cũng như những tình huống ứng xử của Thẩm phán; còn thiếu những nội dung căn bản của Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc cải cải tư pháp về sự nghiêm minh, liêm chính của Thẩm phán; căn cứ Hiến pháp và Luật Tổ chức TAND, TANDTC đã xây dựng dự thảo Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán nhằm thể hiện các giá trị đạo đức cơ bản là nền tảng của hoạt động xét xử, tư cách đạo đức và hành vi ứng xử của Thẩm phán.


Ảnh minh họa. Nguồn: nld.com.vn.


Không được sách nhiễu, trì hoãn, chậm trễ, gây khó khăn cho người tham gia tố tụng

Dự thảo Bộ Quy tắc đạo đức Thẩm phán gồm 5 chương, 21 điều quy định về phạm vi, đối tượng điều chỉnh; về những chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán; những quy tắc ứng xử của Thẩm phán; khen thưởng, kỷ luật…

Theo đó, dự thảo Bộ Quy tắc đạo đức Thẩm phán quy định 7 chuẩn mực về đạo đức của Thẩm phán và 8 quy tắc ứng xử của Thẩm phán. Trong đó, quy định Thẩm phán phải xử sự bản lĩnh, đúng mực, khoan dung, nhân ái, lịch thiệp và thận trọng khi thực hiện nhiệm vụ cũng như trong đời sống cá nhân để gìn giữ sự tin tưởng, tôn trọng của người dân và xã hội đối với Thẩm phán và Tòa án; không được làm những việc ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng, địa vị cao quý của Thẩm phán. Thẩm phán phải không ngừng học tập, nghiên cứu để nâng cao kiến thức, trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Không được sách nhiễu, trì hoãn, chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.

Khi giải quyết vụ việc, Thẩm phán không được có bất cứ phát biểu hay bình luận nào tại phiên tòa, phiên họp, trước công chúng hoặc truyền thông làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ việc một cách vô tư, khách quan.

Thẩm phán không được lợi dụng địa vị Thẩm phán của mình để thúc đẩy lợi ích của mình hoặc của người khác; không được và không cho phép các thành viên trong gia đình, cán bộ, công chức Tòa án dưới quyền quản lý của mình yêu cầu hoặc chấp nhận bất cứ món quà, khoản thừa kế, khoản vay hay quyền lợi nào khác liên quan đến bất cứ điều gì mà Thẩm phán đã làm hoặc sẽ làm hoặc cố ý không làm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán.

Không được tiếp đương sự một cách phi chính thức ngoài trụ sở Tòa án

Tại Hội thảo góp ý Dự thảo Bộ quy tắc đạo đức thẩm phán do TANDTC phối hợp với Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức ngày 8/3, các ý kiến đều cho rằng việc ban hành Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán là cần thiết, cấp bách, thể hiện được tính đạo đức và tính pháp quyền đối với Thẩm phán.

Đồng tình với nhiều quy định của dự thảo, song theo PGS.TS Phạm Duy Nghĩa – Đại học Fulbright Việt Nam lưu ý, thẩm phán cần tránh trao đổi không chính thức với các bên và luật sư của họ, các cuộc gặp cần có triệu tập công khai và tiếp tại Tòa, tuyệt đối không được tiếp đương sự một cách phi chính thức ngoài trụ sở Tòa án.

Theo PGS.TS Hoàng Thế Liên - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, trên cơ sở là Bộ quy tắc đạo đức, tính yêu cầu, hướng dẫn, khuyến nghị là chủ yếu. Đồng thời, không nên có những quy định mang tính bắt buộc mà cần đề cao tính ràng buộc bởi nghề nghiệp.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC cho rằng không giới hạn trong việc làm hay không làm một việc cụ thể.

“Nên quy định Thẩm phán không được nhận quà biếu và lợi ích khác liên quan đến địa vị của mình”, ông Độ lưu ý.

Ngoài năng lực, trình độ, Thẩm phán cần có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, dũng cảm ra phán quyết khi đúng đắn và thừa nhận sai sót nghề nghiệp của mình để tránh oan, sai, bảo vệ lẽ phải, công lý…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực