Cần nâng cao chất lượng sức khoẻ người dân nông thôn

Thứ hai, 30/09/2019 11:18
(ĐCSVN) - Những năm qua hệ thống y tế cơ sở, trong đó y tế xã đóng vai trò nòng cốt, đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện các chỉ số sức khoẻ, tăng cường tiếp cận của người dân tới dịch vụ y tế chất lượng với chi phí hợp lý, góp phần tăng cường và hướng tới bao phủ sức khoẻ toàn dân.

 

Nhiều trạm y tế cơ sở bị hạn chế chức năng do thiếu bác sĩ và các trang thiết bị (Nguồn: vov.vn)


Theo Bộ Y tế, đến năm 2018 đã có 9.821 trạm y tế (TYT) xã (trên 80% số trạm) đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT. Hiện nay, có khoảng trên 85 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 89,6% dân số, trong đó 80% người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại tuyến YTCS (tuyến huyện là 47%, tuyến xã là 33%). Số lượt KCB BHYT tại YTCS đạt khoảng y0% (xã khoảng 20%, huyện khoảng 50%).

Việc thực hiện Chuẩn Quốc gia về y tế xã đã nhận được sự quan tâm của Đảng và chính quyền các địa phương trong cả nước. Tất cả các địa phương đều đưa các tiêu chí của Chuẩn Quốc gia về y tế xã vào trong các Nghị quyết của Chi bộ, Đảng bộ các cấp, trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của chính quyền, giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến xã đạt hiệu quả hơn. Nhờ thực hiện tốt Chuẩn Quốc gia mà nguồn lực cho y tế cơ sở được nâng cao, tạo bước đột phá trong huy động đầu tư cho y tế xã. Các địa phương đã sử dụng hợp lý ngân sách Nhà nước với nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp, viện trợ nước ngoài giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở. Trạm y tế xã được đầu tư nâng cấp, cung cấp thêm các trang thiết bị y tế, cán bộ, bác sỹ được liên tục tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Chuẩn Quốc gia được triển khai tốt tại cơ sở giúp người dân tin tưởng và đến khám, chữa bệnh ban đầu tại TYT xã giúp giảm tải bệnh viện tuyến trên đồng thời giảm chi phí y tế cho người dân.

Tuy nhiên, hệ thống y tế nói chung, vùng nông thôn nói riêng, đang phải đối mặt với những thay đổi rất nhanh chóng về mô hình bệnh tật và tử vong, với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm bên cạnh các bệnh lây nhiễm truyền thống, về dân số học (tốc độ già hóa dân số rất nhanh)… Điều  này có nghĩa mô hình cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ truyền thống đã không còn đáp ứng yêu cầu thực tế và hệ thống y tế buộc phải học cách thích ứng thông qua việc chuyển đổi sang mô hình cung ứng dịch vụ CSSKBĐ mới theo hướng chăm sóc lồng ghép, toàn diện, chăm sóc suốt đời và lấy người sử dụng dịch vụ y tế làm trung tâm. Quá trình chuyển đổi mô hình cung ứng dịch vụ đòi hỏi sự đổi mới của hệ thống CSSKBĐ, với các đòi hỏi mang tính tiên quyết về nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, phát triển nhân lực y tế, đổi mới cơ chế tài chính, cải thiện năng lực quản trị và hệ thống thông tin y tế. Quá trình này, do vậy, đặc biệt trở nên thách thức đối với khu vực nông thôn, miền núi, khu vực khó khăn, nơi các yếu tố nền tảng của hệ thống CSSKBĐ (hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, năng lực quản trị…) đều ở mức rất thấp hơn so với vùng thành thị.

Đến nay mạng lưới YTCS vẫn đang phải đối mặt với tình trạng xuống cấp cơ sở vật chất, trong khi đầu tư cho cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Cả nước có khoảng 11.000 xã thì có gần 3.200 TYT xã cần được xây mới và 3.597 TYT xã cần được nâng cấp, sửa chữa. Hệ thống trang thiết bị cho tuyến xã cần bổ sung, thay mới để có thể đáp ứng tốt hơn với những yêu cầu của nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ trong giai đoạn mới.

Mặc dù được người dân sử dụng các dịch vụ tại trạm y tế xã nhiều hơn ở các khu vực nông thôn, vùng khó khăn của đất nước, các trạm y tế xã chưa được trang bị đầy đủ hoặc có đủ năng lực để đối phó với gánh nặng bệnh tật, trong khi các cơ chế tài chính trong y tế lại không có tác dụng khuyến khích tính hiệu quả và chăm sóc sức khỏe phối hợp. Rất nhiều xã còn chưa được trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng cơ bản, trang thiết bị và năng lực. Năng lực phòng ngừa, phát hiện và quản lý các bệnh không lây nhiễm mãn tính, xác định rủi ro thai kỳ trong quá trình chăm sóc trước sinh, ứng phó và vận chuyển kịp thời trong trường hợp khẩn cấp, ví dụ đối với sản phụ, còn yếu kém.

Về cơ sở hạ tầng và bố trí các phòng chức năng, việc bố trí riêng các phòng khám (thông thường, BHYT, bác sỹ gia đình) chưa hợp lý theo nguyên lý y học gia đình. Các phòng sắp xếp chưa tạo liên hoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh. Phòng khám chưa được ưu tiên bố trí phòng rộng nhất để người dân dễ tiếp cận, chưa có phòng cho hoạt động tiêm chủng (gồm phòng chờ, phòng tiêm, phòng chờ sau tiêm chủng). Nhiều TYT xã hiện còn thiếu góc truyền thông.

Ngay cả đối với nhiều TYT xã đã được xây dựng và cải tạo có diện tích, số phòng xây dựng khá rộng rãi khang trang sạch sẽ, phần thiết kế công năng sử dụng còn chưa hợp lý ở từng khu/phòng cung cấp dịch vụ như khám chữa bệnh, sản khoa, y dược cổ truyền, góc truyền thông, cần cải tạo sắp xếp lại để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân khi đến trạm cũng như tính chuẩn mực, nguyên tắc, hợp lý trong cung cấp từng loại hoạt động, dịch vụ y tế ở TYT xã.

Bên cạnh danh mục còn thiếu, nhiều trang thiết bị đã cũ, hỏng không sử dụng được. Tại nhiều TYT, giường, tủ, quầy thuốc tuy có nhưng đã cũ chưa đáp ứng, cần mua bổ sung thay thế cho đồng bộ. Trang thiết bị thiết yếu đã có nhưng cần bổ sung thay thế một số đã kém chất lượng, hỏng. Về trang thiết bị truyền thông, đa phần thiếu tivi, máy và màn chiếu cho truyền thông giáo dục sức khoẻ hoặc đã cũ cần thay thế. Nhiều nơi, trang thiết bị phục vụ khám thai, khám phụ khoa, cân trẻ… đã cũ, nhiều trang thiết bị han rỉ không sử dụng được.

Mục tiêu chăm sóc sức khỏe người dân giai đoạn tới là “toàn diện, liên tục” tại tuyến y tế cơ sở - tức là người dân sẽ được khám chữa bệnh và dự phòng các bệnh truyền nhiễm, các bệnh không lây nhiễm ngay tại các trạm y tế. Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra một số chỉ tiêu quan trọng là phấn đấu đến năm 2025 có trên 90% dân số được quản lý sức khoẻ; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm; trên 95% dân số được quản lý sức khoẻ; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm đến năm 2030.

Nhằm đạt được các mục tiêu này, nhiều giải pháp cần được thực hiện đồng bộ và toàn diện. Điều này có nghĩa là các giải pháp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phải thực hiện đồng thời với các giải pháp về nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực, cải thiện cơ chế tài chính, tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ tại tuyến xã….

 

Đ.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực