Ấm tình quân dân nơi biên giới

Chủ nhật, 18/02/2018 22:50
(ĐCSVN) - Chiều nơi vùng biên giới Tây Nguyên thâm u, giữa nhà rông của làng Kà Đin, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, già làng ATeng nắm chặt lấy tay tôi, ông nói: “Nhà mình có nuôi được mấy con heo, để dành mấy ghè rượu ngon, Tết này mời cán bộ về làng mình nhé”.

Ông khoát tay chỉ về mấy cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng 707 đứng quanh đó rồi ôn tồn: “Cả thằng Việt, thằng Ngân, thằng Khiển, thằng Ánh… nó là con của cái làng ta rồi, nhất định phải ở lại làng, cho già vui cái bụng…”

Bộ đội biên phòng Kon Tum trao tặng nhà tình nghĩa cho bà con xã Mô Rai. Ảnh: ND

Biên giới là quê hương

Đồn biên phòng 707 đứng chân trên địa bàn xã biên giới Mô Rai thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Đường biên giới của xã tiếp giáp với nước bạn Campuchia dài trên 110 km. Xã Mô Rai có diện tích tự nhiên hơn 1500km2, gần bằng cả diện tích của tỉnh Thái Bình. Thượng tá Nguyễn Trọng Ngân, nguyên Bí thư chi bộ, đồn trưởng đồn 707 tâm sự: “Được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 21 km đường biên giới xã Mô Rai, cán bộ chiến sĩ nơi đây đã khắc phục vượt lên gian khó với tình yêu biên giới thiêng liêng, bám trụ vững vàng nơi vùng biên đầy khắc nghiệt”. Ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới, cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng 707 có nhiệm vụ chính trị rất cơ bản là chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số. Với hơn 2000 nhân khẩu gồm 11 dân tộc anh em, chủ yếu là đồng bào dân tộc Ja Rai và Rơ Mâm, trong đó Rơ Mâm là một trong các dân tộc còn ít người nhất trong cộng đồng 54 các dân tộc Việt Nam, hiện nay còn trên 130 hộ, gần 400 khẩu đang sống tập trung ở làng Le của xã Mo Rai. Đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, các tập tục lạc hậu vẫn tồn tại, ý thức tự vươn lên dựng xây cuộc sống mới còn hạn chế, phương thức canh tác sản xuất còn xưa cũ, không hiệu quả là những vấn đề được cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng 707 đưa vào chương trình hành động giúp dân trong những năm qua.

Chúng tôi cùng thượng tá Nguyễn Văn Khiển, trung tá Đồng Thanh Tĩnh về các làng GRập, làng Rẽ, làng Kênh, làng Xộp, làng Le… đi đến đâu cũng được bà con đón tiếp như người thân lâu ngày gặp lại. Bí thư chi đoàn Đồng Thanh Tĩnh giở sổ ghi chép rồi thông tin về những con số mà anh em cán bộ, chiến sỹ của đồn đã giúp dân những năm qua: trên 2500 ngày công giúp dân làm nhà, làm cỏ lúa, vệ sinh thôn làng… xây dựng 27 ngôi nhà tình nghĩa trị giá gần 500 triệu đồng; quyên góp tặng 7 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 200 ngàn đồng tặng gia đình chính sách, neo đơn; xây dựng  làng Tang, làng Le, làng Kênh trở thành các làng văn hóa; vận động 122 học sinh bỏ học trở lại trường; khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân. Xây dựng mô hình trình diễn cho 3 hộ trồng 12 ha cao su tiểu điền đang phát triển tốt. Trong “Nhật ký giúp dân” của chi đoàn 707 còn dài lắm với những con số chi tiết hàng ngày được chính trị viên phó Đồng Thanh Tĩnh coi như cuốn sổ truyền thống của chi đoàn.

Đã là con một nhà

Đêm trên biên giới Mô Rai đã gieo vào lòng chúng tôi quá nhiều cảm xúc. Đây là chủ quyền của Tổ quốc thiêng liêng cùng với đồng bào ruột thịt của mình đã bao đời gắn bó, bám đất, giữ rừng để cùng bộ đội biên phòng  canh giữ đất trời Tổ quốc.

Trong men rượu cần ngây ngất chốn vùng biên, già làng A GLá vít cần rượu thật sâu mời chúng tôi cùng uống. Xong, ông nắm chặt lấy tay tôi, nói: “Cán bộ à, người dân Mô Rai với bộ đội biên phòng như anh em một nhà thôi. Cái bụng của bộ đội nó tốt lắm, nó mang lại niềm vui cho dân làng mình đó”. Ông nhắc lại những cái tên, có những người đã chuyển công tác khỏi đồn 707 đã lâu như Phạm Xuân Bốn, Hoàng Văn Hà… Chiến sĩ Lưu Văn Hiệp nhớ lại: “Hôm tôi và Bốn trở lại Mô Rai, người dân làng Xộp, làng Le, làng Kênh cứ vây lấy, ôm lấy tôi và Bốn mà khóc, khóc thành tiếng: “Tại sao thằng Bốn đi mãi không về”. Chứng kiến cuộc hội ngộ đầy ắp tình người ấy, cổ họng tôi như nghẹn lại. Phải chăng những giọt nước mắt của bà con vùng đất thâm sơn cùng cốc này là để tri ân các chiến sĩ biên phòng. Xúc động nhất là hình ảnh ông A Chóc, năm nay đã ngoài 80 tuổi cứ ôm lấy Phạm Xuân Bốn xuýt xoa: “Thằng em mình năm nay lớn quá, anh nhìn mãi mới nhận ra”. Thì ra A Chóc và Bốn đã kết nghĩa anh em. Ông lại nói như với chính mình: “Thằng Bốn tốt bụng lắm, nó dạy mình biết cái chữ, giúp trồng cây lúa nước, đêm nằm ngủ mình mơ thấy nó nhiều lần thì thương nó quá. Chỉ có anh em trong nhà thì mới giúp nhau như thế chứ”. Cái lý của ông A Chóc giản đơn, mộc mạc như chính lòng người dân Mô Rai vậy. Còn già làng A Buông ở làng Xộp thì tâm sự: “Bộ đội biên phòng vừa dạy học, vừa giúp dân lao động sản xuất, khám chữa bệnh cho bà con nên bà con quý lắm, không quên ơn đâu. Việc lớn nhỏ gì của làng cũng gọi biên phòng. Mình nhớ lắm tình cảm của thằng Sơn (y sĩ Nguyễn Quang Sơn) trong những lần xuống chữa bệnh cho dân, hay thằng Hòa, thằng Thông… những lần tập trung bà con để dạy chữ… Nhớ. Nhớ lắm.”

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Bộ đội biên phòng Kon Tum, tháng 2/2018. Ảnh: ND

Nguyên Bí thư chi bộ, đồn trưởng Nguyễn Trọng Ngân nhớ lại, ở Mô Rai trước đây còn hủ tục, nếu người mẹ chết mà đứa con còn nhỏ thì cũng được chôn theo mẹ. Đây được xác định là vấn đề “nóng nhất” mà đồn biên phòng 707 quyết tâm vận động bà con xóa bỏ. Bước đầu, anh em phải đối mặt với những thách thức vì hủ tục đã bám sâu chặt trong lòng người dân nơi đây. Anh em dám đương đầu với thử thách và đã cứu được những đứa trẻ sơ sinh thoát khỏi sự nghiệt ngã của hủ tục, viết nên những “câu chuyện cổ tích như huyền thoại” dưới chân núi Mô Rai những năm về trước. Có nhiều cháu được cứu sống, trong đó có cháu Y Đức hiện đang sống, học tập, lớn lên trong vòng tay yêu thương tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum.

Trở lại Mô Rai, đến với bà con giữa chốn núi rừng biên giới, kỷ niệm trong mỗi chiến sĩ như âm hưởng từ cuộc sống dội về trong ký ức của mỗi người bao nặng sâu tình quân dân cá nước. Thượng tá Hoàng Văn Hà, nguyên chính trị viên đồn 707 vẫn khắc ghi trong tâm khảm của mình cái ngày anh được ông bà A BLong ở làng Le nhận về làm con nuôi với một nghi thức rất trang trọng là “Cắt máu uống rượu thề”. Buổi lễ kết nghĩa hôm ấy được mời cả làng và đồn biên phòng đến chứng kiến. Ông bà A BLong cho thịt hẳn một con trâu to cùng 2 ghè rượu để làm trọng lễ. Còn Hà phải ra thị trấn mua một bộ quần áo, đôi dép, cái mũ mới về tặng cha; tìm mua cặp Kà Tu (váy), chiếc cặp tóc thật đẹp về tặng mẹ. Sau nghi thức “uống rượu thề” trang nghiêm, cả làng Le say sưa chúc rượu, ca hát, tiếng cồng chiêng rộn rã ngân vang khắp núi rừng biên giới, trò chuyện thâu đêm… Bà con thay nhau chúc mừng gia chủ có thêm thành viên mới là cán bộ của đồn biên phòng và cũng không quên căn dặn “thằng Hà” về trách nhiệm làm người con của buôn làng.

Mô Rai đang bước vào mùa xuân mới, giữa đất trời Tây Nguyên nắng và gió, những người lính đồn biên phòng 707 vẫn âm thầm thả bước tuần tra, lặng lẽ mang niềm vui, cuộc sống mới đến với buôn làng. Đi dọc đường biên, nghe tiếng hát của những chiến sĩ biên phòng nơi đây bài hát “ Đêm trên Cha Lo” của nhạc sĩ  Phạm Tuyên vọng vào vách núi: “ Biên giới sáng trong niềm vui mới, như rực ánh hồng chân mây. Hỡi gió núi hãy hát cùng ta, nắng quê hương bừng lên, mãi xanh tươi cuộc đời’’… mà thấy tha thiết, thân thương quá giữa đất trời biên giới Mô Rai./.                                                                                 

Nguyễn Ngọc Diễm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực