Chung tay ngăn chặn tội phạm mua bán người

Thứ năm, 16/08/2018 18:38
(ĐCSVN) - Là loại hình tội phạm đặc biệt với những hệ lụy lâu dài đối với nạn nhân và xã hội, để ngăn chặn có hiệu quả tội phạm mua bán người ở tỉnh biên giới Điện Biên hiện nay đòi hỏi có sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành và toàn xã hội.

Thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, nguy hiểm

Nhận rõ hệ lụy của tội phạm mua bán người, những năm qua, cấp ủy, chính quyền cùng các cơ quan chức năng ở Điện Biên đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm nguy hiểm này. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhất là đời sống kinh tế của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn; do ảnh hưởng của các tập tục lạc hậu; trình độ nhận thức của bà con còn những hạn chế nhất định… nên tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong giai đoạn 2016 - 2018 vẫn đang có những diễn biến theo hướng phức tạp. Chỉ tính riêng thời gian từ năm 2016 đến hết tháng 5/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Điện Biên đã điều tra, khởi tố 33 vụ, 69 đối tượng về hành vi mua bán người, làm rõ 60 nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài. Số vụ mua bán người được phát hiện và điều tra làm rõ trong năm 2016 (14 vụ) và năm 2017 (15 vụ) đều cao hơn khoảng 1,5 lần so với trung bình hàng năm của giai đoạn 2011 - 2015. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tỉnh Điện Biên cũng đã phối hợp giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ 138 trường hợp, trong đó có 51 trường hợp là nạn nhân trong các vụ mua bán người, 87 trường hợp nước ngoài trao trả.

Theo ghi nhận, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Trong đó, phương thức, thủ đoạn hoạt động phổ biến vẫn là lừa đi tìm việc làm thu nhập cao, đi thăm thân, du lịch hoặc làm quen, yêu đương, sau đó đưa nạn nhân đi khỏi địa bàn lên các tỉnh biên giới bán cho các đối tượng người Trung Quốc làm vợ hoặc ép làm gái mại dâm. Nhiều đối tượng phạm tội nhất là các đối tượng trẻ tuổi còn tiếp cận và làm quen với nạn nhân thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… sau đó nhờ đối tượng quen biết trên địa bàn đưa nạn nhân lên khu vực biên giới. Chúng luôn hạn chế tối đa việc tiếp xúc, liên lạc trực tiếp với nạn nhân nên công tác phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh của các lực lượng chức năng thường gặp phải rất nhiều khó khăn.


Lực lượng Công an tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người
tại xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: NTH)

Điểm riêng của Điện Biên đó là từ năm 2016 đến nay, qua thống kê, nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ, trẻ em người dân tộc Mông (chiếm khoảng 95%) với trình độ nhận thức hạn chế, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Các địa bàn xảy ra tội phạm vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thuộc các huyện Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà, Điện Biên Đông… Trong đó, số vụ phạm tội có từ 02 đối tượng trở lên tham gia chiếm tỷ lệ cao (21/33 vụ, chiếm gần 64%). Do các đối tượng phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự nên công tác quản lý, phát hiện đối tượng gặp nhiều khó khăn; số đối tượng phạm tội là người tỉnh ngoài cũng đang có xu hướng tăng…

Cần thực hiện những giải pháp đồng bộ

Thực tế trên cho thấy, tình hình loại tội phạm mua bán người tại Điện Biên những năm gần đây đang tiềm ẩn nhiều phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Với tinh thần trách nhiệm, các cơ quan chức năng của tỉnh Điện Biên, trực tiếp là Công an và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tập trung lực lượng, phối hợp triển khai nhiều giải pháp để kịp thời ngăn chặn loại tội phạm này.

Trong thời gian tới, để kiềm chế, đẩy lùi tội phạm mua bán người tại Điện Biên, các cơ quan chức năng có liên quan cần tiếp tục thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của người dân với thủ đoạn, tội phạm mua bán người. Lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh Ðiện Biên cần chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tội phạm mua bán người tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ mua bán người, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số đó là do đời sống kinh tế khó khăn; người dân mong muốn có việc làm nên bị các đối tượng lừa bán. Do đó, về lâu dài, để giảm thiểu số phụ nữ ở Ðiện Biên bị lừa bán hoặc tự nguyện ra đi, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể phải chú trọng hơn nữa việc hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân địa phương; cần tạo điều kiện để bà con có thể vươn lên phát triển kinh tế ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Cùng với đó, các lực lượng chuyên trách như Công an, Biên phòng cũng cần tích cực xây dựng kế hoạch, triển khai có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người, thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình tội phạm cũng như xác định địa bàn trọng điểm, lập kế hoạch phòng ngừa, nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Điện Biên một cách hiệu quả nhất.

Ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới thuộc tỉnh Điện Biên là trách nhiệm chung của cơ quan chức năng các cấp và cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, gắn tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân với triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố chính quyền cơ sở, xây dựng địa bàn vững mạnh, nâng cao đời sống của nhân dân khu vực biên giới... là cơ sở để phát huy sức mạnh tổng hơp trong ngăn chặn tội phạm mua bán người ở tỉnh biên giới Điện Biên./.

Nguyễn Thị Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực