Tiếp tục triển khai các mô hình hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em

Thứ tư, 16/12/2015 09:57
(ĐCSVN) – Để có những đánh giá sau 5 năm thực hiện Dự án mục tiêu quốc gia về CSSKSS, Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Ths. BS. Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế).

Phóng viên: Thưa Ths. BS. Đinh Anh Tuấn.
 Chúng ta đã đi được một nửa quãng đường của Chiến lược Dân số - CSSKSS mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Xin ông cho biết, hiệu quả của các can thiệp đã triển khai thời gian qua?

  

Ths. BS. Đinh Anh Tuấn
Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế
)

Ths. BS Đinh Anh Tuấn: Công tác CSSKBM-TE thời gian qua được sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước thông qua CTMTQG về CSSKSS. Chúng ta đạt được nhiều thành tựu trong công tác CSSK BMTE nói riêng, CSSKSS nói chung. Cụ thể, tỷ suất tử vong mẹ (TVM) giảm đáng kể, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990, xuống còn 135/100.000 đầu những năm 2000 và đến năm 2009, theo con số công bố chính thức của Tổng cục Thống kê năm 2009, chỉ còn 69/100.000 trẻ đẻ sống. Gần đây nhất, các tổ chức quốc tế bao gồm UNICEF, WORLD BANK, WHO, Quỹ dân số liên hợp quốc UNDP đã ước tính tỷ suất TVM của ta chỉ còn 54/100.000 trẻ đẻ sống vào 2014. Như vây, có thể nói chúng ta đã gần như đạt được mục tiêu thiên niên kỷ đã đề ra là giảm ¾ số ca TVM so với năm 1990. Đó là thành tựu rất lớn.

Thứ hai, tỷ suất tử vong trẻ em (TVTE) dưới 5 tuổi đã giảm từ mức 59‰ xuống còn 22,4‰ trẻ đẻ sống theo công bố của Tổng cục Thống kê. Như vậy, chỉ còn khoảng 3‰ nữa chúng ta sẽ đạt được mục tiêu Thiên niên kỷ (TNK) về giảm TVTE. Mặc dù chưa đạt được mục tiêu đề ra nhưng chúng ta đã tiệm cận mục tiêu.

Về tỷ suất TVTE dưới 1 tuổi, theo mục tiêu thiên niên kỷ là giảm còn 14,8‰ thì đến năm 2014, theo con số công bố chính thức của TCTK chúng ta đạt 14,9‰ và có thể nói chắc chắn rằng năm 2015 chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

Bên cạnh việc giảm TVM, tử vong so sinh (TVSS), chúng ta đạt được nhiều thành tựu trong công tác khác như tỷ lệ phụ được chăm sóc trước sinh đạt mức rất cao, trên 98%, tỷ lệ đẻ do nhân viên y tế đỡ trên 90%, tỷ lệ bà mẹ được chăm sóc sau sinh cũng đạt trên 95%.

Đối với CSSK vị thành niên, nam giới, người cao tuổi… mặc dù ngân sách rất hạn chế nhưng chúng ta cũng có những quan tâm, can thiệp bước đầu nhằm cải thiện tình hình. Các dịch vụ sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung, nam khoa, CSSSS người cao tuổi cũng được triển khai rộng rãi.

Phóng viên: Vậy chúng ta còn những hạn chế gì, thưa ông?

Ths. BS. Đinh Anh Tuấn: Bên cạnh những mặt đạt được, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác CSSK bà mẹ, trẻ em: chênh lệch vùng miền rất rõ, tỷ suất TVM, TVTE vùng DTTS-miền núi cao gấp 3-4 lần mặt bằng chung toàn quốc, thậm chí ở những vùng đặc biệt khó khăn cao gấp 5-6 lần.

TVSS vẫn còn khá cao, chiếm khoảng 70% TVTE dưới 1 tuổi và 50% trẻ em dưới 5 tuổi. Tỷ suất TVSS cao chứng tỏ công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau khi sinh còn những hạn chế nhất định.

Tỷ suất TVM, TVSS những năm qua giảm mạnh, nhưng những năm gần đây tốc độ giảm đã chậm lại. Ví dụ, giai đoạn 2006 - 2010, tỷ suất TVSS bình quân giảm 0,6‰, bình quân trong giai đoạn 2011 - 2015 chỉ giảm được 0,3‰/năm. Tỷ suất TVM, thập kỷ trước bình quân mỗi năm giảm 8-10 điểm/% những năm gần đây chỉ giảm 2 điểm% ngày. Nguyên nhân là do ta đã làm khá tốt công tác dự phòng và điều trị; đề phòng, xử lý tốt các trường hợp TVM, TVSS do đẻ tại nhà ko người đỡ, băng huyết ko xử trí, nhiễm khuẩn sau sinh, những bệnh có thể dự phòng bằng tiêm chủng. Còn lại, là những nguyên nhân khó giải quyết hơn như trẻ đẻ non, nhẹ cân, dị tật bẩm sinh… do thiếu các trang thiết bị thiết yếu, cán bộ y tế yếu chuyên môn nghiệp vụ; hay do tập quán sinh con tại nhà của một bộ phận lớn bà con dân tộc thiểu số…

Phóng viên: Xin ông cho biết các can thiệp mà Bộ Y tế sẽ triển khai trong thời gian tới?

Ths. Bs. Đinh Anh Tuấn: Để theo được các nước tiên tiến trong khu vực về công tác CSSKSS, ví dụ Thái Lan, Singapo, Malayxia, chúng ta phải tiến hành nhiều biện pháp với từng loại bệnh, với từng đặc thù vùng miền.

Ví dụ vùng sâu vùng xa, có những thôn bản cách trạm y tế xã 30 - 40km đường rừng thì bà con rất khó khăn để tiếp cận cơ sở y tế. Cán bộ y tế xuống đến nơi cũng khó khăn, vất vả. Những vùng như vậy Bộ Y tế đã triển khai mô hình cô đỡ thôn bản (người DTTS bản địa, là nữ, có ngôn ngữ, có văn hóa của đồng bào ở đó, dễ dàng tiếp cận với phụ nữ trong và sau đẻ để chăm sóc cho bà mẹ và trẻ sơ sinh). Những cô đỡ này được đào tạo rất bài bản theo chương trình 6 tháng của Bộ Y tế, được thực hành tại các bệnh viện, được trang bị đầy đủ kỹ năng để tuyên truyền bà con đi khám thai ở các cơ sở y tế. Và họ đã làm khá tốt công tác quản lý thai nghén, khám thai cho bà con, phát hiện sớm nguy cơ thai nghén. Rất nhiều trường hợp cô đỡ phát hiện nguy cơ thai sản để cứu sống cả mẹ và con.


Mặc dù bận công tác quản lý, nhưng BS Tuấn thường xuyên đưa phóng viên đến những địa phương
vùng sâu, vùng xa để tận mắt chứng kiến những khó khăn, vất vả, thiếu thốn của cán bộ y tế nơi đây. 
Ảnh: HP

Cô đỡ thôn bản góp phần giảm TVM-TVSS. Đối với những trường hợp vận động rồi mà bà con vẫn không đến trạm y tế sinh con (do phong tục tập quán, đường xá, tài chính…) thì các cô đỡ thôn bản sẽ khám thai, sử dụng gói đỡ đẻ sạch để đỡ đẻ an toàn.

Hay ở các cơ sở y tế, chúng ta có rất nhiều biện pháp để giảm tỷ lệ TVM, TVSS do những nguyên nhân còn lại. Ví dụ, Bộ Y tế đang triển khai mạnh mẽ gói can thiệp cấp cứu sản khoa toàn diện tại tuyến huyện. Theo đó, tất cả các bệnh viện tuyến huyện phải làm được các kỹ thuật sản khoa là mổ đẻ, truyền máu, hỗ trợ đẻ bằng forceps để cứu sống bà mẹ và trẻ sơ sinh kịp thời. Bộ Y tế  đã tiến hành đào tạo các kíp phẫu thuật đa khoa cho các BV đa khoa ở miền núi, ngoài ra cũng bổ sung trang thiết bị, giám sát kỹ thuật, nâng cấp cơ sở vật chất để các bệnh viện huyện đủ tự tin, năng lực để giải quyết những trường hợp tai biến sản khoa, những trường hợp đẻ khó…

Bên cạnh đó, để giảm TVSS, chúng ta đang tiến hành hỗ trợ cho các BV miền núi khó khăn thiết lập được những phòng chăm sóc sơ sinh, hay còn gọi là đơn nguyên sơ sinh (ĐNSS). ĐNSS có đủ khả năng chăm sóc điều trị các trẻ sơ sinh bệnh lý, dị tật, nhẹ cân, non tháng giúp bệnh nhi không phải chuyển tuyến với nguy cơ tử vong rất lớn. Nhiều địa phương đã làm rất tốt công tác này, qua đó cứu sống nhiều cháu sơ sinh, giảm tỷ suất TVSS.

Gần đây, Bộ Y tế đã triển khai quy trình chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu. Quy trình này thay đổi gần như hoàn toàn việc đỡ đẻ và chăm sóc sơ sinh truyền thống. Đây là phương pháp tiến bộ, giúp trẻ tránh nguy cơ mất nhiệt, nhiễm khuẩn sơ sinh, nguy cơ trẻ ko dc bú mẹ dẫn đến suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn. Ngoài ra, quy trình này giúp mẹ co hồi tử cung, giảm băng huyết, sau đẻ, sớm bình phục, tăng cường tình cảm giữa mẹ và con. Phương pháp này đã được triển khai ở một số tỉnh, thành cả nước và được đánh giá rất tốt. Dự kiến đến năm 2020, tất cả các bệnh viện trên cả nước sẽ áp dụng phương pháp mới này.

 Thanh Nhàn

Ths. BS Đinh Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực