Gần dân, sát dân, sẵn sàng giúp đỡ nhân dân

Thứ ba, 04/09/2018 16:38
(ĐCSVN) – "Làm công tác an ninh có cái khó nhưng nếu được nhân dân tin mến, chắc chắn sẽ thành công. Song để nhân dân tin mến, đòi hỏi bản thân người chiến sỹ Công an Nhân dân, đặc biệt là người lãnh đạo phải gần gũi, nắm bắt và hiểu được dân, chia sẻ các khó khăn với dân".
Đó là những chia sẻ của Đại tá Lê Văn Khoa, Trưởng Công an Huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) với chúng tôi khi nói về nhiệm vụ mà đơn vị được cấp trên phân công công tác.
 
Đại tá Khoa cho biết, Ba Tơ là huyện miền núi của Quảng Ngãi. Đây cũng là địa phương có truyền thống cách mạng kiên cường; người dân luôn một lòng tin theo Đảng. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, Ba Tơ từng bước chuyển mình, phát triển, điều kiện kinh tế- xã hội và đời sống của người dân Ba Tơ đã khá hơn so với trước. Song tình trạng nghèo đói ở Ba Tơ vẫn còn, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Và chính cái nghèo, cái khó nếu không được quan tâm giải quyết sẽ kéo theo, làm nẩy sinh nhiều tệ nạn, nhất là nạn trộm cướp, các mâu thuẫn, tranh chấp trong làm ăn của người dân…


Đại tá Lê Văn Khoa trao đổi với phóng viên.

“Đây chính là nguồn gốc làm cho xã hội bất an; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thiếu ổn định. Bởi vậy, trong những năm qua, cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Ba Tơ luôn nhận thức sâu sắc bài học gần dân, sát dân, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân, giúp bà con trong huyện, nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số phấn đấu vươn lên. Từ nhận thức này, mỗi đồng chí lãnh đạo đến từng cán bộ, chiến sỹ Công an trong đơn vị luôn phấn đấu rèn luyện, đặc biệt là thường xuyên được tăng cường về cơ sở bám sát địa bàn, bám sát nhân dân. Trong quá trình công tác, luôn biết lắng nghe, thấu hiểu và hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, trên cơ sở đó có những tham mưu, đề xuất với cấp trên để giúp người dân tháo gỡ, vượt qua các khó khăn, ổn định sản xuất và đời sống. Cũng từ đây, mọi diễn biến trên địa bàn phụ trách, các cán bộ, chiến sỹ được “tai, mắt” của dân giúp đỡ, kịp thời xử lý, giải quyết có hiệu quả các vụ việc nảy sinh liên quan đến an ninh chính trị, trật tự trị an trên địa bàn”- Đại tá Lê Văn Khoa chia sẻ.

Từ nguồn tin của quần chúng, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Lê Văn Khoa, các lực lượng Công an huyện Ba Tơ đã tiến hành xử lý 17 vụ xâm phạm về trật tự xã hội; 2 vụ về tệ nạn xã hội là đánh bạc và tàng trữ trái phép chất ma túy; 1 vụ hàng nhập lậu; 1 vụ hủy hoại rừng và 6 vụ khai thác khoáng sản trái phép;… 

Tuy nhiên, với điều kiện của Ba Tơ là một huyện miền núi, có địa bàn rộng lớn và phức tạp do đồi núi chia cắt; trong khi đó, với hơn 80% dân số là đồng bào H’rê nên khi xuống với dân, lực lượng Công an gặp rất nhiều khó khăn khi đi lại, tuần tra, truy bắt các đối tượng. Cùng với đó là sự bất đồng về ngôn ngữ, sự khác biệt về văn hóa cũng như chưa am hiểu hết các phong tục, tập quán của đồng bào. Theo Đại tá Lê Văn Khoa, đây luôn là những thử thách đầu tiên khi về với dân của mọi cán bộ, chiến sỹ Công an Ba Tơ.

Đại diện Công an huyện Ba Tơ trao quà cho gia đình
đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn.
 
  Đại tá Lê Văn Khoa cho biết:  “Chính những khó khăn đó lại là động lực để chúng tôi vượt qua thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cấp trên giao. Để hiểu dân, hiểu cơ sở, chúng tôi thường xuyên tăng cường các đội công tác xuống cơ sở, cùng ăn, cùng ở và sinh hoạt với đồng bào. Mặt khác, Công an huyện đã chủ động tham mưu, đề xuất với Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Tơ có giải pháp để giúp các xã, thôn, làng khó khăn xây dựng, củng cố hệ thống chính trị gắn với xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đồng thời tuyên truyền, vận động để đồng bào H’rê giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cũng như phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu ở địa phương, vươn lên xóa đói, giảm nghèo…”.

Với những nỗ lực đó, đến nay, lực lượng Công an huyện Ba Tơ không những thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân trên địa bàn nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm và năng lực đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật mà đã từng bước kiềm chế, giảm dần hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, từ đó góp phần đáng kể trong giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Đặc biệt, đến nay lực lượng Công an cũng đã phối hợp với chính quyền các xã xây dựng thành công nhiều mô hình trong phòng, chống tội phạm và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc như: Mô hình “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ” tại xã Ba Dinh; mô hình “Phòng ngừa tảo hôn” tại xã Ba Nam; mô hình “Vườn ươm tiếp sức hoàn lương” tại xã Ba Động; mô hình “Tiếng kẻng giữ gìn an ninh trật tự ở xã Ba Cung, Ba Trang và Ba Khâm; mô hình “Phòng chống bạo lực gia đình” tại xã Ba Giang; mô hình “Tự phòng, tự quản lý” ở xã Ba Vinh. Hiện các mô hình trên đang được lãnh đạo Công an huyện tiếp tục chỉ đạo nhân rộng trong toàn huyện.

Gắn với các hoạt động đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mặc dù nguồn kinh phí có hạn, song qua phát động và tinh thần tự giác đóng góp của cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị, thời gian qua, lực lượng Công an huyện Ba Tơ đã xây dựng 02 căn nhà tình nghĩa, tặng 04 con bò cho 04 hộ dân để phát triển kinh tế, xây dựng đường dây điện qua xã Ba Liên, nhận phụng dưỡng 02 mẹ Việt Nam anh hùng ….Đây là những việc làm thiết thực, góp phần giúp đồng bào khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, đồng thời cũng thể hiện được trách nhiệm của người cán bộ đối với nhân dân.

“Những kết quả đó trước hết là xuất phát từ tình cảm của cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị đối với nhân dân. Thông qua những việc làm này, lãnh đạo Công an huyện mong muốn cán bộ, chiến sỹ được bồi dưỡng thêm thực tiễn khi đến với dân, qua đó sẽ thấy được trách nhiệm của mình với đồng bào và công việc của mình. Mặt khác, cũng nhờ gắn bó với nhân dân nên mọi vấn đề xảy ra trên địa bàn đều được nhân dân thông báo. Bởi thế, mặc dù Ba Tơ là địa bàn mà một số tôn giáo hoạt động trái phép muốn thâm nhập nhưng đến nay, tất cả các đối tượng có âm mưu đến địa bàn để tuyên truyền, dụ dỗ đồng bào đi theo đều được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời”- Đại tá Lê Văn Khoa cho biết thêm.

Công an Ba Tơ trao quà gia đình chính sách tại xã Ba Dinh

Nói về kinh nghiệm trong xử lý các vụ việc liên quan đến người dân ở địa phương, Trưởng Công an huyện Ba Tơ Lê Văn Khoa chia sẻ: “Vì địa bàn chúng tôi đa số là đồng bào H’rê. Do vậy, mọi vụ việc khi xử lý liên quan đến đồng bào phải hợp tình, hợp lý; có cân nhắc giữa việc giữ nghiêm kỷ cương pháp luật nhưng cũng chú trọng tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Đặc biệt, khi làm việc cụ thể phải hiểu được phong tục tập quán và có người theo phiên dịch để tránh sự hiểu nhầm. Về vấn đề xử phạt đồng bào, đa số là nhắc nhở, vi phạm nặng quá thì cân nhắc xử mức thấp nhất kèm theo cam kết không tái phạm".

Có thể nói, với phương châm và cách làm như vậy, lực lượng Công an huyện Ba Tơ đã xây dựng và giữ vững được mối quan hệ chặt chẽ với các cấp chính quyền và người dân địa phương, tạo điều kiện để đơn vị nắm sát tình hình, kịp thời xử lý có hiệu quả những vụ việc, vấn đề nảy sinh, góp phần bảo vệ bình yên của quê hương Ba Tơ.

Từ những kết quả đạt được, năm 2017, Công an huyện Ba Tơ đã vinh dự được Tổng Cục Cảnh sát Nhân dân tặng Bằng khen về thành tích tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi tặng Giấy khen vì thành tích xuất sắc trong công tác bắt, vận động đầu thú đối tượng truy nã...

Đặc biệt, Đại tá Lê Văn Khoa, Trưởng Công an huyện Ba Tơ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tặng Bằng khen do đạt tiêu chuẩn "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2013-2017)"; hiện Công an huyện Ba Tơ đang được Hội đồng thi đua khen thưởng Công an tỉnh Quảng Ngãi đề nghị cấp trên tặng Cờ thi đua do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2017./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực