Thúc đẩy xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động giám định tư pháp

Thứ tư, 14/03/2018 22:32
(ĐCSVN) - Đây là một trong những nhiệm vụ cụ thể được giao tại Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (GĐTP).

Một trong những nội dung đáng chú ý của Đề án là giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ vào quý IV năm 2018 Quyết định phê duyệt Đề án đẩy mạnh xã hội hóa GĐTP trong 6 lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, xây dựng và các lĩnh vực khác (cổ vật, di vật và bản quyền tác giả ) theo quy định của Luật giám định tư pháp, bảo đảm điều kiện để thực hiện xã hội hóa được các lĩnh vực này trên thực tế.

Việc Văn phòng GĐTP Sài Gòn ra đời đầu tiên vào tháng 10/2014 theo chủ trương xã hội hóa đã mở ra một hướng mới trong công tác giám định và từ đó đến nay đã góp phần tích cực giải quyết tốt nhu cầu trưng cầu GĐTP của các cơ quan tiến hành tố tụng và đáp ứng kịp thời các yêu cầu giám định của người dân thành phố trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, đến nay, mới chỉ có duy nhất Văn phòng GĐTP Sài Gòn được cấp phép hoạt động. Việc xã hội hóa công tác giám định một cách “dè dặt” đó đã gây những khó khăn nhất định.

Ảnh minh họa. Nguồn: baophapluat.vn.

Sau hơn 5 năm thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 (Đề án 258) và Luật GĐTP 2012, hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự được củng cố, cơ bản hoàn thiện; đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc có sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng; quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp có sự đổi mới thiết thực, chú trọng…

Tuy nhiên, một số nhiệm vụ, giải pháp Đề án chưa hoàn thành đầy đủ, cần tiếp tục thực hiện trong nhiều năm tiếp theo như: việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm cơ sở vật chất cho tổ chức giám định tư pháp, chính sách thu hút, tôn vinh người giám định; ban hành các văn bản hướng dẫn việc trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp... Bên cạnh đó, do yêu cầu của tình hình mới, một số nhiệm vụ, giải pháp cần tiếp tục có sự quan tâm chỉ đạo thực hiện như cơ chế tiếp nhận, tổ chức thực hiện giám định tư pháp ở các lĩnh vực không có tổ chức giám định tư pháp công lập chuyên trách; tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức giám định pháp y tâm thần; chính sách thu hút trong đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực đối với lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần; chất lượng hoạt động giám định cần tiếp tục được nâng cao; cơ chế phối hợp trong hoạt động giám định, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước cần tiếp tục được tăng cường... Vì vậy, việc ban hành Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp là yêu cầu cần thiết, khách quan.

Mục tiêu chung của Đề án là tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp nhằm tạo chuyển biến căn bản, đột phá về chất lượng và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng, phòng, chống tội phạm, tham nhũng, đồng thời tạo động lực mới thúc đẩy xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động giám định tư pháp.

Trong năm 2017, cả nước đã thực hiện được 156.864 vụ việc giám định (tăng 15,5% so với năm 2016), trong đó có 129.088 vụ việc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng (chiếm hơn 82,3% tổng số vụ việc). 
Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực