Hậu Giang tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Thứ hai, 07/12/2015 15:10
(ĐCSVN) - Trong 5 năm qua ngành Y tế Hậu Giang đã từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng những nhu cầu cơ bản về chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới.

Ảnh minh họa (Ảnh:K.S)

Theo Sở Y tế Hậu Giang, đến nay các cơ sở khám chữa bệnh được đầu tư khang trang và từng bước hiện đại từ tỉnh đến xã, toàn tỉnh đã có 7/10 bệnh viện được xây dựng mới và đưa vào hoạt động, trong đó có 05 bệnh viện tuyến huyện, thị xã, 01 bệnh viện tỉnh và 01 bệnh viện chuyên khoa đầu ngành; có 47/76 trạm Y tế được nâng cấp, xây dựng mới; nhiều trang thiết bị kỹ thuật hiện đại được triển khai như máy X quang kỹ thuật số, nội soi, siêu âm màu, CT Scanner, AMRI... giúp công tác chuẩn đoán bệnh ngày càng chính xác và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, mạng lưới y tế được tổ chức hoàn thiện từ tuyến tỉnh đến cơ sở, hiện có 2 thị xã và 2 huyện thí điểm mô hình Trung tâm Y tế huyện mới. Nguồn nhân lực y tế được bổ sung số lượng và chất lượng, đã đạt 6,1 bác sĩ/ 1 vạn dân và 1,7 dược sĩ đại học/ vạn dân, có 79% trạm Y tế xã có bác sĩ và nhiều cán bộ y tế được đào tạo chuyên khoa I, chuyên khoa II, chuyên ngành Nội - Ngoại - Sản - Nhi, Y học gia đình...; mỗi năm có trên 2,2 triệu lượt bệnh nhân đến khám bệnh, trong đó có 105.000 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Toàn tỉnh có 1.990 giường bệnh, công suất sử dụng giường bệnh bình quân tăng từ 85% (năm 2010) lên > 95% (năm 2014). Tỷ lệ chuyển viện giảm từ 6,5% (năm 2010) xuống còn 3,2% (2014), góp phần giảm sự quá tải bệnh viện tuyến trên và giảm chi phí khám chữa bệnh cho người bệnh và gia đình.

Song so với yêu cầu thực tế của người dân về cung cấp dịch vụ y tế hiện nay vẫn còn những hạn chế, yếu kém nhất định như: trình độ, năng lực cán bộ ở các tuyến chưa đồng đều, thiếu cán bộ nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu, đầu ngành nên chưa triển khai đầy đủ được các chuyên khoa theo phân hạng bệnh viện, các kỹ thuật y tế triển khai theo phân tuyến với số lượng chưa đạt và chất lượng chưa cao; thủ tục hành chính về khám chữa bệnh còn phức tạp; tình trạng sử dụng thuốc chưa đúng phác đồ, điều trị còn bao dây, lạm dụng xét nghiệm, cận lâm sàng vẫn còn diễn ra, hiệu quả điều trị không cao; tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của một bộ phận cán bộ y tế ở các bệnh viện còn để người dân phải kêu ca phàn nàn, nên người bệnh có khuynh hướng xin chuyển lên tuyến trên để điều trị.

 Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong thời gian tới, ngành Y tế Hậu Giang xác định: "Coi người bệnh là trọng tâm, trung tâm trong các hoạt động chăm sóc và điều trị". Ngành Y tế Hậu Giang đã đặt ra một số nhiệm vụ cụ thể.

 Thứ nhất: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực y tế nhằm nâng cao nhận thức, thực hành y đức, tuy tắc ứng xử, đổi mới tư duy trong công tác khám chữa bệnh.

 Thứ hai: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khám chữa bệnh: tiếp tục thực hiện Đề án kết cấu hạ tầng, Đề án bệnh viện vệ sinh, Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm toàn dân... Quản lý chất lượng bệnh viện với quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm; xác định việc bảo đảm và cải tiến chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các bệnh viện được tiến hành thường xuyên, liên tục và ổn định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra những Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bệnh viện; việc thực hiện Quyết định số 1313/QĐ-BYT của Bộ Y tế về quy trình khám chữa bệnh tại bệnh viện... 

Thứ ba: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống y tế của các huyện còn lại theo Quyết định số 896/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án thành lập TTYT huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh nhằm tập trung nguồn lực, đặc biệt là bác sĩ, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Đồng thời huy động mọi nguồn lực đầu tư để hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng khoa học, hiện đại tại các bệnh viện tuyến tỉnh và phổ cập tại tuyến y tế cơ sở để cung cấp các dịch vụ y tế đảm bảo chất lượng phục vụ người bệnh.

Thứ tư: Tiếp tục đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế "vừa hồng vừa chuyên", ưu tiên đào tạo theo địa chỉ sử dụng cho các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và khó thu hút. Phân bổ nguồn lực hợp lý, đảm bảo nguồn nhân lực đủ số lượng và chất lượng cao, chú trọng phát triển nhân lực y tế theo các chuyên khoa sâu, các chuyên ngành hiếm để triển khai đầy đủ các chuyên khoa theo phân hạng bệnh viện và các kỹ thuật y tế theo phân tuyến đảm bảo đủ số lượng và có chất lượng cao. Đồng thời thực hiện hiệu quả Đề án 1816, các chính sách thu hút cán bộ y tế có chuyên môn giỏi để xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Y tế có chất lượng. Phấn đấu đến năm 2020 có 08 bác sĩ/ vạn dân và có 02 dược sĩ đại học/ vạn dân.

Thứ năm: Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, phát huy vai trò người đứng đầu để phát triển đơn vị khám, chữa bệnh, tăng tính chủ động, tính sáng tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về khám chữa bệnh, thông qua các hình thức đào tạo ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp, mạnh dạn luân chuyển, điều động những cán bộ chủ chốt chưa đủ năng lực, trình độ quản lý, phẩm chất đạo đức, những đơn vị không phát triển, thiếu tín nhiệm trong ngành, mất lòng tin trong nhân dân.

Thứ sáu: Tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình cải tiến chất lượng bệnh viện theo 83 tiêu chí trong Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện; xây dựng thương hiệu bệnh viện, nâng cao tính chuyên nghiệp, phong cách, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh một cách toàn diện, mỗi cán bộ y tế phải xem người bệnh là trung tâm, là khách hàng, phải tận tâm chăm sóc và khám chữa bệnh; ứng dụng khoa học công nghệ trong khám chữa bệnh và quản lý bệnh viện nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ khám bệnh, giảm nguy cơ sai sót. ..

 

Minh Phương

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực