Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Thứ ba, 19/06/2018 16:35
(ĐCSVN) – Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, cần nhận diện một số khâu yếu trong công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật để có các giải pháp nâng cao chất lượng.

Ngày 19/6, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và tiêu chí đánh giá chất lượng công tác soạn thảo VBQPPL của bộ, ngành, địa phương".

Luật ban hành VBQPPL được Quốc hội  thông qua ngày 22/6/2015, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết: Thực tiễn thời gian qua đã cho thấy tính đúng đắn của các quy định trong Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và Nghị định số 34 của Chính phủ hướng dẫn Luật, góp phần nâng cao một bước chất lượng công tác xây dựng, ban hành VBQPPL ở Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: TH)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền và tự kiểm tra, bộ ngành, địa phương đã phát hiện được nhiều VBQPPL chưa thực sự tuân thủ các quy định về xây dựng và ban hành VBQPPL. Việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc ban hành văn bản trái luật chưa được thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy định, do đó làm giảm tính kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động xây dựng, ban hành VBQPPL. Kỹ năng của cán bộ tham gia công tác soạn thảo còn hạn chế, chưa được đào tạo bài bản về kỹ thuật soạn thảo.

Ngoài ra, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành trong công tác xây dựng pháp luật cũng còn yếu. Đáng chú ý, rất ít bộ, ngành xin ý kiến của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ trước khi xây dựng chính sách, dẫn đến không được đồng ý…

“Cần nhận diện một số khâu yếu để tới đây phải có được giải pháp đột phá”, Thứ trưởng lưu ý.

Theo ông Võ Văn Tuyển, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ban hành văn bản kém chất lượng, trái pháp luật là chưa có cơ chế kiểm soát trước một cách có hiệu quả đối với việc ban hành VBQPPL của bộ, ngành và của chính quyền địa phương.

Để nâng cao chất lượng VBQPPL trong thời gian tới cần tập trung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình xây dựng và thi  hành VBQPPL.Kịp thời xử lý những cơ quan, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật. Tăng cường cơ chế kiểm soát trước đối với dự án. Mở rộng sự tham gia đông đảo của xã hội, nhất là cơ quan nghiên cứu, khoa học.Tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL nhằm nâng cao chất lượng VBQPPL, khắc phục những điểm nghẽn làm giảm chất lượng dự án, dự thảo VBQPPL…

Chỉ ra, cách thức lấy ý kiến như hiện tại có thể chưa bao quát được hết các đối tượng cần lấy ý kiến, tính đại diện còn chưa thực sự bảo đảm, tài liệu sử dụng lấy ý kiến chưa thực sự thân thiện với đối tượng được lấy ý kiến, TS Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đề nghị tăng cường công tác tham vấn ý kiến các đối tượng chịu sự tác động của văn bản, từ đó, dự báo các phản ứng cần thiết, năng lực tiếp nhận quy định mới của pháp luật. Đồng thời, cần tập trung cải thiện tính dự báo của các quy định pháp luật; đề cao công tác rà soát VBQPPL trong quá trình xây dựng pháp luật.

Bà Lại Thị Thu Hà, Vụ Pháp chế, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng và thực thi VBQPPL, trong đó quan tâm đến công tác này từ công tác cán bộ đến tăng cường tự kiểm tra, thẩm định nội bộ…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực