Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần làm rõ hành vi trốn thuế

Thứ tư, 24/10/2018 15:47
(ĐCSVN) – Sau khi đã chuyển nhượng 100% phần vốn góp của mình cho Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh, nhưng đến nay đã gần 2 năm, các thành viên Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại và Du lịch Vũng Tàu vẫn chưa kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.

Hợp đồng chuyển nhượng vốn của phần góp vốn của ông Nguyễn Văn Khương
cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Anh Vinh

Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại và Du lịch Vũng Tàu (sau đây gọi tắt là Công ty Vũng Tàu, có địa chỉ tại TP Vũng Tàu) được thành lập ngày 16/11/1992 với vốn điều lệ 40 tỷ đồng. Theo đó, các thành có tỉ lệ vốn góp trong công ty gồm: ông Nguyễn Văn Khương 23,5%, Nguyễn Văn Hảo 25,1%, Nguyễn Tiến Dũng 39,3%, Nguyễn Thị Thoa 6,8%, Đỗ Thị Chiên 23,5%.

Các tài sản Công ty Vũng Tàu sở hữu có 2 tài sản là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AH 568525, thửa đất số 243, diện tích 624,2 m2 tại Khu trung tâm huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Quyền sử dụng khu đất 20.000 m2 tại Cò Ông, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tháng 12/2012, Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại và Du lịch Vũng Tàu (tên công ty cũ) được tách ra làm 2 công ty gồm: Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại và Du lịch Vũng Tàu (tên công ty mới) và Công ty TNHH Sản xuất – Xây dựng – Du lịch TP.

Đến ngày 12/01/2017, tất cả 5 thành viên của Công ty Vũng Tàu (tên công ty cũ) đã ký Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ vốn góp trên cho Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh. Hai bên thỏa thuận giá chuyển nhượng là 12 tỷ đồng. Sau đó, Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh đã thanh toán 80% số tiền chuyển nhượng phần vốn góp cho 5 thành viên nêu trên. Số 20% còn lại, 02 bên thống nhất là Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh sẽ chuyển vào một tài khoản bảo đảm, sau khi cơ quan thuế phê duyệt kết quả quyết toán thuế năm 2016 của Công ty Vũng Tàu sẽ chuyển cho 05 thành viên.

Thế nhưng, từ thời điểm chuyển nhượng vốn vào ngày 12/1/2017, đến nay cả 05 thành viên vẫn chưa kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân cho Nhà nước. Ngoài ra, phía Ban lãnh đạo cũ của Công ty Vũng Tàu cũng không chịu bàn giao sổ sách, chứng từ kế toán và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo hợp đồng chuyển nhượng vốn.

Ngày 5/9, theo phản ánh của ông Trần Minh Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại và Du lịch Vũng Tàu (tên công ty mới) cho biết: “05 thành viên có vốn góp tại Công ty Vũng Tàu khi chuyển nhượng phần vốn góp của mình đã không kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân trong chuyển nhượng vốn với thuế suất 20%. Theo luật định, thời hạn nộp tờ kê khai thuế chậm nhất là ngày thứ 10, kể từ ngày ký hợp đồng chuyển nhượng vốn có hiệu lực, thế nhưng thời gian đến nay đã là gần 2 năm”.

“Đặc biệt, các thành viên góp vốn của Công ty Vũng Tàu (cũ) đã gian dối khi cam kết không nợ thuế Nhà nước. Nhưng thực tế sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng vốn góp thì chúng tôi nhận được thông báo của Chi cục thuế huyện Côn Đảo yêu cầu nộp tiền thuê đất 2,9 tỷ đồng. Trong đó, Ban lãnh đạo mới của Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại và Du lịch Vũng Tàu (tên công ty mới) đã nộp 1,6 tỷ đồng”, ông Phương cho biết.

Qua xác minh thông tin về việc kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân của 5 thành viên cũ Công ty Vũng Tàu tại Chi cục Thuế thành phố Vũng Tàu, Chi cục Thuế huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 27/9 và Chi cục Thuế huyện Côn Đảo vào ngày 2/10, phóng viên được cho biết cả 3 nơi này đều xác nhận là khi kiểm tra thông tin trên của Ngành, chưa thấy 5 thành viên của Công ty Vũng Tàu gồm các ông, bà: Nguyễn Văn Khương, Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Thị Thoa, Đỗ Thị Chiên làm thủ tục kê khai và đóng thuế thu nhập cá nhân liên quan việc chuyển nhượng phần vốn góp trên.

Thửa đất 20.000 m2 tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Luật sư Phạm Kỳ Dương, Công ty Luật XTVN, Đoàn Luật sư TP Hà Nội trao đổi về vấn đề này cho biết: Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 16 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định về việc Khai thuế đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn (trừ chuyển nhượng chứng khoán) thì cá nhân khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp khai thuế thu nhập cá nhân chậm nhất là ngày thứ 10 (mười) kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực.

Cụ thể, Luật quản lý thuế quy định, doanh nghiệp được cho là trốn thuế khi có một trong cách hành vi: Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của Luật quản lý thuế.

Trong trường hợp, không thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế nêu trên, tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị xử lý theo một trong hai hướng như sau: Thứ nhất, căn cứ Khoản 6 Điều 9 Thông tư 166/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính Quy định về xử phạt đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế so với thời hạn quy định thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như sau: “Phạt tiền 3.500.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 2.000.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định trên 90 ngày nhưng không phát sinh số thuế phải nộp hoặc trường hợp quy định tại Khoản 9 Điều 13 Thông tư này; Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp (trừ trường hợp pháp luật có quy định không phải nộp hồ sơ khai thuế)”.

Thứ hai, trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính về thuế, nếu xét thấy đối tượng vi phạm pháp luật về thuế có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Cụ thể, Điều 200 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội trốn thuế, cụ thể như sau: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật…”

Sau khi đối chiếu với Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của 05 thành viên của Công ty Vũng Tàu cho Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh từ ngày 12/1/2017 cho thấy thời gian đến nay đã gần 2 năm… Qua vụ việc nêu trên, đối chiếu với quy định của pháp luật, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác minh làm rõ hành vi có hay không việc trốn thuế của các thành viên Công ty Vũng Tàu và trường hợp nếu có cần phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật./.

Tin, ảnh: PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực