Bệnh viên đa khoa Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2020 thực hiện được 100% kỹ thuật theo phân tuyến

Thứ năm, 08/12/2016 16:20

(ĐCSVN) - Theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020 - định hướng đến năm 2030, ngành y tế tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2020, bệnh viên đa khoa tỉnh thực hiện được 100% kỹ thuật theo phân tuyến, 30% kỹ thuật của tuyến Trung ương.

Ảnh minh họa (Ảnh: ĐT)

Trong những năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp y tế của tỉnh Vĩnh Phúc đã được quan tâm; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân và tăng cường nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hệ thống tổ chức, mạng lưới y tế được củng cố, cơ sở vật chất thường xuyên được quan tâm đầu tư; nguồn nhân lực được bổ sung về số lượng và chất lượng, chất lượng dân số đạt kết quả nhất định. Bên cạnh đó, lĩnh vực y tế dự phòng có nhiều tiến bộ, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh; các dịch vụ y tế ngày càng đa dạng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác y tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập so với yêu cầu hiện nay. Cơ sở vật chất các bệnh viện lớn của tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ theo tiêu chuẩn tiên tiến, hiện đại; trang thiết bị y tế còn thiếu. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa còn ở mức thấp; năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc còn hạn chế, thiếu người có trình độ, kinh nghiệm, tay nghề cao ở các lĩnh vực chuyên môn và các tuyến.

Cùng với đó, chất lượng khám chữa bệnh tại tỉnh chưa cao, tỷ lệ kỹ thuật thực hiện theo phân tuyến thấp, chưa kết nối hiệu quả với tuyến Trung ương để khám, chữa bệnh tại tỉnh. Tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến tỉnh chậm được khắc phục, chưa khai thác hết thế mạnh của từng bệnh viện. Nhìn chung, so với sự phát triển của tỉnh trong gần 20 năm qua và nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, sự nghiệp y tế của tỉnh phát triển còn chậm; lĩnh vực khám chữa bệnh đang ở mức thấp hơn các tỉnh lân cận, chưa tương xứng với sự phát triển của tỉnh.

Nguyên nhân chủ yếu do đầu tư ngân sách nhà nước cho cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị y tế của tỉnh vẫn còn hạn chế; chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kỹ thuật và công tác phòng bệnh, chữa bệnh. Cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế còn bất cập; mô hình tổ chức hệ thống y tế địa phương, nhất là ở tuyến cơ sở trong nhiều năm không ổn định.

Thực tiễn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh trong những năm qua và yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới cần sự bứt phá mạnh về chất lượng dân số. Do đó, đòi hỏi ngành y tế của tỉnh cần đổi mới toàn diện để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân và sự phát triển của tỉnh.

Theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020 - định hướng đến năm 2030, ngành y tế của tỉnh phấn đấu, mục tiêu phấn đấu đối với Bệnh viên đa khoa tỉnh, đến năm 2020 thực hiện được 100% kỹ thuật theo phân tuyến, 30% kỹ thuật của tuyến Trung ương; đến năm 2025 thực hiện được 50% kỹ thuật tuyến Trung ương, đến năm 2030 thực hiện được 60% kỹ thuật tuyến Trung ương, đáp ứng tiêu chuẩn của bệnh viện vùng. Các bệnh viện tuyến tỉnh còn lại, đến năm 2020 thực hiện được trên 90% kỹ thuật theo phân tuyến và trên 10% kỹ thuật của tuyến trên. Với tuyến huyện, đến năm 2020 thực hiện được trên 80% kỹ thuật theo phân tuyến, trên 10% kỹ thuật của tuyến trên.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 35 giường bệnh vào năm 2020; đạt 40 giường bệnh vào năm 2025 và 45 giường bệnh vào năm 2030.Trong đó, giường bệnh ngoài công lập đạt 3 giường bệnh vào năm 2020, 6 giường bệnh vào năm 2025 và 10 giường bệnh vào năm 2030. Tỷ lệ bác sỹ trên 1 vạn dân đạt 13 vào năm 2020, đạt 15 vào năm 2025 và 18 vào năm 2030; tỷ lệ dược sỹ đại học trên 1 vạn dân đạt 2,5 năm 2020; đạt 2,7 vào năm 2025 và 3 vào năm 2030.

Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, ngành y tế tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ và thiết thực. Trong đó, xây dựng và thực hiện tốt Đề án phát triển sự nghiệp y tế của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các quy hoạch, chiến lược, định hướng của Chính phủ, Bộ Y tế; xu thế phát triển hội nhập quốc tế và định hướng phát triển của tỉnh.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới y tế dự phòng từ tuyến tỉnh đến cơ sở theo hướng tập trung, tinh gọn đầu mối, quy định rõ chức năng nhiệm vụ, đủ năng lực kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra. Kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả các mô hình bệnh tật từ môi trường, nghề nghiệp. Phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở, nâng cao toàn diện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến. Tăng cường phát triển kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực hoạt động của các bệnh viện, nhất là tuyến tỉnh. Phát triển hợp lý y tế phổ cập, kết hợp với phát triển y tế chuyên sâu, bệnh viện chuyên khoa; phát triển hệ thống khám, chữa bệnh ngoài công lập, mạng lưới vận chuyển cấp cứu tại một số bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện khu vực, đảm bảo cho mọi người dân được tiếp cận đầy đủ, thuận lợi với các dịch vụ khám chữa bệnh, giảm tối đa tình trạng quá tải ở một số cơ sở y tế.

Song song với đó, triển khai thực hiện hiệu quả chính sách quốc gia về y dược cổ truyền, phát triển lĩnh vực y dược cổ truyền với tiềm năng, lợi thế của tỉnh về nguồn dược liệu. Quy hoạch vùng trồng cây thuốc, dược liệu có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh; đồng thời phát triển công nghệ sau thu hoạch, bào chế, sản xuất thuốc, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu phù hợp trong các lĩnh vực chuyên khoa và các tuyến; bảo đảm tỷ lệ bác sỹ, dược sỹ trên vạn dân, tỷ lệ giữa bác sỹ và điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên theo lộ trình. Chú trọng phát triển nhân lực y tế có trình độ cao, tay nghề giỏi để có những chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên khoa và các tuyến. Quan tâm, đào tạo cán bộ y tế tuyến xã, bác sỹ gia đình, đào tạo đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp (cả về văn bằng và tay nghề) cho đối tượng điều dưỡng, hộ sinh, dược sỹ trung cấp./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực