Nỗ lực đẩy lùi sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người có HIV

Thứ ba, 04/12/2018 10:30
(ĐCSVN) – Một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ phát hiện người nhiễm HIV mới cũng như tỷ lệ tham gia điều trị ARV còn thấp đó là việc còn tồn tại sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người có HIV. Đây chính là một rào cản làm cho những người có nguy cơ cao, những người có HIV lẩn tránh và không tiếp cận dịch vụ xét nghiệm và điều trị.
Ảnh minh họa (Ảnh: T.T)

Sở dĩ vẫn còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người có HIV do hiện nay một số địa phương chưa huy động được cộng đồng, xã hội tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS. Kinh phí cho thông tin giáo dục và truyền thông phòng, chống HIV/AIDS còn thấp. Nguồn nhân lực, trang thiết bị còn thiếu và hạn chế. Trước đây, tại các Trung tâm y tế (TTYT) quận, huyện có cả một phòng truyền thông giáo dục sức khỏe, nhưng hiện nay theo Thông tư 37/2016/TT-BYT của Bộ Y tế, phòng truyền thông giáo dục sức khỏe đã được sáp nhập vào phòng kế hoạch nghiệp vụ hoặc phòng tổ chức - hành chính. Chính vì vậy, các hoạt động truyền thông tại cơ sở chưa được duy trì thường xuyên mà mới chỉ tập trung trong các chiến dịch.

Bên cạnh đó, các nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ các nguồn tài trợ đã bị cắt giảm, nguồn ngân sách trong nước gặp nhiều khó khăn. Trước đây 80-90% nguồn thuốc ARV cung cấp để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm HIV tại Việt Nam là do nguồn viện trợ từ nước ngoài, tuy nhiên nguồn viện trợ này hiện đã bị cắt giảm. Từ năm 2019, việc xét nghiệm và điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV sẽ chuyển từ miễn phí sang hình thức thanh toán qua bảo hiểm y tế. Đây là thách thức lớn trong việc duy trì, ổn định điều trị cho bệnh nhân.

Thực hiện cam kết cuả Chính phủ, ngày 18/06/2018, Ban chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phòng chống HIV/AIDS thành phố Hà Nội (Ban chỉ đạo 138 Thành phố) đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mục tiêu cụ thể là 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân, 90% số người này được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế.

Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của Tuyên bố Chính trị tại Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về HIV/AIDS (tháng 6/2016), nhằm kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030: “Dồn tổng lực cho phòng, chống AIDS” trong 5 năm tới để đạt được “Mục tiêu 90-90-90” vào năm 2020. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương đã hưởng ứng Mục tiêu 90-90-90 của Liên hợp quốc từ năm 2014.

Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo 138 Thành phố, đến năm 2020 toàn thành phố dự kiến sẽ có trên 27.000 người nhiễm HIV. Theo đó, để đạt được mục tiêu 90-90-90 thành phố cần phải xét nghiệm khẳng định xác định tình trạng nhiễm HIV cho 24.418 người, điều trị ARV cho 21.980 người trong số này và 19.780 người được điều trị ARV đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế.

Đến thời điểm hiện nay, thành phố Hà Nội đã đạt được mục tiêu 90 thứ ba, đó là 94% người được điều trị ARV đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Trong khi đó mục tiêu 90 thứ nhất mới chỉ đạt 71%, mục tiêu 90 thứ hai mới chỉ đạt 55,9%. Để thực hiện thành công cam kết của Chính phủ cũng như kế hoạch của thành phố, những khó khăn và thách thức trong công tác phòng chống HIV/AIDS của Hà Nội thực sự còn rất lớn.

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, tính đến 31/10/2018, số người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống của thành phố Hà Nội là 20.666 người, chiếm khoảng 10% tổng số người nhiễm HIV/AIDS của cả nước và là tỉnh thành có số người nhiễm cao thứ 2 trong toàn quốc. Tất cả các quận, huyện của thành phố Hà Nội đều có người nhiễm HIV, 577/584 xã, phường, thị trấn đã phát hiện người nhiễm HIV (94,9%). Với tình hình nhiễm HIV như trên, cộng với đặc điểm dân cư đông, có nhiều di biến động khiến cho công tác giám sát, phát hiện gặp nhiều khó khăn, đối tượng nhiễm HIV khó kiểm soát. So với dự kiến, hiện vẫn còn tới 30% người có HIV vẫn chưa biết tình trạng mình bị nhiễm bệnh. Trong khi đó, nhiều người được chẩn đoán có HIV nhưng vẫn chưa tham gia điều trị ARV, hoặc đã tham gia điều trị nhưng bỏ điều trị, như vậy vô tình họ sẽ là nguồn lây cho cộng đồng.

Tuy nhiên, để đẩy lùi đại dịch AIDS, thời gian tới cần có sự thay đổi căn bản trong công tác truyền thông, theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Đối với cộng đồng dân cư, cần nâng cao nhận thức cho người dân nhằm chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Tuyên truyền để người dân hiểu rõ hiệu quả của việc điều trị ARV là hết sức to lớn. Những người được điều trị ARV sớm và liên tục sẽ có tải lượng vi rút trong máu thấp dưới ngưỡng ức chế và khi đó họ sẽ có cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh và hữu ích, sẽ gần như không có nguy cơ lây truyền. Đối với các nhóm nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, gái mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới, phạm nhân trong trung tâm giáo dục lao động xã hội cần được tuyên truyền để họ hiểu rõ về nguy cơ lây nhiễm HIV; sử dụng các dịch vụ giảm tác hại như bao cao su, bơm kim tiêm; tiếp cận xét nghiệm sớm; giảm mặc cảm. Đối với những người đã bị nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS cần phải được tuyên truyền để họ mua thẻ bảo hiểm y tế và sẵn sàng tham gia điều trị ARV một cách thường xuyên, liên tục.

Với kinh nghiệm và thành tựu đã đạt được, với sự cam kết của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các ban, ngành, đoàn thể, Hà Nội nhất định sẽ thành công trong nỗ lực thực hiện mục tiêu 90-90-90 và tiến tới chấm dứt đại dịch AIDS.

N.Y
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực