Các thành tựu của Cục An tòan thực phẩm

Thứ hai, 12/12/2016 16:20
(ĐCSVN) - Bảo vệ sức khỏe nhân dân là một trong những lĩnh vực cơ bản của việc hình thành và phát triển con người, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội, nhân văn sâu sắc và là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Theo phương châm đó, ngày 4/2/1999 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 14/1999/QĐ-TTg về việc thành lập Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (Nay là Cục An toàn thực phẩm) thuộc Bộ Y tế với chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Đây là văn bản pháp quy sớm nhất điều chỉnh về an toàn thực phẩm, có ý nghĩa lớn trong việc huy động tất cả các cấp, các ngành cùng toàn thể xã hội quan tâm đến an toàn thực phẩm. 

Ảnh minh họa (Nguồn: V.H)

Chỉ sau 4 năm thành lập, năm 2003 Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã tham mưu cho Quốc hội thông qua Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các văn bản hướng dẫn về ATTP được ban hành. Bước sang những năm đầu của thế kỷ XXI, xu thế “mở cửa” toàn cầu hóa đã làm thay đổi cơ bản tình hình sản xuất kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Đó vừa là cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý ATTP. Chính vì vậy Cục đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ và trình các cấp có thẩm quyền ban hành Luật an toàn thực phẩm 2010 và hệ thống văn bản hướng dẫn Luật như Nghị định số 38 /2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATTP, Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030, các văn bản dưới Luật... Đây là bộ công cụ pháp lý hoàn chỉnh để quản lý, kiểm soát về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. 

An toàn thực phẩm ở quốc gia nào cũng liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau, đặc biệt là ở Việt Nam với nền kinh tế có quy mô nhỏ, lẻ, đang phát triển lại càng khó khăn. Để chỉ đạo và thực hiện được tập trung, thống nhất giữa các bộ ngành, Cục đã chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Bộ và trình các cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định số 79/2008/NĐ-CP quy định về hệ thống tổ chức quản lý, thanh kiểm tra và kiểm nghiệm VSATTP. Nghị định này là cơ sở pháp lý quan trọng giúp thành lập hệ thống Chi cục ATVSTP tại 63 tỉnh/thành phố trực thuộc TW, thống nhất hệ thống kiểm nghiệm ATTP từ TW và khu vực và hình thành thanh tra chuyên ngành ATTP. Cho tới nay hệ thống kiểm nghiệm bước đầu đã đáp ứng được hoạt động kiểm nghiệm phục vụ công tác quản lý với  Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia - là cơ quan trọng tài trong lĩnh vực kiểm nghiệm ATTP, 3 trung tâm kiểm nghiệm khu vực, 14 cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu và phòng kiểm nghiệm thuộc 63 trung tâm y tế dự phòng các tỉnh/thành phố. Đến nay, 45/63 tỉnh/thành phố có phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO/IEC 17025. 

Trong quá trình phát triển của toàn đất nước nói chung và ATTP nói riêng đòi hỏi cấp độ quản lý nhà nước về ATTP ngày càng nâng cao. Cục ATTP luôn quan tâm, đổi mới, cải tiến các phương thức quản lý hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Cục ATTP là đơn vị đầu tiên của Bộ Y tế thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính thực hiện tại Cục và đang nhanh chóng triển khai dịch vụ này tới các địa phương. Đây là một bước quan trọng để thực hiện chính phủ điện tử, nhằm đơn giản và minh bạch hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển. Ngoài ra việc kết nối một cửa Quốc gia cũng được Cục ATTP quan tâm và thực hiện thí điểm đầu tiên giúp việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu được nhanh chóng, thuận tiện và hội nhập quốc tế.Đây chính là những biện pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 28 tháng 04 năm 2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016-2017 và định hướng đến năm 2020. 

Lễ công bố dịch vụ công cấp độ 4 cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP 

Song song với việc áp dụng các biện pháp quản lý ATTP,  Cục đã góp phần tích cực vào việc đào tạo nhân lực cho hệ thống quản lý ATTP ở Việt Nam. Cục ATTP đã phối hợp với một số trường Đại học Y xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Dự án “Đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành ATTP trong ngành y tế Việt Nam giai đoạn 2010-2015” để thông qua các chương trình đào tạo liên tục, đào tạo chuyên ngành giúp nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng về quản lý ATTP của đội ngũ cán bộ các địa phương từ tuyến tỉnh đến xã phường. Kết quả qua 5 năm triển khai dự án, đã đào tạo và cấp 1.253 Chứng chỉ quản lý ATTP của các địa phương; Đã tổ chức các khóa đào tạo/tập huấn cho các cán bộ phòng kiểm nghiệm 63 tỉnh/thành phố về kỹ thuật lấy mẫu, kiến thức về ISO 17025:2005, phương pháp kiểm nghiệm ATTP. 

Trải qua 17 năm hình thành và phát triển, Cục An toàn thực phẩm đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Năm 2014, Cục ATTP đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước tặng thưởng.

A.N
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực