Đem con chữ đến với đồng bào...

Thứ sáu, 05/10/2018 12:06
(ĐCSVN) - Màn đêm lại buông, sương núi lại giăng kín lối đi, phủ lấy ánh đèn pin loang loáng, xuyên thấu màn đêm. Những con đường quanh co, khúc khuỷu, khó đi nhưng vẫn không ngăn được quyết tâm xóa mù chữ của bộ đội Đoàn KT-QP 5 và bà con nơi đây.

Cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 5 hướng dẫn bà con lớp xóa mù học chữ.

Những con đường xuyên qua bản làng, rừng núi dẫn tôi đến với lớp học ban đêm để xóa tái mù chữ cho bà con H’Mông ở hai xã Quang Chiểu và Tam Chung huyện vùng cao Mường Lát, miền Tây xứ Thanh của Đoàn kinh tế - quốc phòng (KT-QP) 5, Quân khu 4. Học sinh là chị em đã lớn tuổi và đàn ông quanh năm chỉ biết đến nương rẫy mà quên mất con chữ… Họ cặm cụi viết rồi đánh vần từng con chữ như con trẻ học vỡ lòng. Đêm về, bản xa lại vọng tiếng ê a…

Cũng như thường lệ, đêm nay, anh Lê Đức Long, trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) Đoàn KT-QP 5 lại cùng các đội viên Đội TTTTN Ngân Văn Thành, Phạm Văn Hà và Trung tá Dương Văn Bằng, Đội trưởng Đội sản xuất 5 lại vượt các con dốc cao, trơn trượt và khấp khểnh sau đợt lũ dữ đến với lớp học xóa tái mù chữ ở bản Suối Lóng, xã Tam Chung và bản Co Cài, xã Quang Chiểu. Trời tối, sương núi thấm ướt vai áo. Mới hơn 19 giờ nhưng đã có nhiều người đến lớp. Long cho biết, hôm nay, trời vừa mưa, bà con không đi rẫy nên đến sớm, có hôm mãi 20 giờ mới vào học được. Khi lớp học xong, về đơn vị có khi đã gần sáng, nhưng phải kiên trì thôi anh ạ”.

Sương núi lan vào cửa lớp, quanh quẩn bên ánh điện mờ. Tiếng đánh vần, tiếng đọc đồng thanh, tiếng viết bảng loẹt xoẹt của những học trò đặc biệt đã xua tan không gian tĩnh lặng chốn rẻo cao. Những đứa trẻ theo bố mẹ đi học quấn dưới chân bàn, vô tư chơi đùa. Trong số họ, có người chưa một lần biết đến cái chữ, cũng có người đã từng được đi học nhưng đã quên… Quay trở lại với con chữ, họ lại viết được tên của mình, đọc được tên bản, tên xã mình với những niềm vui bất tận.

Học sinh của lớp học này chủ yếu là phụ nữ người H’Mông ở độ tuổi 15-60. Chị em lấy chồng từ khi 13, 14 tuổi, sinh liền mấy đứa con, rồi quanh năm lam lũ với ruộng nương đến già trước tuổi. Khuôn mặt hằn lên vất vả, đôi tay gầy guộc, đen đúa. Với họ, việc cầm bút khó khăn hơn nhiều so với cầm liềm cắt lúa hay xe sợi, nhuộm vải. Một số đàn ông cũng chăm chỉ đi học. Ông Giàng A Ly ở bản Suối Lóng nói với tôi: “Phải đi học thôi. Xuống chợ bán con lợn, con bò lại phải nhờ người biết cái chữ đi cùng để tính cho đúng giá. Rồi giấy tờ nhà, đất, không biết viết tên mình mà phải điểm chỉ thì “xấu hổ lắm”.

Những năm qua, mặc dù bộ mặt nông thôn vùng cao Mường Lát đã có nhiều khởi sắc nhưng đây vẫn là một trong những huyện của tỉnh Thanh Hóa nghèo nhất nước. Cuối năm 2017, tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ ở độ tuổi từ 15-60 của huyện Mường Lát là 56,42%. Riêng 5 xã vùng dự án Khu KT-QP Mường Lát tỷ lệ mù chữ khá cao, trong đó, xã Tam Chung 80,06%; Tén Tằn 73,16%; Quang Chiểu 70,09%; Pù Nhi 19,17%; Mường Chanh 17,73%.

Đồng chí Lâu Thanh Va, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Mường Lát cho biết: “Việc xóa mù chữ cho đồng bào được huyện xác định là giải pháp đầu tiên để nâng cao nhận thức cho người dân. Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Đoàn KT-QP 5 và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát về việc xóa mù chữ, theo đề nghị của địa phương và nguyện vọng của bà con nhân dân, Đoàn KT-QP 5 đã mở được 3 lớp học xóa mù chữ và tái mù chữ trên địa bàn xã Quang Chiểu và Tam Chung cho 102 người dân. Đây là một cuộc cách mạng để giảm, đi đến xóa mù chữ”.

Đại tá Hoàng Văn Sơn, Chính ủy Đoàn KT-QP 5 chia sẻ: “Có thể bà con chưa thấy được ngay hiệu quả do cái chữ mang lại nhưng chắc chắn họ ý thức được việc học cái chữ sẽ đem ánh sáng đến với gia đình, với bản làng của mình. Hơn 100 học sinh “quá tuổi” ở lớp học xóa tái xóa mù chữ ở Quang Chiểu và Tam Chung đã biết yêu quý cái chữ, coi đó là một mục tiêu phấn đấu để cải thiện cuộc sống của mình đã khẳng định chương trình xóa mù chữ là hết sức đúng đắn”.

Màn đêm lại buông, sương núi lại giăng kín lối đi, phủ lấy ánh đèn pin loang loáng, xuyên thấu màn đêm. Những con đường quanh co, khúc khuỷu, khó đi giống như con đường đến với cái chữ, đến với ánh sáng tri thức của đồng bào người H’Mông nhưng vẫn không ngăn được quyết tâm của bộ đội Đoàn KT-QP 5 và bà con nơi đây. Để mỗi khi màn đêm buông xuống, bản xa lại vọng tiếng ê a học bài.../.

Bài, ảnh: Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực