“Blu trắng” thầm lặng giữa biển khơi

Thứ ba, 23/07/2019 11:57
(ĐCSVN) -“Đối với bà con ngư dân chúng tôi, các bác sĩ, y sĩ ở Trường Sa và Nhà giàn DK1 là những “mẹ hiền”. Bởi rất nhiều người, trong đó có tôi nếu không có sự trợ giúp kịp thời của những người mang áo “Blu trắng” giữa biển khơi thì tính mạng khó có thể bảo toàn”.

Các y, bác sĩ Bệnh xá đảo Phan Vinh A thăm khám cho bệnh nhân .

Đó là lời tâm sự của ông Nguyễn Thanh Trung, ngư dân quê ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi điều trị tại bệnh xá đảo Phan Vinh A mà chúng tôi có dịp gặp trong chuyến công tác tại quân đảo Trường Sa mới đây.

Trong câu chuyện với chúng tôi, về ơn cứu mạng của các y, bác sỹ đảo Phan Vinh A, ông Trung nghẹn ngào kể Lại: Đêm 21/5/2019, đang đánh cá cách đảo Phan Vinh A gần chục hải lý, bỗng ông lên cơn đau bụng dữ dội. Mọi người thấy ông mồ hôi ướt đẫm cả vạt áo, miệng mím chặt, liền đưa ông vào đảo Phan Vinh A cấp cứu.Tại đây, bác sĩ đảo Phan Vinh A chẩn đoán bệnh nhân bị viên ruột thừa cấp. Trong giây lát, ông được các bác sĩ, trực tiếp là Thiếu tá, bác sỹ Lê Xuân Vương, Bệnh xá trưởng tiến hành mổ cấp cứu. Theo các bác sĩ, nếu không được mổ kịp thời thì nguy cơ ruột thừa bị vỡ rất cao và đe dọa đến tính mạng.

Không chỉ ở đảo Phan Vinh A mà đi đến các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, chúng tôi nghe và chứng kiến những việc làm thầm lặng nhưng đầy nghĩa cử của các thầy thuốc quân y đối với bà con ngư dân. Thăm đảo Nam Yết, gặp tàu đánh cá cũng vào cập cảng, qua trò chuyện với chủ tàu, ông Phạm Văn Minh quê ở huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận cho chúng tôi biết, cách đây gần một năm con trai ông bị tai nạn được các bác sỹ đảo Nam Yết cấp cứu. Từ đó đến nay, gia đình ông coi các bác sỹ đảo Nam Yết là ân nhân của mình, nên mỗi dịp đánh cá gần đảo ông đều vào thăm cán bộ, chiến sĩ và các bác sỹ đơn vị. Và còn rất nhiều ngư dân trở về từ cõi chết cũng nhờ sự tận tụy cứu chữa của những người mang áo blu trắng giữa biển khơi.

Chúng tôi được biết, các trường hợp đưa vào đảo cấp cứu, chủ yếu là viêm ruột thừa, bí tiểu tiện và gãy chân, tay, do lặn sâu xuống lòng biển và tai nạn. Mặc dù các bệnh xá ở đảo nổi đều đã được nâng cấp về cơ sở vật chất khám, chữa bệnh, song y cụ còn thiếu, nhất là các thiết bị chuyên ngành phẫu thuật như đèn chiếu sáng, dụng cụ thụt tháo, thuốc gây mê... Phòng để phẫu thuật cũng chưa được bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn. Thêm vào đó, khí hậu khắc nghiệt, việc bảo quản các y cụ cũng gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, bằng tình cảm, trách nhiệm của mình các thầy thuốc quân y giữa biển khơi đã cứu hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và người dân thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Theo Trung tá Đào Văn Kha, Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết, chính từ trong khó khăn các y, bác sỹ đơn vị đã nỗ lực vươn lên nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hầu hết các y, bác sỹ trên đảo đều tự học tập, nghiên cứu làm chủ các trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác khám, chữa bệnh và trồng một số loại cây thuốc Nam để chữa kết hợp với thuốc Tây. Cũng từ sự tích cực học tập, nghiên cứu mà sau thời gian công tác trên đảo các thầy thuốc đã trở thành những bác sỹ chuyên khoa, có thể chữa trị được một số căn bệnh.

Sau những giọt mồ hôi, sự thầm lặng của bác sỹ ở quần đảo Trường Sa, là niềm vui và sự sống của quân dân huyện đảo, là niềm tin, là chỗ dựa vững chắc của những ngư dân bám biển. Không chỉ vậy, trong lòng bà con ngư dân không chỉ là những chiến sĩ kiên cường trước sự khắc nghiệt nắng gió, mà còn có những chiến sĩ khoác áo blu trắng ngày đêm hồi sinh cho ngư dân biển, đảo./.

Bài, ảnh: Phùng Ngọc Thăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực