“Bốn tại chỗ” nơi rốn lũ Quảng Bình ​

Thứ ba, 14/08/2018 09:40
(ĐCSVN) - Quảng Bình vốn được mệnh danh là “rốn lũ” của miền Trung. Trung bình hàng năm thường có 2 đến 3 cơn bão đổ bộ hoặc ảnh hưởng tới địa bàn cùng với đó là nhiều đợt lũ lụt, ngập úng nghiêm trọng.
Lực lượng vũ trang thành phố Đồng Hới diễn tập PCLB-TKCN

Nhằm giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, là lực lượng nòng cốt trong phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN), bước vào mùa mưa lũ năm nay, các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) Quảng Bình đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó đồng bộ, sát thực tế từng địa bàn, đặc biệt là phát huy vai trò “bốn tại chỗ”.

Chúng tôi đến Ban CHQS thành phố Đồng Hới đúng thời điểm cơn bão số 4 đang diễn biến phức tạp trên khu vực phía Bắc Biển Đông. Khi đó, Thượng tá Cao Phi Sơn, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thành phố đang chỉ đạo các lực lượng chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bão lũ. Trao đổi với chúng tôi, anh Sơn cho biết: “Diễn biến bão hiện nay rất phức tạp có thể thay đổi hướng đi rồi đổ bộ vào các tỉnh Bắc Trung bộ, sau đó hoàn lưu bão lại gây mưa lớn, làm xuất hiện các đợt lũ, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, đô thị. Với chức năng là cơ quan tham mưu và là lực lượng nòng cốt trong PCLB - TKCN, mọi công tác chuẩn bị ứng phó với mưa bão của lực lượng vũ trang (LLVT) thành phố đã sẵn sàng. Đặc biệt, từ kết quả cuộc diễn tập PCLB-TKCN cuối năm 2017, chúng tôi sẽ phát huy tối đa hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”.

Trao đổi của Thượng tá Cao Phi Sơn làm tôi nhớ lại thời điểm chuẩn bị cho cuộc diễn tập PCLB-TKCN của thành phố trên sông Nhật Lệ vào cuối năm 2017. Trong tiếng còi báo động, chỉ ít phút xé nước, rẽ sóng, những chiếc xuồng, ca nô đã đến vị trí có người và tài sản đang bị dòng nước bủa vây. Chỉ là một tình huống tập cứu hộ người và tài sản trên sông và nội dung này đã được đơn vị tập luyện rất nhiều lần song Thượng tá Nguyễn Phi Sơn lúc đó vẫn chưa hài lòng. Anh vừa điều hành qua chiếc loa cầm tay, vừa ra hiệu cho các xuồng khẩn trương sơ tán người và tài sản. Giọng anh như lạc đi trong tiếng xuồng máy.

Thượng tá Cao Phi Sơn cho biết thêm: “Rốn lũ Quảng Bình nước lên rất nhanh, khi cấp trên chưa tăng cường, hỗ trợ kịp thời thì phải phát huy lực lượng, phương tiện tại chỗ. Cứu hộ trong điều kiện mưa bão rất nguy hiểm, chỉ cần lơ là một chút là không cứu được người, lại mất an toàn”.

Vận dụng kinh nghiệm từ cuộc diễn tập đó, hiện nay, các phương án di dời người và tài sản ở những vùng có nguy cơ ngập lụt, nước xoáy, nơi dễ đổ sập đã được Ban CHQS thành phố tính toán kỹ lưỡng, lên phương án cụ thể. Ví dụ như, để ứng phó với bão cấp 12, 13, địa phương sẽ huy động các nhà cao tầng, các khách sạn lớn bảo đảm an toàn đã được ký kết phối hợp từ đầu năm để làm chỗ di dời dân, nếu có bão lớn hơn và siêu bão thì toàn bộ nhân dân trong vùng ảnh hưởng sẽ được sơ tán lên địa bàn cao hơn. Hay tham mưu cho thành phố vận hành cơ chế sở chỉ huy hiện trường để giúp chỉ huy các cấp biết phương pháp điều hành, xử lý các tình huống.

Tiếp tục tìm hiểu tại Trung đoàn Bộ binh 996, chúng tôi được Trung tá Trần Chí Hiếu, Trung đoàn trưởng cho biết: “Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Trung đoàn còn đặc biệt coi trọng luyện tập các nội dung PCLB-TKCN. Chúng tôi xác định nếu không huấn luyện đầy đủ sẽ ảnh hưởng tới quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng như bảo đảm an toàn cho bộ đội…”. Được biết, xuất phát từ đặc điểm địa hình và yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, Trung đoàn đã tập trung huấn luyện bơi cho cán bộ, chiến sĩ và luyện tập thuần thục các tình huống thường gặp trong mùa mưa bão, như: Hàn khẩu các bờ đập chứa nước, tìm kiếm, cứu người trong điều kiện nước chảy mạnh, lở đất, lũ quét, lũ ống... 

Trước mùa mưa bão, việc củng cố, hoàn thiện và xử lý các tình huống liên quan đến bảo đảm thông tin liên lạc được các đơn vị Bộ CHQS tỉnh đặc biệt chú trọng. Khi bị mưa lũ chia cắt, cô lập, Bộ CHQS tỉnh sử dụng lực lượng công binh làm nòng cốt nhằm tiếp cận và ứng cứu nhân dân. Ban CHQS các huyện, thị, thành tham mưu cho chính quyền ký hợp đồng với các đại lý trên địa bàn dự trữ và sẵn sàng cung cấp hàng hóa, lương thực, thực phẩm khi có yêu cầu. Ở một số vùng trọng điểm, bà con nhân dân đã có nhiều cách làm sáng tạo để ứng phó với lũ như: “Nhà nổi chống lũ” của người dân xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa; trồng tre ngăn lũ ở huyện Tuyên Hóa; tự mua sắm áo phao, phao cứu sinh, đèn pin, can đựng nước, dầu hỏa... để “sống chung” với lũ 1 - 2 tuần...

Được biết, tính chủ động trong công tác chuẩn bị PCLB, TKCN ở các địa phương, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh còn được thể hiện ở chỗ khi nhận được thông báo, dự báo những cơn bão, áp thấp nhiệt đới có thể đổ bộ vào địa bàn, Bộ CHQS tỉnh đã xây dựng kế hoạch điều động Trung đoàn 996 và đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu điều động lực lượng “ém quân” trước ở những vùng dễ xảy ra lũ lụt để khi có tình huống, bộ đội sẽ có mặt kịp thời thực hiện nhiệm vụ giúp dân./.

Bài, ảnh: Trần Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực