Giúp nhân dân đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu

Chủ nhật, 14/07/2019 11:46
(ĐCSVN) - Tiếp nối chiến công nơi chiến trường xưa, hơn 20 năm đóng quân thực hiện nhiệm vụ của mình, những người lính Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4) tiếp tục bước vào “cuộc chiến đấu mới” - cuộc chiến giúp nhân dân đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, xây dựng cơ sở chính trị vững chắc, góp phần giữ thế vững biên cương.
Cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4)
hướng dẫn nhân dân kỹ thuật bón phân cho cây lúa nước

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa bàn 5 xã: Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Phùng, Hướng Linh, Hướng Lập của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (thuộc vùng dự án kinh tế - quốc phòng Khe Sanh) là chiến trường xưa ác liệt. Nơi đây quân và dân ta đã lập nên chiến công vang dội. 

Tiếp nối chiến công nơi chiến trường xưa, hơn 20 năm đóng quân, thực hiện nhiệm vụ, những người lính Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT – QP) 337(Quân khu 4) tiếp tục bước vào “cuộc chiến đấu mới” - cuộc chiến giúp nhân dân đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, xây dựng cơ sở chính trị vững chắc, góp phần giữ thế vững biên cương.

Hôm nay, đi đến các xã trong Khu KT - QP Khe Sanh, thấy đường nhựa, đường bê tông đã vào đến hầu hết các thôn, bản. Hai bên đường là những vườn cao su, cà phê, cây bời lời, cây ăn quả… ngút một màu xanh. Xen kẽ giữa các vườn cây là những ngôi nhà mái ngói, mái tôn xanh, đỏ, cùng những ruộng lúa vàng ươm và các công trình thủy điện lớn nhỏ… Bức tranh thôn, bản thật đẹp, cứ ngỡ như bom đạn của chiến tranh chưa hề rơi xuống nơi đây.

Trung tá Lê Ngọc Hồi, Trợ lý dân vận Phòng Chính trị Đoàn KT – QP 337, người đã có mặt từ những ngày đầu tiên cùng Sư đoàn đến đóng quân ở nơi đây kể: “Buổi đầu về đây thực hiện nhiệm vụ xây dựng Khu KT – QP Khe Sanh, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Xác định đây là vùng đất cách mạng, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế. Do đó, chúng tôi quyết tâm vượt mọi khó khăn để giúp dân chiến thắng đói nghèo, lạc hậu. Ngay từ những ngày đầu, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn đã xác định phải bắt đầu “cuộc chiến” này từ dân, dựa vào dân và trên hết là vì lợi ích của nhân dân. Để làm được điều đó, cán bộ, chiến sĩ phải lắng nghe, hiểu được dân nói, nói được tiếng nói của dân, nói cho dân nghe, dân hiểu. Và không lời nói nào thuyết phục hơn là bằng những việc làm cụ thể, mang lại hiệu quả để dân tin…”.

Cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4)
cùng làm với nhân dân, giúp dân thoát đói nghèo

Những người lính Đoàn KT – QP 337 vốn quen cầm súng, giờ trên mặt trận mới họ phải thực hiện nhiệm vụ trên vùng đất rộng hơn 66.000 ha, có hơn 72km đường biên giáp nước bạn Lào, địa hình đi lại khó khăn do nhiều đồi núi, khe suối chia cắt. Đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 60%, chủ yếu là bà con dân tộc Vân Kiều quen với tập tục đốt rừng làm nương rẫy. Vì thế, nhiều vùng đất trở nên hoang tàn, trơ trọi, chỉ còn lau lách trắng xóa và bom, mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh sót lại. Trình độ dân trí còn hạn chế với nhiều hủ tục lạc hâu, mê tín dị đoan…

Song những thử thách, gian nan đó đã không làm lùi bước người lính Đoàn KT – QP 337, bởi với truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, dù  khó khăn gian khổ nào họ cũng vượt qua. Họ kiên trì, bám trụ vừa học tiếng, tìm hiểu phong tục tập quán của dân, vừa ươm từng hạt giống, chăm chút từng mầm non, nuôi từng con giống… để thực hiện các mô hình dự án trồng rừng, trồng cây ngắn ngày, dài ngày và chăn nuôi.

Cùng với đó, những “người lính 337” không quản ngày đêm mưa nắng đến từng bản, vào từng nhà tuyên truyền vận động nhân dân định canh, định cư, thay đổi phương thức sản xuất, từ bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn hóa. Họ cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho dân bản. Khi thấy rõ hiệu quả, bà con nhân dân làm theo ngày càng nhiều.

Bám bản, bám dân, hiểu dân để giúp dân bằng những việc làm thiết thực được chúng tôi kiểm chứng khi đi nhiều nơi trong vùng dự án. Đó không chỉ là hàng trăm mô hình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, xây dựng cơ sở chính trị mà Đoàn đã thực hiện những năm qua mà còn là những câu chuyện của người dân nơi đây kể về những việc làm đầy nghĩa tình về “bộ đội 337”.

Với những người dân thôn Tri, xã Hướng Lập, họ luôn xem “bộ đội 337” như người con của bản. Hơn 3 năm trước, 34 hộ gia đình của thôn Tri cũ bị cô lập bởi sông Sê Bang Hiêng cách nơi ở mới hơn 5 km bởi không điện, đường, trường, trạm. Vậy mà giờ đây, được Trung đoàn Nông lâm 52 - Đoàn KT - QP 337 tuyên truyền vận động đến nơi ở mới và hỗ trợ vật chất, kinh phí, cùng giúp xây dựng nhà cửa, hỗ trợ cây giống, vật nuôi, khai hoang hơn 3,8 ha ruộng lúa nước giúp dân… Đến nay, thôn Tri mới xã Hướng Lập đã phát triển thành 42 hộ dân, hệ thống điện, đường, trường học đảm bảo tốt, điều kiện kinh tế của nhiều hộ dân trong thôn phát triển khá. 

Ông Hồ Đức Vân, Chủ tịch UBND xã Hướng Lập cho biết: “Vận động được bà con từ nơi ở cũ đến nơi ở mới là cả một vấn đề gian nan bởi bà con không muốn thay đổi nơi ở. Song cán bộ, nhân viên Đoàn KT - QP 337 không quản ngày đêm vượt đường rừng, sông suối vào thôn vận động từng nhà, giúp đỡ nhân dân nhiệt tình, trách nhiệm, miệng nói, tay làm nên bà con đồng ý và giờ đời sống nhân dân ổn định và phát triển ở nơi ở mới…”.

Cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4)
khám bệnh cho bà con thôn, bản trong vùng dự án

Cũng như 42 hộ dân ở thôn Tri, chỉ trong 5 năm qua, Đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động và hỗ trợ hơn 100 hộ dân cư dọc biên giới, lồng ghép các dự án giúp dân phát triển kinh tế xã hội hàng năm giúp 25- 30 hộ dân giảm nghèo từ 5 - 6 triệu đồng; đồng thời đơn vị còn xây dựng mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng, trồng dong riềng, giúp dân xóa đói, giảm nghèo hiệu quả và xây dựng thôn bản văn hóa... lồng ghép các dự án KT-QP làm đường giao thông liên thôn, đập thủy lợi, điểm trường mầm non, khai hoang lúa nước, khai hoang phục hóa đất sản xuất cho địa phương hàng trăm ha.

Chỉ tay về phía nương lúa vàng trĩu hạt, anh Hồ Nuốt, ở thôn A Sóc, xã Hướng Lập hồ hởi khoe: “Của nhà miềng cả đó! Nhờ có “Bộ đội 337” mà nhà miềng từ chỗ cái bụng luôn đói, nay đã đã xây được cái nhà mới mua được 2 cái xe máy, cưới được vợ cho con. Sắp tới miềng sẽ mở rộng khai hoang diện tích trồng lúa nước…”.

Cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4)
cung cấp phân bón cho bà con trong vùng dự án.

Không chỉ giúp dân đẩy lùi đói nghèo bằng các mô hình phát triển kinh tế, các đơn vị của Đoàn hàng năm còn nhận đỡ đầu cho 18 cháu học sinh Vân Kiều có hoàn cảnh khó khăn 1 triệu đồng/cháu/năm. Mỗi cơ quan, đơn vị đỡ đầu 1-2 hộ nghèo đặc biệt khó khăn; tiếp nhận đỡ đầu các cháu mồ côi trên địa bàn...

Để đẩy lùi lạc hậu, tập tục mê tín dị đoan, bước chân của cán bộ, nhân viên Đoàn đã đi qua không biết bao nhiêu con đường, dòng suối vào thôn, bản để vận động nhân dân. Cùng với đó, Bệnh xá Quân dân y của đơn vị còn thường xuyên làm tốt công tác khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí không chỉ với nhân dân trên địa bàn mà còn với các bản làng của Lào ở giáp biên giới...

Tạm biệt núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, tạm biệt những người dân mang họ Bác Hồ - những người đã từng che chở bộ đội, gùi súng đạn, cung cấp lương thực cho bộ đội đánh thắng kẻ thù, tôi chợt nghĩ, quân và dân tiếp tục sát cánh bên nhau “chiến đấu” chống đói nghèo, lạc hậu giữa bộn bề khó khăn. “Cuộc chiến” đó dẫu còn nhiều gian nan, vất vả song nhất định sẽ thành công, bởi vì những người lính Đoàn KT – QP 337 đã làm cho dân tin bằng các việc làm cụ thể, thiết thực với tinh thần luôn vì lợi ích của nhân dân./.

Bài, ảnh: Đức Cương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực