Cải thiện nuôi dưỡng trẻ nhỏ qua mô hình “Mặt trời bé thơ”

Thứ năm, 17/12/2015 15:16
(ĐCSVN) - Bằng cách trang bị cho các bà mẹ đang trong quá trình mang thai và có con nhỏ dưới 24 tháng tuổi những kiến thức khoa học về cách chăm sóc con, mô hình "Mặt trời bé thơ" trong những năm qua đã trở thành một địa chỉ tin cậy của nhiều phụ nữ đã và đang chuẩn bị làm mẹ.



Một góc phòng tư vấn "Mặt trời bé thơ" tại thành phố Đà nẵng. Ảnh: T.H.

Từ mô hình này, nhiều em bé sau khi ra đời đã được chăm sóc và nuôi dưỡng ngày càng tốt hơn, từ đó góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ và tử vong trẻ ở nước ta. Mô hình “Mặt trời bé thơ” là một trong những sáng kiến hoạt động của dự án Alive & Thrive (A&T) do Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation tài trợ và được triển khai tại Việt Nam trong vòng 6 năm (2009 – 2014); tập trung vào các dịch vụ chuẩn mực như khuyến khích và hỗ trợ cho con bú sữa mẹ hoàn toàn, quản lý cho con bú sữa mẹ hoàn toàn, khuyến khích ăn bổ sung và quản lý ăn bổ sung, qua đó góp phần cải thiện tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng. Trong quá trình thực hiện, mô hình được triển khai tại 15 tỉnh, thành trên cả nước gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắc Lắc, Đắc Nông, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Tiền Giang và Cà Mau; nhiều địa phương trong đó đã ghi nhận những cải thiện đáng kể trong cách thức nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ nhỏ.

Tại tỉnh Thanh Hóa, dự án đã thành lập 117 phòng tư vấn Mặt trời bé thơ tại 4 huyện: Cẩm Thủy, Hậu Lộc, Tĩnh Gia, Thiệu Hóa. Qua 5 năm hoạt động, phòng tư vấn “Mặt trời bé thơ” đã khám và điều trị khoảng gần 400.000 lượt trẻ với những biểu hiện của các bệnh liên quan đến dinh dưỡng. Qua kiểm nghiệm lâm sàng, tình trạng dinh dưỡng của trẻ được cải thiện tốt: tăng cân nặng, chiều cao, ăn ngon miệng, đỡ quấy đêm... sau khoảng 3 tuần áp dụng chế độ chăm sóc dinh dưỡng chuẩn và một số sản phẩm dinh dưỡng phù hợp. Năm 2014 là năm cuối thực hiện dự án, với mục đích duy trì và phát huy những thành quả đạt được trong những năm qua, Sở Y tế - Ban quản lý dự án A&T tỉnh đã tiếp tục triển khai, duy trì hoạt động của hệ thống phòng tư vấn và nhân rộng ra các địa bàn khác ngoài dự án đến năm 2015 và các năm tiếp theo với mục tiêu phủ kín toàn bộ các xã tại 4 huyện đã triển khai; huy động nguồn lực và nhân rộng mô hình ra 23 huyện/thị trong tỉnh. Riêng tại phòng tư vấn dinh dưỡng “Mặt trời bé thơ” của Trung tâm CSSKSS tỉnh, BS. Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm cho biết năm vừa qua đã khám, tư vấn cho hơn 1.200 lượt trẻ em; gần 9.000 bà mẹ tại các huyện, xã và các trường mầm non trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tại đây còn mở rộng việc cung cấp nhiều sản phẩm dinh dưỡng mới nhất trong lĩnh vực dinh dưỡng, trở thành địa chỉ tin cậy cho các bà mẹ mang thai, trẻ còi xương, suy dinh dưỡng và các bệnh lý dinh dưỡng khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tại tỉnh Thái Nguyên, tính đến năm 2014, sau gần 3 năm chính thức triển khai, dự án Alive & Thrive đã thông qua 51 phòng tư vấn dinh dưỡng “Mặt trời bé thơ” trên toàn tỉnh tổ chức truyền thông, tư vấn dinh dưỡng trẻ em cho hàng trăm nghìn lượt người; qua đó, góp phần tăng tỷ lệ bà mẹ cho con bú trong một giờ đầu sau sinh lên 50%, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ lên 60% và giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi hằng năm từ 1% đến 2%. Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: Mặc dù dự án A&T đã kết thúc vào cuối năm 2014 nhưng ngành Y tế tỉnh đã cam kết tiếp tục duy trì bền vững các phòng tư vấn dinh dưỡng hiện có, đồng thời mở rộng thêm tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh để nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm tư vấn, giúp hàng trăm nghìn phụ nữ của tỉnh Thái Nguyên an tâm cho tương lai con của mình khi chúng được bảo đảm chăm sóc dinh dưỡng ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Tại Quảng Bình, toàn tỉnh đã có hơn 61 phòng tư vấn "Mặt trời bé thơ" hoạt động ở một số trạm y tế tuyến xã. Mô hình "Mặt trời bé thơ" tại Trạm y tế Võ Ninh được đánh giá là một trong những mô hình thực hiện có hiệu quả nhất ở Quảng Bình. Trong năm 2013, trạm đã tư vấn cho hơn 1.100 lượt phụ nữ mang thai. Năm 2014 con số này đã tăng lên hơn 1.500 lượt phụ nữ đến tư vấn. Ngoài những nội dung về các kiến thức chăm sóc trẻ trong những tháng đầu sau khi sinh thì mô hình còn lồng ghép tư vấn thêm các nội dung về các bệnh thường gặp ở trẻ như viêm phổi, tiêu chảy...     

Nhờ mô hình "Mặt trời bé thơ", nhiều em bé sau khi ra đời đã được chăm sóc và nuôi dưỡng 
ngày càng tốt hơn. Ảnh: T.H.

Tại Quảng Ngãi, bà Lê Thị Hương, thư ký Dự án A&T tại Quảng Ngãi cho biết, trên địa bàn tỉnh đã có 57 phòng tư vấn “Mặt trời bé thơ” đi vào hoạt động với gần 11.000 lượt tư vấn cho các bà mẹ. Mô hình “Mặt trời bé thơ” đã góp phần đáng kể trong việc giảm tỷ lệ trẻ thấp còi, suy dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2014, tỷ lệ trẻ thấp còi từ 16,8% giảm xuống còn 10,2%; tỷ lệ trẻ nhẹ cân dưới 5 tuổi từ 13,2% giảm xuống còn 9,8%; ngoài ra, tỷ lệ trẻ bú mẹ chủ yếu trong 6 tháng đầu tăng đáng kể từ 37% lên 73%.

Tại Quảng Trị, dự án A&T được triển khai từ tháng 12/2010. Qua 5 năm hoạt động, dự án đã thành lập 30 phòng tư vấn “Mặt trời bé thơ” và 78 nhóm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại 4 huyện thuộc dự án. Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Dự án A&T Quảng Trị cho biết: Tình trạng SDD trẻ em đã giảm đáng kể và giảm bền vững qua các năm. Cụ thể, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 24 tháng tuổi từ 15,2% năm 2011 giảm còn 9,4% năm 2014. Đặc biệt, việc đưa vào hoạt động các phòng tư vấn “Mặt trời bé thơ” theo hình thức nhượng quyền xã hội đặt tại các trạm y tế xã, các trung tâm y tế, các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh với cơ sở vật chất, trang thiết bị được A&T đầu tư theo chuẩn, đội ngũ cán bộ đảm trách công tác tư vấn được đào tạo bài bản về chuyên môn và sáng tạo trong phương pháp truyền thông đã thu hút hàng ngàn lượt bà mẹ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ đến tham gia tư vấn. Từ việc nâng cao nhận thức của bà mẹ và những người nuôi trẻ, tỷ lệ trẻ được bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh tại Quảng Trị đến nay đã đạt trên 99%, tỷ lệ trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tăng từ 21% lên 49%. Có thể nói, bằng những hoạt động mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, các phòng tư vấn “Mặt trời bé thơ” nói riêng và các hoạt động của dự án A7T nói chung đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại địa phương, góp phần định hướng cho Quảng Trị có những bước đi phù hợp tiếp theo nhằm mục đích tiếp tục cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em một cách hiệu quả. Trong năm nay, Ban quản lý dự án A&T tỉnh Quảng Trị tiếp tục triển khai, duy trì hoạt động của hệ thống phòng tư vấn và nhân rộng thêm 5 phòng tư vấn Mặt trời bé thơ và 15 nhóm hỗ trợ Nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại các thôn bản của các xã vùng sâu, vùng xa.

Tại Cà Mau, theo thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh có 99.313 trẻ dưới 5 tuổi trong đó có 38.413 trẻ dưới 2 tuổi. Trong số này có 15,1% trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 26,1% trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi; cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ bị trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi. Đó thực sự những con số đáng báo động vì suy dinh dưỡng thấp còi là nguyên nhân chủ yếu làm giảm khả năng miễn dịch, sức đề kháng của cơ thể yếu, não bộ và trí lực chậm phát triển, khả năng tiếp thu kém... dẫn đến tình trạng bệnh tật khi trưởng thành, tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của xã hội. Nguyên nhân chính của tình trạng trẻ em tỉnh Cà Mau suy dinh dưỡng thể thấp còi là do việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ của các bà mẹ và gia đình không đúng cách. Đặc biệt là tình trạng nhiều bà mẹ không quan tâm đến việc nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Sau khi dự án A&T được triển khai trên địa bàn tỉnh, tính đến tháng 12/2014, đã có 30 phòng tư vấn “Mặt trời bé thơ” được thành lập trên địa bàn thành phố Cà Mau, huyện Cái Nước và Ðầm Dơi; mang lại nhiều hiệu quả, giúp nâng cao nhận thức của các bà mẹ về tầm quan trọng của sữa mẹ và lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Dự án A&T kết thúc ở Việt Nam đã kết thúc vào tháng 11 năm 2014. Thống kê cho thấy, từ năm 2000 đến năm 2014, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn đã tăng từ 19% lên 58%, tức là lên gấp 3 lần trên địa bàn có các phòng tư vấn "Mặt trời bé thơ" hoạt động, các bà mẹ cũng được tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ chất lượng cao... Theo khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, với những kết quả đạt được của mô hình phòng tư vấn “Mặt trời bé thơ” nói riêng và của dự án nói chung đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống suy dinh dưỡng ở trẻ em. Sau 5 năm triển khai, Dự án đã hỗ trợ thành lập gần 800 phòng tư vấn “Mặt trời bé thơ” tại các cơ sở y tế của 15 tỉnh trên cả nước (và mở rộng thêm 250 phòng vào cuối kỳ dự án). Riêng tại Hà Nội, đã có 121 phòng tư vấn “Mặt trời bé thơ” được thành lập trên 12 huyện, từ năm 2009 đến nay số lượng phòng tư vấn “Mặt trời bé thơ” đã tăng gấp 7 lần số lượng phòng tư vấn ban đầu, với số lượt tư vấn trung bình tại mỗi phòng là trên dưới 100 lượt/tháng.

Đến nay, thương hiệu “Mặt trời bé thơ” đã được chuyển giao cho Viện Dinh dưỡng Quốc gia tiếp quản. Kế thừa những kết quả đạt được, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lê Danh Tuyên cam kết sẽ tiếp tục duy trì bền vững và nhân rộng mô hình “Mặt trời bé thơ”, để nơi đây trở thành ngôi nhà chung của những người đang nuôi trẻ nhỏ và đảm bảo cho họ có cơ hội tiếp cận với nguồn thông tin và dịch vụ tư vấn về dinh dưỡng chất lượng cao./.

Lan Hương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực